“Sài Gòn vẫn hát”: Những trăn trở rất đời với nhạc xưa


Cuốn sách “Sài Gòn vẫn hát” kể câu chuyện riêng về những con người đi trên con đường gập ghềnh với niềm hạnh phúc tự thân, không hào nhoáng hay ảo tưởng.

Những thư viện “mọt sách” không thể bỏ qua ở Sài Gòn

Hội Sách TP.HCM: Tôn vinh giá trị văn hóa đọc của người Việt

Sài Gòn vẫn hát là cuốn sách mới phát hành của hai tác giả Mạc Thụy và UBee Hoàng – những người được biết đến nhiều hơn trên mạng gắn liền với Người Sài Gòn, một quán cafe có “chất” giữa lòng phố thị. Đam mê đối với “nhạc vàng”, hai người trẻ đã kể một câu chuyện về những gương mặt hát bolero đang tồn tại giữa TP HCM hiện nay. Những gương mặt, có người nổi tiếng, có người không, nhưng đều là những nét phác họa nên một bức tranh chung.

 

Bìa cuốn sách Sài Gòn vẫn hát.

Bìa cuốn sách Sài Gòn vẫn hát.

Tôi đã từng mê đắm một nàng Bạch Yến, một giọng hát “cuồng phong” từng làm mê đắm biết bao thính giả hoàn cầu…” – Mạc Thụy đã mở đầu những trang viết của mình với giọng tự sự – giọng viết sẽ xuyên suốt cuốn sách, rủ rỉ kể những câu chuyện đương thời.

Gần một phần ba cuốn sách, Mạc Thụy kể về những giọng ca đã từng làm “khuynh đảo” cả giới mộ điệu Sài thành thời trước: Bạch Yến, Phương Dung, Giao Linh – những người mà chỉ nghe tên, ta đã chợt cảm thấy ký ức ùa về. Họ có người đã vượt sóng biển từ những ngày biến động của đất nước, kẻ là lứa sau vẫn bám trụ lấy nghiệp của mình, nhưng đều thành danh bởi chính tài năng và sự đam mê của mình.

Lấy những giai điệu rung động lòng người đó làm lẽ sống, cuối cùng họ lại về lại với mảnh đất quê hương, tiếp tục đem những khúc hát thành danh đến cho một lứa khán giả trẻ tuổi. Cuộc đời họ, dẫu lắm truân chuyên, nhưng có lẽ vẫn hào hoa lắm, vẫn long lanh những khúc nhạc những đêm diễn người người ái mộ.

Không chỉ gói gọn trong những gương mặt nổi tiếng, Mạc Thụy đã đi sâu hơn vào sự sống của dòng nhạc này, giữa lòng thành phố đương đại: đó là cô ca sĩ “tiếng ca lệ nhòa” với người chồng cầm thủ và “túp lều tranh” giữa thành phố. Đó là gã ca sĩ có nụ cười Don Juan tướng giang hồ hát nơi vũ trường sôi động. Là người kép già sành sỏi tóc vuốt keo bóng mượt điệu đà trong điệu Rhumba Sài thành. Họ, không nổi danh, nhưng đều kính cẩn những giá trị cũ, những cái đẹp của thời gian, như một lẽ sống, như một niềm hạnh phúc của riêng mình.

Có người trăn trở với âm nhạc hiện đại “lo cho tụi trẻ quá”, người lại cố gắng sống tốt phần mình, mỗi người một vẻ, nhưng dưới ngòi bút Mạc Thụy tất cả đều hiện lên chân thực, và đẹp. Cái đẹp của người có đam mê, có lẽ sống, dù trong mờ mờ khói thuốc đèn màu vẫn tỏa sáng rạng ngời trong mắt người mộ điệu.

Cuốn sách về nhạc xưa của những người mê đắm trong thể loại âm nhạc này.

Cuốn sách về nhạc xưa của những người mê đắm trong thể loại âm nhạc này.

Phần cuối của cuốn sách, ta mới gặp Ubee Hoàng – cùng với Mạc Thụy, hoàn thiện bức tranh về một thành phố với điệu Bolero quyến rũ. Không còn là những nét chi tiết về chân dung con người, những gì họ đem đến cho độc giả là những mảng miếng còn thiếu của bối cảnh thành phố đang sống: đối lập với một xã hội phát triển nhanh chóng, đâu đó vẫn có những niềm vui, nỗi buồn, con người sống thật chậm, thật bình lặng.

Cuốn sách Sài Gòn vẫn hát không tập trung mô tả về lịch sử dòng nhạc “vàng”, hay nhạc “sến” cùng những mốc son của nó, mà đang kể về một thành phố đương đại và những góc nẻo của nó, những mảng miếng văn hóa thiểu số vẫn đang được giữ gìn, chầm chậm, nhưng mạnh mẽ.

Nếu gạt đi những chi tiết về âm nhạc mà một người không có kiến thức khó tiếp cận, thì bản thân cuốn sách vẫn hoàn hảo theo cách của nó: Ta biết cách tôn trọng những điều nhỏ nhoi mà tử tế bên ngoài dòng chảy mãnh liệt của sự phát triển, hiểu hơn giá trị của những thầm lặng hàng ngày.

Khi kết thúc cuốn sách nhỏ này, căn gác nhỏ của Người Sài Gòn vừa bị thu hồi trong một đợt đầu tư mới. Thế nhưng, khi cuốn sách đến với độc giả, Người Sài Gòn đã tìm được nơi cư ngụ mới, để hàng đêm vẫn vang lên tiếng đàn và những tình khúc bolero, da diết như chính tình yêu của những người tạo nên nó.

Theo news.zing.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: