Bỏ tiệm tóc thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chàng trai xuyên Việt cắt tóc miễn phí cho người nghèo


Từ bỏ vị trí ông chủ một tiệm cắt tóc với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, anh Thắng khiến nhiều người bất ngờ với hành động mang theo bộ đồ nghề cắt tóc rong ruổi khắp đất nước để cắt tóc miễn phí cho người nghèo.

Chất như người Sài Gòn: Đem đồ nghề ra bãi đất hoang cắt tóc miễn phí cho người lao động

Gặp người đàn ông 23 năm cắt tóc vỉa hè: “Người Sài Gòn vẫn đơn giản vậy thôi!”

Cuộc sống ngày qua ngày của ông chủ một tiệm cắt tóc có tiếng tại Sài Gòn với mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng của anh Phạm Đình Thắng (SN 1988, quê Quảng Ngãi) dường như là điều mơ ước đối với mọi người.

Tuy nhiên đối với anh Thắng vẫn luôn cảm thấy điều gì đó chưa đủ. Anh luôn khao khát được đi khắp đất nước, mang cây kéo và nghề cắt tóc của mình giúp đỡ nhiều người nghèo. Nghĩ là làm, ngày 27/7/2016, anh Thắng đã bắt đầu cuộc hành trình đạp xe xuyên Việt.

Chiếc xe đạp cũ vì di chuyển quá sức mà đâm ra thủng săm, nổ lốp, hư hỏng suốt. Anh Thắng phải tự sửa với đồ nghề mang theo để tiết kiệm chi phí. Có những lần hết tiền, anh phải xin trái cây dọc đường ăn trừ cơm, buổi sáng chỉ uống nước lã đạp xe. Thi thoảng, anh còn rửa chén thuê ở quán ăn để có tiền tiếp tục hành trình. Nhiều lần nhỡ đường, không xin được chỗ nghỉ chân, anh phải cắm trại bên bìa rừng, dưới bãi biển hoặc xin ngủ nhờ cây xăng.

Từ Sài Gòn, anh Thắng đạp xe men theo chiều dài đất nước ra đến Hà Nội. Từ Thủ đô, anh ngược lên Tây Bắc, rồi vòng về lại Sài thành và kết thúc hành trình ở Cà Mau. Kế hoạch của anh Thắng là đến mỗi tỉnh thành, anh ở lại 3 – 5 ngày để tổ chức cắt tóc miễn phí gây quỹ từ thiện cho chương trình “Sưởi ấm vùng cao”, cắt tóc miễn phí trong các trung tâm bảo trợ xã hội, làng SOS, trao quà từ thiện cho các hoàn cảnh khó khăn.

Với hành trang chỉ là 1 triệu đồng ít ỏi trong túi, anh Thắng dự tính dùng mua thức ăn, nước uống dọc đường. Nhưng không may, trong một lần nằm nghỉ ở công viên Vũng Tàu, anh bị kẻ gian trộm mất số tiền tích lũy. “Lần ấy, mình đạp một mạch mấy chục cây số đến Vũng Tàu thì mệt quá. Thấy ghế đá trong công viên trống nên mình dừng xe nằm nghỉ. Lúc tỉnh giấc, phát hiện đồ đạc trên xe bị lục lọi, kiểm tra mới biết số tiền hơn 1 triệu mang theo không còn nữa”, anh Thắng nhớ lại.

Bị trộm hết tiền bạc, anh Thắng hoang mang tột độ. Gia đình, bạn bè biết chuyện, ai cũng khuyên anh quay về đợi cơ hội khác. Nhưng anh một mực quả quyết: “Đã đi tới đây rồi mà quay về thì cảm thấy có lỗi với những mảnh đời bất hạnh ngoài kia lắm”.

Mỗi lần đi qua các tỉnh, thành, anh Thắng lại lân la tìm đến các trung tâm dưỡng lão, làng SOS để xin được cắt tóc cho các cụ già, em nhỏ nơi đây.

Cứ nghĩ đến những mảnh đời nghèo khó còn đang đợi mình, anh Thắng như được tiếp thêm động lực để tiếp tục những vòng xe.

Vì tiền mang theo rất ít anh Thắng chỉ mua mì gói để duy trì chuyến đi từ Vũng Tàu đến Nha Trang (Khánh Hòa).

Tuy khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng chưa lần nào anh Thắng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Anh Thắng chia sẻ: “Trước đây mình ham chơi, nghịch ngợm, phá phách khiến bố mẹ buồn phiền. Giờ mình ý thức được những gì mình làm trước đây là không đúng nên mình muốn làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, quê hương… Còn nhớ lần đạp xe ngang qua Quảng Ngãi – nơi “chôn nhau cắt rốn”, mình bỗng thấy những kỉ niệm ngày xưa ùa về. Mình cảm thấy có lỗi với gia đình, họ hàng, làng xóm. Mình không biết phải làm sao để “trả nợ” quê hương nên chỉ biết tự hứa với bản thân phải làm thật nhiều điều có ích cho cộng đồng, để mong báo đáp lại cho gia đình, quê hương”.

Hành động của anh Thắng có thể được cho là hơi ‘khùng khùng’ so với suy nghĩ một số người trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên có lẽ với anh Thắng được hạnh phúc đối với việc mình làm như thế là đủ. Rốt cuộc mục đích của cuộc đời chính là sống nó, trải nghiệm đến tận cùng, háo hức vươn ra và không bao giờ sợ hãi đón nhận những trải nghiệm mới mẻ và phong phú hơn!

Theo trithuctre


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: