Cắt cỏ nuôi con ăn học


Gần mười năm gắn bó với nghề cắt cỏ, tôi cảm nhận cuộc sống thoải mái hơn, đỡ phải đầu bù tóc rối vì lo học phí cho hai đứa nhỏ.

Quê tôi ở tận Trà Vinh, vì gia đình nghèo nên chuyện học hành của tôi cũng dở dang, chỉ học hết lớp 3 thì tôi nghỉ ở nhà phụ giúp ba mẹ. 23 tuổi, tôi lấy vợ rồi sinh liền tù tì hai đứa con cách nhau năm một.

Vợ tôi cũng không nghề ngỗng gì, ở dưới quê chúng tôi chỉ đi cắt lúa mướn, làm phụ hồ; hết mùa lúa, ai thuê gì làm nấy. Khi máy gặt đập tiến sâu vào từng cánh đồng, vào mùa gặt chúng tôi cũng thất nghiệp.

Vợ chồng ngồi ngó nhau rồi nhìn mấy đứa con nheo nhóc mà rầu thúi ruột. Năm 2006, thấy người ta dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm sống, vợ chồng tôi cũng đùm túm nhau đi, trong túi chỉ có hơn một triệu đồng. Chúng tôi chọn xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn để thuê nhà, do ở đây giá nhà trọ rẻ, 300.000đ/tháng.

Tôi xin làm phụ hồ và được chủ trả công 100.000đ/ngày nhưng do công trình xa, chi phí xăng, cơm nước cũng hết sạch nên tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Vợ tôi đi giặt đồ thuê thu nhập chẳng được bao nhiêu, chưa kể bữa có bữa không. Nhiều bữa, hai vợ chồng ăn cơm với nước mắm để dành tiền gửi về quê đóng học phí cho con.

Năm 2008, trong lúc đi làm tình cờ tôi gặp một người quen ở cùng quê, thấy hoàn cảnh tôi chạy ăn từng bữa, anh rủ đi cắt cỏ thuê bán kiếm tiền, công việc tự do mà thu nhập lại ổn định hơn so với nghề phụ hồ. Nghe anh phân tích, tôi thấy có lý nhưng không tự tin vì thấy cỏ mọc khắp nơi, ai mua làm gì, mà có mua thì giá cũng thấp. Anh bạn thuyết phục, rủ đi ít hôm để mục sở thị, tôi gật đầu.

Khác với cắt cỏ nhỏ lẻ, chúng tôi đi thành nhóm bốn – năm người và đi bằng chiếc ghe to, men theo những con rạch đến những vùng cỏ mọc um tùm và chia nhau xuống đồng cắt cỏ.

Ghe chúng tôi đi theo con nước, nước lên thì đi và một ngày làm việc có khi kéo dài đến tờ mờ sáng hôm sau. Cỏ cắt xong được chúng tôi chia thành từng bó nhỏ, mỗi bó nặng chừng một ký, ai cắt giỏi, một ngày có thể được 200-300 bó, thu nhập được 200.000-300.000đ. Vì cỏ được bao tiêu nên có bao nhiêu chủ thu mua hết, cắt ngày nào bán ngày đó, nhận tiền liền tay.

cat-co

Ở Hóc Môn nhiều người sống bằng nghề cắt cỏ

Ban đầu, tôi chưa quen nên mỗi ngày chỉ cắt hơn được 100 bó, thu nhập khoảng 100.000đ, dần dần chân tay nhanh nhẹn, thành thạo hơn, chỉ hai tháng sau, mỗi ngày tôi cắt hơn 200 bó, thu nhập 200.000đ. Nếu siêng năng, tiền thu về mỗi tháng cũng được năm, sáu triệu đồng, gói ghém xong thì còn hai, ba triệu gửi về quê đóng học phí cho con.

Nghề cắt cỏ tuy vất vả vì có lúc phải ngâm mình nhiều giờ trong nước, bị muỗi cắn, đỉa bu, nhưng bù lại thu nhập ổn định hơn cắt lúa mướn; những ngày đuối sức, cảm bệnh chúng tôi có thể nghỉ ngơi.

Chủ không làm khó nên tâm lý chúng tôi thoải mái, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Các vùng cỏ tuy hẹp vì quá trình đô thị hóa, nhưng nếu siêng năng và chịu khó tìm thì không bao giờ cạn kiệt.

Tôi nghĩ, đất Sài Gòn dễ kiếm sống. Hơn nữa, ở huyện Hóc Môn và Củ Chi, nhiều xã nông thôn mới dần hình thành, nghề nuôi bò sữa phát triển mạnh nên rất cần nguồn cỏ tốt. Và cỏ vẫn có giá. Hiện nay, nhiều chủ tổ chức thu gom cỏ, bao ghe để cạnh tranh giá cả, bỏ mối sỉ và lẻ cho các trại nuôi bò, mỗi bó cỏ cũng được thu mua từ 850-1.000đ tùy loại.

Gần mười năm gắn bó với nghề cắt cỏ, tôi cảm nhận cuộc sống thoải mái hơn, đỡ phải đầu bù tóc rối vì lo học phí cho hai đứa nhỏ. Vấn đề là sức khỏe, chỉ cần giữ gìn sức khỏe tốt, dẻo dai để bám nghề.

Thấy nghề này ổn định, mấy lần về quê thăm con, chúng tôi kể lại và rủ thêm hàng xóm lên đây làm. Ban đầu họ cũng bỡ ngỡ, lo lắng và bây giờ đã gắn bó được hai, ba năm vì giống tôi, họ có thể tích cóp chút tiền gửi về quê cho con ăn học.

Vợ tôi thấy thu nhập ổn định nên cũng nghỉ giặt đồ thuê để đi cắt cỏ. Phụ nữ sức lực có hạn nên mỗi ngày chỉ cắt được 100 bó, khoản thu nhập của vợ, chúng tôi bỏ ống heo để hết năm nay về quê mua một con bò làm vốn nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Cả hai đứa đều học cấp II, học lực khá nên hy vọng tương lai chúng sẽ sáng sủa hơn bố mẹ.

Nguồn: Thu Hồng

(Ghi theo lời kể của anh Nguyễn Văn Út – ngụ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: