TP.HCM cần sớm trình Quốc hội thông qua dự án vành đai 3, khởi động hồ sơ dự án vành đai 4 và nghiên cứu đề xuất khép vành đai 2. Đề cập tới nhiệm vụ trong quý II, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 5/4 yêu cầu các sở, ngành tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án giao thông. Trong số đó, thành phố cần sớm trình Quốc hội thông qua dự án vành đai 3, khởi động hồ sơ dự án vành đai 4 và nghiên cứu đề xuất khép vành đai 2. Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (2, 3, 4) với tổng chiều dài 356 km. Các tuyến vành đai khi hoàn thành sẽ giải tỏa các luồng xe quá cảnh, kết nối thành phố với địa phương lân cận, đô thị vệ tinh, thúc đẩy tiềm lực kinh tế vùng. Tuy nhiên đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 là 16 km), riêng vành đai 4 vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quý II Ông Mãi giao các đơn vị xúc tiến hoàn thành hồ sơ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025. Trong tương lai, đây là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế. Đường vành đai 3 chưa khép kín của TP.HCM. Đồ họa: Phượng Nguyễn. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, cân đối khả năng ngân sách bổ sung đối với đề xuất một số dự án cấp bách liên quan vòng xoay, nút giao giảm kẹt xe, tăng cường buýt kết nối metro, đường trên cao, buýt nhanh…; sớm triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao và xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Ông Mãi cho rằng trong thời gian tới, TP.HCM cần phối hợp nhà đầu tư để nghiên cứu triển khai dự án cảng luân chuyển container tại Cần Giờ. “Làm được công trình này sẽ rất tốt cho chuỗi logistics của chúng ta”, Chủ tịch TP.HCM nói. Mặt khác, ông Mãi đánh giá kết quả quý I năm nay của TP.HCM còn nhiều hạn chế. Ở quý II này, thành phố cần tập trung giải quyết để đạt sự phục hồi đồng bộ như triển khai đề án logistics, lĩnh vực dịch vụ điện tử; hoàn thành hồ sơ trung tâm tài chính trình Trung ương; khôi phục lại các gói tài khóa, tiền tệ… để thúc đẩy phát triển kinh doanh. Phục hồi vượt dự báo Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết thành phố chưa bao giờ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, năm 2020, TP.HCM tăng trưởng 1,36%, trong khi cả nước có tốc độ tăng trưởng là 2,91%. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của thành phố âm 6,78%, còn cả nước tăng 2,58%. Chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của đại dịch đã gây ra tổn thương nặng nề với TP.HCM. Ông Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Hà. Qua quý I/2022, TP.HCM ghi nhận tăng trưởng 1,88%. Con số này vượt qua dự báo của Viện nghiên cứu phát triển. Tốc độ này cho thấy sự phục hồi rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng thành phố đang có nhiều nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng âm đáng lo ngại. Điển hình, lĩnh vực xây dựng âm 14,73%. Nguyên nhân là thu nhập người dân 2 năm qua bị cạn kiệt, số đơn xin giấy phép sửa chữa, xây cất nhà giảm sâu. Nhóm ngành có tăng trưởng âm thứ 2 là dịch vụ lưu trú, ăn uống âm trên 8,68%. Do đó, thành phố cần có giải pháp hỗ trợ ngành bằng nhiều giải pháp thực tế như tăng cường nhân lực, đầu tư mặt bằng, địa điểm (công viên bến Bạch Đằng; đầu tư, sửa chữa nhanh tuyến đường Lê Lợi sau khi dự án metro bàn giao mặt bằng; tháo gỡ các điểm nghẽn cục bộ tại sân bay Tân Sơn Nhất). Thống kê quý I, một số ngành công nghiệp chủ lực của thành phố còn chậm phục hồi; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ và du lịch ước giảm lần lượt 4,8% và 11,8% so với cùng kỳ. Trước chỉ số tăng trưởng du lịch giảm mạnh, ở ba tháng tiếp theo, TP.HCM đặt ra nhiệm vụ phát triển, kích cầu du lịch nội địa gắn với phát triển văn hóa sông nước sông Sài Gòn liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở ăn uống, khu vui chơi giải trí, hãng hàng không… Theo Zing News