Chạm nhẹ vào Sài Gòn một thuở xa xưa


Sài Gòn, những biểu tượng là cuốn sách xoay quanh văn hóa Sài Gòn, làm sống lại hình thức báo chí – giai phẩm vốn rất phổ biến tại Sài Gòn trước 1975 trong một không gian, điều kiện hiện đại, mới mẻ, phù hợp với nhu cầu đọc chậm của độc giả hôm nay.

Nhanh mà chậm, văn hóa Sài Gòn khiến bao người đắm say

Sống chậm lại và cảm nhận về một Sài Gòn hối hả

Đó cũng là cách tiếp chạm nhỏ nhẹ, bặt thiệp và truyền cảm hứng với một vấn đề lớn lao của đô thị mà những người làm sách muốn gửi gắm. Người đọc sẽ thấy tâm hồn của mình bỗng nhiên nhẹ nhàng hơn khi khẽ chạm vào Sài Gòn trong quá khứ xa xưa hay trong hiện tại gần gũi.

Bìa sách Sài Gòn những biểu tượng

Bìa sách Sài Gòn những biểu tượng

Chạm vào Sài Gòn qua những biểu tượng có thể là ý tưởng không mới, thế nhưng cứ một lần nhắc đến Sài Gòn, có lẽ người ta luôn nghĩ đến hình ảnh quen thuộc gắn bó với người Sài Gòn hàng trăm năm nay như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, chùa Vĩnh Nghiêm, tòa nhà Tổng giám mục… Những địa danh này đến nay có cái đã mất đi, có cái vẫn còn lưu giữ và được nhắc mãi.

Toà Thị chính hay Toà Đốc lý tại trung tâm Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Toà Thị chính hay Toà Đốc lý tại trung tâm Sài Gòn đầu thế kỷ 20

“Sài Gòn, những biểu tượng” dù là tiếng nói nghiêm cẩn của khoa học hay là những xúc cảm bay bổng, dù nói về con người hay cửa nhà, di sản hay môi trường… thì đều hàm chứa những tâm tình và nỗ lực tìm tòi hiểu biết.

Lấy cảm hứng từ bài viết trong phần biên khảo của nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng về biểu tượng kiến trúc và điêu khắc trên các công trình mang hình thái Đông Dương, Phanbooks đã đặt tựa cho tập sách là Sài Gòn, những biểu tượng. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề, mà là gợi mở, mời gọi những cuộc tìm tòi, khảo cứu, khai quật, khám phá và ghi nhận về hệ giá trị Sài Gòn hôm qua và hôm nay.

Cổng trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi một thời in bóng những chiếc áo dài tha thướt đi qua

Cổng trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi một thời in bóng những chiếc áo dài tha thướt đi qua

Góp vào ý hướng chủ đạo đó, còn có bài nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp – “Thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn”. Bài viết điểm lại những đóng góp của làn sóng thương nghiệp, sự trỗi vượt của một số thương hiệu đầu tiên trên đất Sài Gòn – Chợ Lớn, bước đầu xác lập vị thế kinh tế cho một đô thị, mà về sau, chúng ta gọi là “đầu tàu kinh tế”, “trung tâm kinh tế” quan trọng của đất nước.

Khánh Ly, Lệ Thu và Thái Thanh - những danh ca một thời của Sài Gòn - quyền quý trong tà áo dài

Khánh Ly, Lệ Thu và Thái Thanh – những danh ca một thời của Sài Gòn – quyền quý trong tà áo dài

Biểu tượng, từ đây không dừng lại ở khía cạnh vật thể, mà triển khai rộng hơn những gì phóng chiếu từ nội hàm lịch sử, văn hóa thị dân; là khởi sinh, tiếp biến cho đến tổng hòa những dấu chỉ nội tại để nhận diện/nhận biết Sài Gòn. Đó là những tiêu điểm văn hóa, nhân văn, bao gồm những chuyển động trong giáo dục, văn chương, nghệ thuật mang tính đặc thù Sài Gòn, theo đó, là sự tỏa sáng của những nhân vật, cả nổi tiếng và vô danh, phát lộ những gì được xem là biểu trưng cho linh hồn của nơi chốn.

Hình ảnh ca sĩ Thanh Thúy trong phần bài viết của nhà thơ Du Tử Lê

Hình ảnh ca sĩ Thanh Thúy trong phần bài viết của nhà thơ Du Tử Lê

Độc giả lần lượt đọc thấy chân dung nhà giáo, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, không gian giáo dục Đại học Văn Khoa thời vàng son qua hồi ức của Huỳnh Như Phương, tìm lại những phòng trà quen của Sài Gòn hoa lệ, thấp thoáng là Phạm Đình Chương, ban Hợp ca Thăng Long và bao khách phong lưu hào hoa của văn nghệ Sài Gòn một thưở.

Ban hợp ca Thăng Long lẫy lừng của Sài Gòn và nhạc sĩ Phạm Duy

Ban hợp ca Thăng Long lẫy lừng của Sài Gòn và nhạc sĩ Phạm Duy

Cảnh quan tinh thần và vật chất trong đời sống con người Sài Gòn ở thì quá khứ cho đến các cảm nhận, thao thức về cuộc chuyển dời hôm nay của các tác giả, là thị dân Sài Gòn nhiều thế hệ: Lưu Vĩ Lân, Phạm Công Luận, Nguyễn Quốc Việt, Phan Triều Hải, Nam Thụ, Bảo Uyên, Trần Lê Sơn Ý… đặt trong cảm thức không gian biểu tượng, phần nào gợi mở hứng thú cho những cuộc kiếm tìm dấu chỉ văn hóa đô thị Sài Gòn trong tương lai.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Xuân Hoàng, thầy giáo dạy Văn ở Trường trung học Trường Sơn, Sài Gòn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nguyễn Xuân Hoàng, thầy giáo dạy Văn ở Trường trung học Trường Sơn, Sài Gòn.

Hiểu và yêu Sài Gòn, trong chiều kích đó, là sự chưng cất giá trị hôm qua nối liền với hôm nay; gửi gắm giấc mơ chung về một đô thị phát triển bền vững, sung túc kinh tế và nhân văn.

Cảnh tấp nập tại phi trường Tân Sơn Nhất hồi thế kỷ trước

Cảnh tấp nập tại phi trường Tân Sơn Nhất hồi thế kỷ trước

Cuốn sách là những chăm chút từ hình thức đến nội dung; mong ước người đọc có một giai phẩm chủ đề văn hóa Sài Gòn đáng để theo dõi và đặt kỳ vọng trong đời sống xuất bản hôm nay.

Một số hình ảnh hiếm về Sài Gòn trong quá khứ:

Tòa Thị chính

Tòa Thị chính

Cà phê vỉa hè Sài Gòn

Cà phê vỉa hè Sài Gòn

Nhà văn Đỗ Phương Khanh đang giới thiệu báo Thiếu Nhi với độc giả nhỏ tuổi

Nhà văn Đỗ Phương Khanh đang giới thiệu báo Thiếu Nhi với độc giả nhỏ tuổi

Một góc phố Sài Gòn xưa

Một góc phố Sài Gòn xưa

Danh ca Khánh Ly hát bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Quán Văn, Đại học Văn khoa Sài Gòn vào năm 1967

Danh ca Khánh Ly hát bên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Quán Văn, Đại học Văn khoa Sài Gòn vào năm 1967

Một nữ tiếp viên hàng không của hãng Air Viet Nam

Một nữ tiếp viên hàng không của hãng Air Viet Nam

Trẻ em đọc báo Thiếu Nhi bên một sạp sách báo ở Sài Gòn

Trẻ em đọc báo Thiếu Nhi bên một sạp sách báo ở Sài Gòn

Một số hình ảnh thân quen của Sài Gòn xưa:

Theo motthegioi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: