Hài kịch có cứu được sân khấu miền Nam?


Để níu chân khán giả, các sân khấu ở miền Nam tập trung dàn dựng vở kịch có yếu tố hài. Điều này đã thu hút người hâm mộ tới rạp dịp Tết 2017.

Video: Tình yêu của người đàn ông nuôi vợ mù ở Sài Gòn

Nhìn những khoảnh khắc này để thấy Sài Gòn chẳng bao giờ là hết dễ thương

Mùa kịch Tết 2017 trôi qua, đọng lại niềm vui cho người làm sân khấu miền Nam. Vui vì nghệ sĩ cảm nhận được tình yêu của khán giả dành cho sân khấu dù không còn cháy bỏng như trước. Rõ ràng, bên cạnh những bộ phim bom tấn, chương trình truyền hình hoành tráng thì sân khấu kịch vẫn là lựa chọn được ưu tiên của nhiều người vào dịp Tết cổ truyền.

Hài kịch là món khoái khẩu của người Sài Gòn

Nếu những suất diễn trong năm, sân khấu ít khi được lấp đầy các hàng ghế thì ngày Tết khán giả ngồi kín rạp, thậm chí phải thêm ghế phụ. Điều gì đã giúp sân khấu níu chân khán giả mùa kịch Tết 2017?

Hài kịch được chuộng vào dịp Tết 2017. Đây là yếu tố thu hút khán giả. Ảnh: Bá Ngọc.

Hài kịch được chuộng vào dịp Tết 2017. Đây là yếu tố thu hút khán giả. Ảnh: Bá Ngọc.

Nhìn vào kịch mục của các sân khấu dễ dàng nhận ra thể loại hài chiếm ưu thế. Nếu mùa Tết 2016, sân khấu Sài Gòn đa dạng về thể loại kinh dị, hài, tâm lý, nhạc kịch… thì năm nay món khoái khẩu là hài kịch.

Cụ thể, sân khấu Hồng Vân góp vào mùa kịch Tết bốn vở mới, trong đó có 3 vở tâm lý hài như Điều ước của quỷ, Lục sắc, Ma ma sư phụ, một vở kinh dị hài Ám ảnh kinh hoàng.

Sân khấu Thế giới trẻ vốn tập trung nhiều cây hài trẻ tài năng cũng tập trung thế mạnh của mình bằng 4 vở tâm lý hài như Hồn anh, xác em, Chúng ta không thuộc về nhau, Mẹ chồng rắc rối….

Sân khấu có bề dày hoạt động, từng dựng nhiều vở kinh điển như Idecaf cũng tập trung vào thể loại hài với 4 vở tâm lý hài. Riêng sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ trung thành với những vở tâm lý.

Không khí kịch Tết năm nay rộn ràng hơn khi có sự tham gia của hai cây hài đình đám Trường Giang, Trấn Thành. Tại rạp Công nhân, Trấn Thành chủ xị trong hai vở Thần kê đại hiệp và Lộc phát tài. Còn Trường Giang diễn liên tục hai suất mỗi ngày với hai vở Làm người ai làm thế và Giải độc đắc 0 đồng.

‘Vở bi cũng cần có yếu tố hài’

Để phù hợp với các nghệ sĩ hài và thị hiếu khán giả, đạo diễn Đức Thịnh đã dàn dựng lại vở Làm người ai làm thế với nhiều tình tiết và lời thoại hài hước hơn trước. Vì thế các suất diễn tại nhà hát Bến Thành đông khán giả hơn mong đợi của ê-kíp. Quản lý của Trường Giang tiết lộ ê-kíp dự định đưa vở đi diễn ở Đà Nẵng.

Tại rạp Công Nhân, sân khấu Thế giới Trẻ và Idecaf người viết cũng chứng kiến không khí nhộn nhịp của khán giả đi xem kịch. Riêng sân khấu Thế giới trẻ đã bán hết vé trước Tết.

"Ngay cả vở kịch bi như Đời như ý, Cõng mẹ đi chơi ở sân khấu đều có vai hài để khán giả bớt căng thẳng. Thời điểm này, hài kịch được khán giả ưa chuộng" - đạo diễn Ngọc Hùng. Ảnh: BTC.

“Ngay cả vở kịch bi như Đời như ý, Cõng mẹ đi chơi ở sân khấu đều có vai hài để khán giả bớt căng thẳng. Thời điểm này, hài kịch được khán giả ưa chuộng” – đạo diễn Ngọc Hùng. Ảnh: BTC.

Chia sẻ về lý do dàn dựng kịch hài vào mùa Tết, Giám đốc sân khấu Thế giới trẻ – đạo diễn Ngọc Hùng khẳng định khán giả đa số thích hài nên tất cả vở diễn hiện nay đều phải có yếu tố hài. “Ngay cả vở kịch bi như Đời như ý, Cõng mẹ đi chơi ở sân khấu đều có vai hài để khán giả bớt căng thẳng. Thời điểm này, hài kịch được khán giả ưa chuộng” – anh nói.

Hào hứng sau khi xem xong vở Hồn anh, xác em tại Thế giới Trẻ, anh Quang Toàn (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Công việc hàng ngày vốn đã rất căng thẳng nên tôi thích đi xem kịch hài vì được cười, thư giãn. Tất nhiên tiếng cười của các vở diễn trên sân khấu đều có chừng mực, phù hợp với nội dung, không phản cảm”.

Sân khấu miền Nam là nơi duy nhất cả nước còn hoạt động và sáng đèn mỗi dịp cuối tuần. Mấy năm qua, do sự ảnh hưởng của các game show, sân khấu vắng dần khán giả. Người làm sân khấu thấp thỏm lo lắng, tìm mọi cách cứu vãn, níu chân người hâm mộ.

"Nghệ sĩ khao khát được thể hiện kịch tâm lý, văn học nhưng không có khán giả. Dù chiều lòng khán giả chúng tôi cũng phải gồng gánh giữ sân khấu" - NSND Hồng Vân.

“Nghệ sĩ khao khát được thể hiện kịch tâm lý, văn học nhưng không có khán giả. Dù chiều lòng khán giả chúng tôi cũng phải gồng gánh giữ sân khấu” – NSND Hồng Vân.

NSND Hồng Vân không giấu được cảm giác hoang mang khi nhắc đến bước đi tiếp theo của sân khấu kịch. “Những vở kịch tâm lý chính thống, văn học, chúng tôi khao khát được diễn, thể hiện thì không có khán giả. Vì thế chúng tôi phải chiều lòng khán giả bằng kịch kinh dị, hài. Dù hài hay kinh dị thì chúng tôi vẫn đang phải gồng gánh để giữ sân khấu. Chừng nào không chịu được nữa thì đành buông” – chị nói.

Trong khi chờ đợi giải pháp mang tính cách mạng, triệt để nhằm giúp sân khấu phát triển thì các ông bầu và bà bầu trước mắt vẫn phải làm theo thị hiếu khán giả. Và hài kịch có lẽ vẫn là giải pháp tối ưu được các sân khấu miền Nam áp dụng trong năm 2017 để giữ chân khán giả.

Theo Bích Hằng (Zing)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: