TP.HCM đã ban hành Quyết định 117 về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố khi dành gần 14.000 tỉ đồng để đầu tư 2 công viên rộng 278 ha tại TP.Thủ Đức và quận 12. Đây là 2 trong số 5 công viên sẽ được Ban Hạ tầng đô thị TP.HCM lập và trình chủ trương trong giai đoạn 2024 – 2030. Cụ thể, 2 công viên quy mô lớn này gồm Khu công viên cây xanh 150 ha (tại phường Thạnh Xuân, quận 12) có vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2024 – 2030. Khu lâm viên sinh thái 128 ha (tại TP.Thủ Đức) có vốn đầu tư 6.400 tỉ đồng, cũng thực hiện từ năm 2024 – 2030. Ngoài 2 công viên trên, giai đoạn 2026 – 2030, thành phố sẽ tập trung đầu tư thêm một số công viên quy mô lớn tại TP.Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn và Củ Chi để đảm bảo chỉ tiêu cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2030 đạt không dưới 1m2/ người. Nhiều tuyến đường ở TP.HCM dù mới xây dựng nhưng vắng bóng cây xanh ĐÌNH SƠN Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng đang “khát” không gian xanh. Đặc biệt là tại TP.HCM, tỷ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP.HCM chỉ đạt 0,55m2/người, trong khi Hà Nội 2,06m2/người, Đà Nẵng 2,4m2/người, và Hải Phòng khoảng 3,41m2/người, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cây xanh đô thị đặc biệt khoảng 15m2/người (theo TCVN 9257:2012). Bộ Xây dựng cũng cho hay, dù quy chuẩn quy hoạch đô thị hiện nay yêu cầu diện tích đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu phải đạt từ 4 – 7m2/người, nhưng tỷ lệ thực tế ở các đô thị chỉ đáp ứng một phần quy chuẩn. Lý giải về nguyên nhân vì sao cây xanh, công viên ở TP.HCM quá ít, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình phát triển công viên, cây xanh giai đoạn 2020 – 2025 là kinh phí để đầu tư xây dựng công viên. Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng – tương đương 0,65m2/người (quy mô dân số ước tính 10 triệu người), thành phố cần đầu tư tối thiểu 54 dự án, với kinh phí ước tính 9.011 tỉ đồng. Nhưng đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Trong số 8 dự án này, HĐND và UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án với tổng kinh phí 1.590 tỉ đồng. Trong khi vốn ngân sách cho đầu tư công viên, cây xanh còn hạn chế thì việc mời gọi xã hội hóa đầu tư đối với lĩnh vực công viên cây xanh hiện nay không thể thực hiện được do quy định tại luật Đầu tư số 64 và Nghị định số 59 thì công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và xã hội hóa. Vì vậy, chưa khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia thực hiện. Theo Thanh Niên Online