Thú chơi độc đáo: Bác sĩ sưu tầm 2.000 cây bút


Là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, những tưởng bác sĩ Nguyễn Văn Xáng phải ‘mê’ sưu tầm những dụng cụ liên quan đến nghề của mình, nhưng nhà ông lại chất đầy những bút là bút.

Chơi tem, thú vui tao nhã

Honda Winner độ đồ chơi hàng “khủng” tại Sài Gòn

Thú chơi xe cổ Mobylette của dân Sài Thành

Bác sĩ Xáng bên bộ sưu tập bút của mình

Bác sĩ Xáng bên bộ sưu tập bút của mình

Nhớ thời bút lá tre

Chúng tôi đã “choáng” khi thấy “gia sản bút” ông Xáng trưng bày tại ngôi nhà trên đường Quang Trung (TP.Nha Trang), nhưng ông “khoe” thêm: “Từng này ăn thua gì. Tôi còn một tủ lớn nữa, để ở khu Mỹ Gia, cách đây mấy cây số”. Ông Xáng tiết lộ ông đang sở hữu đến 2.000 cây bút các loại.

Nhìn vào chiếc tủ của bác sĩ Xáng đặt giữa phòng khách, chúng tôi thắc mắc: “Sao lại có cả hoa quả, tượng, bật lửa, đèn nằm lẫn với bút thế kia?”. Ông Xáng cười đáp: “Là bút cả đấy. Tôi còn có cả cây bút to bằng bắp tay và loại nhỏ xíu như cây kim. Đủ các kích cỡ, đủ loại chất liệu, cũng đủ cỡ tiền nữa”. Rồi ông mở tủ, nhặt ra một cây bút lá tre và nói: “Đủ loại vậy đấy, nhưng có một loại bút mỗi lần ngắm nghía, tôi như nhìn thấy tuổi thơ của mình”.

Ông Xáng kể: “Tôi sinh ra ở vùng quê thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hồi đó, việc học rất khó khăn. Nhà nghèo mà trường lại xa. Một ông cụ trong làng thấy hoàn cảnh thương tâm nên kêu chúng tôi đến dạy chữ. Ông cụ kê mấy tấm ván dưới gốc cây mít ở sau nhà cho hai anh em tôi ngồi học. Món quà đầu đời của anh em tôi là cây bút lá tre cùng lọ mực mà thầy giáo làng tặng trong buổi học đầu tiên. Hằng ngày, hai anh em lại cầm bút vở, đeo tòng teng lọ mực đến với “lớp học gốc mít”, đánh vật với từng con chữ. Cây bút lá tre trở thành người bạn đầu đời dẫn dắt tôi vào kho tàng tri thức”.

Sau này, mỗi khi tiếp xúc với các loại bút hiện đại, ông Xáng lại nhớ đến ngòi bút lá tre. Năm 1995, khi qua Đức tu nghiệp, một giáo sư người Đức đã tặng ông Xáng món quà khiến ông quá bất ngờ. “Tôi mở hộp quà ra: một cây bút và một chiếc đèn. Tôi làm chuyên khoa tai – mũi – họng nên chiếc đèn có ý nghĩa lắm. Nhưng sao lúc đó tôi thấy cây bút còn nhiều ý nghĩa hơn. Tôi ngắm nghía cây bút, cầm viết thử, sao mượt và “đã” thế, rồi lại thấy chạnh lòng khi nghĩ đến cây bút lá tre. Nhớ lại những cây bút đã giúp mình có được ngày hôm nay, khi về lại Nha Trang, tôi quyết định sưu tầm bút”, ông Xáng lý giải cơ duyên đưa ông đến với chuyện sưu tầm bút là vậy.

Bút hình trái cây

Bút hình trái cây

Mỗi cây bút là một kỷ niệm

Ông Xáng kể cây bút lá tre đầu tiên ông sưu tầm được là tại chính ngôi làng mình sinh ra. Sau khi quyết định sưu tầm bút, ông đã trở về quê, thăm lại nơi mình đã tập viết những nét chữ đầu đời. “Tôi gặp những người trong làng, cùng tâm sự về chuyện xưa, trong đó có chuyện học chữ. Ngồi hàn huyên, một anh trong làng nói còn giữ được một cây bút lá tre. Biết đó là vật tôi đang kiếm tìm, anh ta đã tặng lại tôi làm kỷ niệm. Cây bút ngòi bầu, vỏ đã tróc vài phần, nhuốm màu thời gian, nhưng là một trong những cây bút giá trị nhất của tôi”, ông Xáng nói.

Về cây bút khổng lồ to bằng bắp tay, dài nửa mét, ông Xáng kể: “Năm 2007, một lần qua Hồng Kông, tôi tìm đến các nhà sách, cửa hàng để “săn bút” và đã mua được cây bút độc lạ này. Cây bút được cấu tạo như những cây bút bi bình thường, nhưng nó “vạm vỡ” khác thường. Lúc về nước, tôi vừa ôm cây bút vừa nghêu ngao, vẻ mặt vui sướng lắm”.

Đầu năm 2009, khi ông Barack Obama chính thức trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ, cũng là người da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nắm giữ cương vị quan trọng này, ông Xáng muốn sưu tầm một cây bút có hình Tổng thống Obama. Ông liên hệ với những người bạn ở Mỹ, chia sẻ mong muốn của mình. Lúc này, bút có hình ông Obama chưa kịp “ra lò”, phải mấy tháng sau, một người bạn của ông đã tìm mua, gửi về cho ông một cây bút bi, có hình Tổng thống Obama ngay trên thân bút.

Ông Xáng cho biết những cây bút mà ông sưu tầm không phải mua đại trà từ thị trường đem về, mà phải gắn với mỗi chuyến đi, mỗi kỷ niệm, mỗi sự kiện hoặc phải thể hiện được ý nghĩa cuộc sống. Trong bộ sưu tập của ông, có những cây bút nhìn rất “xương xẩu” ông có được khi tham gia các hội nghị về ngành y và được các đồng nghiệp tặng; những cây bút với bộ cắm bút như những linga-yoni; bút hình tượng Chăm; bút hình muông thú thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên… “Cây bút không đơn thuần để viết mà còn thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ, tâm tư, tình cảm của mỗi người”, ông nói.

Theo thanhnien.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: