Cover ca khúc cũ khiến nhạc Việt đi lùi?


Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Smelod và Trịnh Thăng Bình đều cho rằng các ca khúc remake/cover đều có sức sống cũng như giá trị riêng.

Thị trường âm nhạc đang bị đánh giá là thiếu vắng các ca khúc mới chất lượng. Trong lúc này, nhiều sản phẩm remake hoặc cover lại chiếm ưu thế trên thị trường. Cả người làm nhạc lẫn người nghe nhạc đều đang thong thả hoài niệm với những bài hát đình đám một thời.

Xu hướng cover/remake ở thị trường nhạc Việt

Vài tháng trở lại đây, các ca khúc cũ được phát hành có xu hướng tăng mạnh, áp đảo về mặt số lượng trên các nền tảng âm nhạc. Các bài hát được làm mới khá đa dạng, từ những bài nhạc ngoại đặt lời đến các ca khúc thuần Việt. Từ những bài ra mắt cách đây vài năm, cho đến những bài có tuổi đời tính bằng thập kỷ.

Các hình thức làm mới cũng phong phú. Có khi là những bản cover, như Nếu lúc trước em đừng tới (Khải Đăng), Những lời dối gian (Vicky Nhung), Khoảnh khắc (Dương Edward), Ngày chưa giông bão (Tùng Dương), Khi giấc mơ về (Uyên Linh)… Hoặc có những series remake cũng được đầu tư như Reply 1990 (Trịnh Thăng Bình), Quang Vinh Retreat…

trao luu cover nhac viet anh 1
Tùng Dương gây chú ý với bản cover ca khúc Ngày chưa giông bão. Ảnh: Tùng Dương.

Những hình thức làm lại các bài hát cũ, thường được gọi chung trong hai khái niệm: Remake hoặc cover.

Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa giải thích: “Cover thường được dùng để chỉ một phiên bản mới của bài hát và được thể hiện lại bởi một người khác, mang màu sắc khác so với bản gốc. Thường phiên bản cover sẽ đơn giản hơn bản gốc, như chúng ta thấy ở các bản cover acoustic. Còn nếu ca sĩ chính hát lại bài của mình sau nhiều năm thì gọi là remake. Hoặc cũng có thể là những phiên bản làm mới lại đầy mạnh mẽ, khác biệt bài hát lâu năm, có độ phổ biến cao. Đôi khi có thể coi một bản remake là cover, nhưng không có trường hợp ngược lại”.

Cũng dễ hiểu khi phần lớn các ca khúc được phát hành thời gian gần đây đều là “bổn cũ soạn lại”. Không phải lúc nào dòng chảy âm nhạc cũng thuận lợi cho các sáng tác mới, nhất là trong những ngày tháng lĩnh vực văn hoá nghệ thuật đình trệ như hiện nay.

Lúc này, nhạc remake/cover chiếm lợi điểm bởi chi phí thấp, điều kiện thực hiện dễ dàng. Nhiều ca sĩ lựa chọn phát hành sản phẩm dạng trên để hâm nóng hoặc giữ nhiệt tên tuổi. Hiện tại, hai hình thức được lựa chọn nhiều nhất là acoutis cover và lofi cover.

Cover/remake là lười biếng?

Nhạc sĩ, producer Smelod, người thực hiện nhiều dự án cover và remake cho các ca sĩ, nói: “Cảm xúc của nghệ sĩ không phải lúc nào cũng đủ mới mẻ, dồi dào để làm được những sản phẩm mới. Chưa kể, họ cũng có những bài hát yêu thích riêng và muốn thể hiện khi có thời gian. Do đó, nhiều bài cover chỉ để thỏa mãn sở thích, không hẳn là chiến lược gì to lớn gì”.

Tiêu chí để lựa chọn những ca khúc cũ làm mới lại thường phải là bài từng được yêu thích rộng rãi, đã có chỗ đứng trong lòng công chúng. Việc này sẽ giúp phiên bản mới dễ thu hút nhóm người hâm mộ cũ của tác phẩm, tạo hiệu ứng số đông.

Thường khi biên tập, ca sĩ sẽ lựa trong số những bài hát nổi tiếng, ca khúc nào mà bản thân họ yêu thích, hoặc có ý tưởng mới trong việc làm lại. Ngoài ra, đó nên là những ca khúc chưa được cover nhiều, vậy sẽ tránh được nhàm chán và trùng lặp.

Từng có ý kiến cho rằng nếu sa đà vào việc làm lại các bài hát cũ sẽ khiến âm nhạc bị tẻ nhạt, nhàm chán. Thậm chí một vài nhận định gay gắt nói đó là bước lùi của âm nhạc.

trao luu cover nhac viet anh 4
Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa cho biết đôi khi các bản remake được xem là cover, nhưng không có trường hợp ngược lại. Ảnh: Châu Đăng Khoa.

Nhưng nhiều người trong nghề lại có quan điểm rằng bất cứ một sáng tạo mới nào cũng là bước tiến, dù sáng tạo đó dựa trên những tài nguyên sẵn có. Các bản cover nếu mang lại sức sống mới, cảm giác mới cho người nghe, vẫn có giá trị về mặt âm nhạc.

Nhạc sĩ Smelod chia sẻ thêm: “Các ca khúc cover thường là bài rất hay của các bậc tiền bối. Đó đều là bài hát có thẩm mỹ âm nhạc cao. Khi làm lại những bài này, thị trường sẽ có thêm sản phẩm âm nhạc đẹp và văn minh để người nghe được tiếp xúc. Còn hơn những bài hát mới nhưng không chất lượng, không có giá trị nghệ thuật”.

“Để một bản cover hiệu quả, phải tạo được sự cuốn hút cả về giọng hát lẫn bản phối và cả cách dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Phiên bản cover vẫn là một sản phẩm yêu cầu người ca sĩ và nhà sản xuất đầu tư chất xám, không phải là phần việc làm hời hợt cho qua là được”, Smelod nói thêm.

Nói về vấn đề thị trường âm nhạc sẽ đi lùi nếu ca sĩ “nghiện” cover, nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Thăng Bình nêu quan điểm: “Nếu mình chỉ cover vì mình thích, để mọi người nghe cho vui thì không ảnh hưởng gì, không có gì phải lên án. Còn nếu chúng ta cover với tư tưởng rằng đây là sản phẩm chính thống để mang tên tuổi của mình đến với khán giả, như một ca khúc của cá nhân, thì không nên. Tôi tin các đồng nghiệp xung quanh mình không ai xem việc cover là mục tiêu sự nghiệp, nên mọi người cũng đừng quá lo”.

Thực tế âm nhạc là cảm xúc. Vậy nên ca khúc cũ hay mới không quan trọng bằng việc ca khúc đó tạo ra cảm xúc như thế nào cho người nghe. Khi những bản cover/remake mang lại được sự hoài niệm, thích thú, hay gây ngạc nhiên cho khán giả, thì bản cover/remake ấy đã đủ giá trị để tồn tại.

trao luu cover nhac viet anh 5
Trịnh Thăng Bình khẳng định không nghệ sĩ, ca sĩ nào chọn cover/remake làm hướng đi chính trong sự nghiệp. Ảnh: Phương Lâm.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: