Chạm vào Sài Gòn


Trần Nam Luân – cộng tác viên của Lao Động, một doanh nhân sống ở Hà Nội gửi đến tòa soạn những dòng viết thú vị sau một thời gian ngắn anh sống và làm việc ở TPHCM. Những câu chuyện thực tế cùng cảm nhận dí dỏm, nhẹ nhàng như chỉ mới “chạm khẽ” vào Sài Gòn, song vẫn “nóng” chuyện thời sự của thành phố này.

Chạm nhẹ vào Sài Gòn một thuở xa xưa

Những góc nhìn thú vị tại triển lãm ảnh Chạm

Một góc phố đi bộ Bùi Viện. Ảnh: Trần Nam Luân

Đến Sài Gòn để… đi bộ

Không phải Sài Gòn thiếu xe. Thừa là đằng khác. Kẹt xe liên miên là đằng khác. Chúng tôi chọn đi bộ để có thể lang thang đến mọi xó xỉnh, mọi ngõ ngách, để cảm nhận thật sâu thành phố rộng lớn này. Đồng hành với nhóm trung niên Hà Nội chúng tôi rong ruổi trên vỉa hè Sài Gòn không phải là người gốc Sài Gòn mà là một cô gái Bạc Liêu. Mấy cô Sài Thành chúng tôi biết đều không quen đi bộ, vài trăm mét đã nhảy lên xe gắn máy. Cô tên là Dung, rời miền Tây lên trọ học ở đây từ 5 năm trước, giờ đã đi làm cho một công ty truyền thông và vẫn đang phải thuê trọ trong cái thành phố rộng lớn và đông đúc này.

Tôi không nhớ chính xác có ai đó đã nói, đường mà không có vỉa hè giống như một khuôn mặt không có… trán. Trán càng cao rộng, khuôn mặt trông càng sáng sủa. Phải thừa nhận là bộ mặt phố xá ở quận 1 – nơi chưa lâu trước đây có “chiến dịch” đòi lại vỉa hè cho người đi bộ mà đứng đầu là ông Phó Chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải – đã “sáng sủa” hơn nhiều, dù đây đó trên vài tuyến phố vẫn “như chưa hề có cuộc ra quân”.

Nhiều con đường đẹp như mơ, vỉa hè thênh thang và sạch sẽ, tản bộ hay rảo bước vội bạn đều có cảm giác thảnh thơi. Có đoạn đi trên vỉa hè mà như đi trong một resort tràn hoa lá.

Nhưng cũng giữa quận 1, nhiều đoạn vỉa hè đã không còn lối đi cho người đi bộ nữa. Trên đường Lê Quý Đôn, một số nhà hàng xếp ghế sát mặt đường, chiếm gần như trọn vỉa hè. Dưới lòng đường, một ban nhạc đường phố mải miết kéo violon phục vụ khách nhậu. Vỉa hè phố Phó Đức Chính, cả nghìn chiếc mũ bảo hiểm bày la liệt chiếm trọn vỉa hè. Phố Lê Lai vỉa hè bé xíu, dựng ngổn ngang xe gắn máy, người đi bộ buộc phải bước xuống lòng đường. Rồi Trương Định, Bùi Thị Xuân, Đỗ Quang Đẩu, Lương Hữu Khánh… bắt đầu lại lấn chiếm, lại nhếch nhác. Sang quận 3, quận 5 quán xá ăn nhậu trên vỉa hè là phổ biến. Đi trên vỉa hè đường Nguyễn Tri Phương (đoạn đối diện một bệnh viện cùng tên), phải len lỏi vào giữa hai hàng bàn nhậu, đồ ăn dơ, nước đá bẩn tràn lênh láng, nhớp nhúa…

Đó là chuyện xung quanh cái vỉa hè. Bây giờ hãy đến thẳng những khu vực dành riêng cho người đi bộ, đó là đường Nguyễn Huệ (chủ yếu cho “ta”) và Bùi Viện (cho “tây”). Nguyễn Huệ chính là phố đi bộ đầu tiên ở Việt Nam, khánh thành từ năm 2015, dài gần 700m, rộng gần 70m bắt đầu từ công viên Bạch Đằng đến trụ sở UBND thành phố – một con đường và quảng trường đẹp bậc nhất Sài Thành.

Cũng như Hồ Gươm ở Hà Nội, đến phố đi bộ Nguyễn Huệ dường như chỉ để… đi bộ, nghĩa là chủ yếu vẫn là tản bộ, dạo mát ngắm cảnh là chính chứ chưa có nhiều điểm vui chơi, thư giãn. Với những người trẻ thì cũng chỉ có một số trải nghiệm như chụp ảnh, “check in sang chảnh” ở Saigon Garden – một khu vườn và shop thời trang, hay thăm thú tòa chung cư cũ được làm mới khá lạ lẫm và “nổi bần bật” ở số 42. Bạn nào ưa khám phá có khi mất đến cả ngày mới có thể ghé được hết từng gian hàng ở đây. Vào buổi tối hoặc cuối tuần thường có những nhóm nhảy hoặc trình diễn nghệ thuật đường phố rềnh rang, vui nhộn… Còn với những trung niên, cách tốt nhất là tìm một quán cafe ở trên cao, ngồi đó tĩnh lặng mà ngắm con phố Nguyễn Huệ sôi động dưới đó…

Tình trạng hàng rong mồi chài, chèo kéo du khách nước ngoài vẫn khiến chính người Việt chúng ta phải xấu hổ, mới nhất là vụ một thanh niên choàng gánh dừa lên vai du khách nước ngoài rồi “chặt chém”, nửa bán nửa cướp diễn ra ngay ở quận 1 đầu tháng 10.2018. Hàng rong cũng tràn vào các phố đi bộ, đến nỗi ông Đoàn Ngọc Hải lập tức yêu cầu phường Bến Nghé “xử lý dứt điểm” ngay trong tháng 10. Ông đồng thời giao “Đội bắt chó” xử lý luôn tình trạng chó thả rông. Chó vào phố đi bộ không rọ mõm, không có người dắt; người dắt chó không trang bị găng tay, bao nilon để dọn vệ sinh khi chó phóng uế thì nhất quyết không được vào…

Việc “quản lý” chó thì đúng rồi, nhưng việc cấm hàng rong lại có người không tán thành. Sài Gòn “cải tạo” Nguyễn Huệ thành phố đi bộ nhưng lại không có những thứ phục vụ cho chức năng sinh hoạt đi bộ nên hàng rong tự phát là đương nhiên. Hàng rong ở góc độ nào đó là nhu cầu, là bản sắc, chứ nhà hàng, khách sạn 5 sao thì ở quốc gia nào chả như nhau! Ví như cái xe mì gõ, hủ tíu gõ nghi ngút khói cực kỳ thân thương, nhìn thấy, ngửi thấy là cảm nhận ra Sài Gòn rồi. Tôi đã từng đến phố đi bộ Khaosan hay Pattaya (Thái Lan), có mô hình khá giống phố đi bộ ở ta. Cũng bar, pub, cũng hàng rong, quà vặt nhưng được tổ chức có hàng có lối và không hề chèo kéo, ép uổng du khách. Đặc biệt là luôn niêm yết giá rõ ràng. Ấy là họ quản lý tốt.

Được biết, cuối tháng 9.2018 vừa rồi, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã trình Thành phố một kế hoạch lớn, đó là xây dựng đường Lê Lợi liên kết phố đi bộ Nguyễn Huệ, chuyển thành phố thương mại, kết hợp vòng xoay trước chợ Bến Thành làm quảng trường đi bộ. Phố đi bộ sẽ mở rộng thêm sang phía sau Nhà hát TP, hình thành trục đi bộ phủ xanh từ ga Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và công viên 23 Tháng 9. Bấy giờ, Sài Gòn sẽ có cả một không gian đi bộ bằng vài cái sân vận động, chắc chắn không thành phố nào trong nước bì kịp.

Tòa chung cư cũ được làm mới khá lạ lẫm và “nổi bần bật” ở số 42, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Trần Nam Luân

“Bùi Viện có thể không dễ chịu lắm”

Còn “phố tây”, nếu Hà Nội có Tạ Hiện thì Sài Gòn có Bùi Viện. Tạ Hiện gần gũi còn Bùi Viện sang chảnh và có nhiều em gái xinh đẹp hơn. Chân dài tha thướt, áo váy lả lơi và thơm phức – hàng chục cô gái không biết đang chờ ai, đứng đầy phố và ngồi đầy các bar. Chỉ một đoạn chừng 500 mét từ Đề Thám đến Đỗ Quang Đẩu mà có đến cả trăm quán bar, pub lớn nhỏ, rồi cửa hàng, khách sạn, bia vỉa hè, hàng rong… Đồ ăn ngập tràn đường phố. Mới khoảng 7 giờ tối mà nhạc đã chát chúa. Mỗi bar mở một loại nhạc, trộn vào nhau thành thứ âm thanh rất khó tả, kích động, tạm gọi là âm thanh… buông thả! Trên một số trang du lịch, Bùi Viện được giới thiệu là “một con đường chẳng bao giờ ngủ”, dù nó chỉ được cấm xe từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau vào 2 ngày cuối tuần.

Dung (cô gái “hướng đạo” cho chúng tôi) cho biết, khu “tứ giác” Đề Thám – Phạm Ngũ Lão, Đỗ Quang Đẩu – Bùi Viện từ lâu quen thuộc với người dân Sài Gòn qua tên gọi “khu tây ba lô”. Khoảng đầu những năm 90, khi khu vực Phạm Ngũ Lão được nhắc đến trong tập sách du lịch “Lonely Planet”, nhiều nhóm du khách “bụi” từ Mỹ, Châu Âu, Nhật… đã đưa khu này vào điểm hẹn khi họ đến Sài Gòn. Từ đó đến nay nơi này phát triển rầm rộ. Về chính thức, Bùi Viện mới trở thành phố đi bộ từ tháng 8 năm ngoái.

Chúng tôi không vào bar mà chọn một quán bia vỉa hè quay mặt ra đường, nhâm nhi “Saigon lùn”, ngắm phố, ngắm hàng rong và mấy em gái ban nãy vẫn như đang chờ ai. Cái “sướng” khi đến Bùi Viện là được hưởng một số thứ miễn phí như nhà vệ sinh, wifi và… nụ cười (về văn hóa phục vụ của người Sài Gòn tôi sẽ nói đến ở phần sau). Dung cho hay, ngoài các hoạt động giải trí hay uống bia, nhiều người Sài Gòn đến đây để thưởng thức ẩm thực vì có khá nhiều món ngon. Một trong những quán nướng lâu đời là Làng nướng nhỏ Bà Sáu hay còn được gọi với cái tên BBQ Sai Gon night. Những xiên que nướng thơm rựng được bày thành những khay lớn bắt mắt, mỗi que chỉ 10.000 đồng. Hay quán Cô Lệ, có tôm càng xanh nướng…

Nhưng rồi, Dung lo ngại bảo: Ở đây đánh nhau và cướp giật vẫn diễn ra “như cơm bữa”. Hôm 18.3 mới đây, có vụ nhân viên nhà hàng hành hung khách tây nặng lắm, mà đến 2 lần trong một đêm. Điều này báo chí đã đưa và chính quyền cũng đã thừa nhận. Cô buồn rầu cho biết, vừa rồi trang mạng TripAdvisor (một trang nổi tiếng về du lịch) đã đưa nhận xét của một du khách nước ngoài: “Bui Vien can be hard work! Motorbikes thieves grabbing phones and bags, difficult vendors, beggars…” (tạm dịch “Bùi Viện có thể không dễ chịu lắm. Cướp giật túi xách, điện thoại, ăn xin, bán hàng rong khó chịu…”). Thật đáng buồn!

Sau vụ đánh khách 2 lần trong một đêm, phát biểu trên báo chí, ông Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão bày tỏ sự đáng tiếc khi xảy ra vụ việc và khẳng định UBND phường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuần tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ quán… Tôi lại nghĩ không thể cứ “tuyên truyền, nhắc nhở”, rồi “đẩy mạnh, tăng cường” là được. Trở lại phố đi bộ Khaosan hay Pattaya (Thái Lan) đã nhắc ở trên, tôi thấy đầu phố một chốt, cuối phố một chốt cảnh sát. Cảnh sát ở khắp nơi, đeo lủng lẳng súng ống và dùi cui (để thị uy là chính). Chưa kể những cảnh sát to cao dữ dội đi xe đạp lượn đi lượn lại cả đêm trên phố. Ở ta thì hầu như vắng bóng cảnh sát. Tôi nghĩ ta cũng nên “cứng rắn” như họ.

Phố đi bộ hay phố đi nhậu?

Chúng tôi đã thâm nhập vào 2 phố đi bộ lớn nhất Sài Gòn. Cái hay cái dở đã nói đến. Điều băn khoăn là: Đó vẫn chưa phải là phố đi bộ đúng nghĩa. Đâu phải cứ ngăn đường cấm xe là thành phố đi bộ. Và nó cũng không phải là phố chợ, phố ẩm thực, phố mua sắm… Hồi Hà Nội mở phố đi bộ dọc Hàng Ngang, Hàng Đào ra chợ Đồng Xuân, có người hỏi “phố đi bộ hay phố đi chợ?”. Là bởi chỉ thấy cửa hàng mua sắm là chính chứ không có không gian nào khác, nhất là những không gian văn hóa. Hay như Bùi Viện, khác hoàn toàn với định hướng ban đầu (phố đi bộ sẽ được mở rộng là một “công viên đường phố”), nhưng hiện nay bạn tuyệt đối không nhìn thấy hình ảnh những gia đình, hay trẻ em lui tới vui chơi, bởi có tới 80% cửa hàng tại Bùi Viện là quán nhậu. Phố đi bộ hay phố đi nhậu?

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi từng nhắc đến khái niệm “văn hóa và tốc độ”. Theo ông, trong thời đại đô thị người ta luôn phải hướng tới yếu tố tốc độ. Trên TV, người dẫn truyền hình nói nhanh, quảng cáo diễn nhanh. Ở trường học sinh viên nghĩ nhanh, cán bộ làm nhanh. Xã hội hiện đại tiết kiệm thời gian. Giao thông nhanh là tất yếu. Nhưng có lẽ cũng vì thế, con người hiện đại lại mong sao cho cuộc sống chậm hơn một chút như ngày xưa, rời xa màn hình và những chiếc điện thoại thông minh, để được nhâm nhi tách cà phê, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, thưởng thức giá trị của gia đình, của cộng đồng, để được ngắm nhìn và thưởng thức cái không gian mà sự vất vả vội vã hàng ngày không cho mình có cơ hội được cảm nhận và sung sướng. Chính vì vậy, giao thông chậm (đi bộ và đi xe đạp) được sinh ra, như một nhu cầu của đời sống tinh thần trong đô thị hiện đại.

Người ta đến với phố đi bộ không chỉ để đi bộ, mà để thưởng thức các “đặc sản” văn hóa nổi trội. Phố đi bộ cần môi trường giao tiếp để người dân, khách du lịch khác màu da, quốc tịch đều có thể giao lưu, gặp gỡ và tìm thấy bản sắc của địa phương, sản vật địa phương. Ở một chiều sâu hơn, không gian đi bộ đánh thức những yếu tố văn hóa từng có ở một thành phố có giá trị lịch sử, để nuôi dưỡng, truyền tải cho thế hệ sau.

Theo laodongtre


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: