Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, nguyên liệu khan hiếm


4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6% so với cùng kỳ 2021. Dù thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ – Ảnh: C.Q.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 4 ước đạt trên 4,8 tỉ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ 2021, tuy nhiên lại giảm 2,6% so với tháng 3-2022.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 17,9 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỉ USD (tăng 10,5%), lâm sản chính đạt gần 5,9 tỉ USD (tăng 4,9%), thủy sản ước đạt gần 3,6 tỉ USD (tăng 43,7%),…

Nhóm hàng thủy sản tăng mạnh nhờ xuất khẩu tôm (tăng 38,6%) và đặc biệt là cá tra (tăng 89,6%) so với cùng kỳ 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long lập đỉnh vào cuối quý 1-2022, giá trung bình xuất khẩu sản phẩm cá tra fillet đông lạnh sang hầu hết các thị trường cũng tăng mạnh.

Thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7 – 0,8kg/con dao động ở mức 31.000 – 32.500 đồng/kg, cỡ 1 – 1,2 kg/con dao động mức 32.000 – 34.500 đồng/kg.

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra nguyên liệu đã tăng 8.000 – 10.000 đồng/kg và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3-2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Tại địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý 2-2022.

Theo VASEP, giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức 3,2 – 3,4 USD/kg.

Trong đó giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.

Các lô hàng cá tra chế biến và được vận chuyển đi Mỹ trong thời gian này chủ yếu là fillet cá tra đông lạnh cỡ lớn, trong khi cá thương phẩm đông lạnh cỡ nhỏ và vừa đang thiếu hụt.

Giá cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động 2,4 – 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 – 2,7 USD/kg).

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con/cắt xẻ bướm đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh,… sang Trung Quốc.

Giá fillet cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động 2,9 – 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tuổi Trẻ Online


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: