Nếu như những khu hớt tóc ở các quận Tân Bình, Gò Vấp toàn thợ miền Trung với những cửa tiệm bình dân mang tên “Trung – Nam” của dân gốc Bình Ðịnh, thì những người đánh giày trên hè phố Sài Gòn, nhất là khu quận 1 đa số là dân Thanh Hóa. Một em trai đánh giày ở khu Miếu Nổi, Phú Nhuận, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt) Chúng tôi gặp người đàn ông trạc 40 tuổi, nói giọng Thanh Hóa, ở khu công viên trước Nhà Hát Thành Phố. Nhờ ông đánh giùm đôi giày, sẵn ngồi nói chuyện, hỏi thăm. Ông cho biết tên Trương, vốn ngoài quê là dân đi biển, đánh cá, nhưng lúc sau này cá, tôm ngày một ít, thất bát quá đành bỏ biển ra Hà Nội theo nghề phụ hồ. Bị tai nạn, té giàn giáo, gãy chân, ra viện được một người bạn đồng hương thương tình “truyền” cho nghề đánh giày, chủ yếu là “nhượng” lại cho một vài con phố có thể kiếm ăn được. Hỏi sao không ở ngoài Hà Nội hành nghề luôn mà lại vô Sài Gòn? Ông cho biết, dân Hà Nội vốn có tính “kỳ thị” người nhà quê, không như dân Sài Gòn phóng khoáng, rộng rãi, làm tốt thường “bo” thêm tiền. Nhưng quan trọng nhất là Sài Gòn rất xa nhà, nên muốn về quê cũng phải suy đi, tính lại. Không như hồi làm ở Hà Nội, cứ nhớ nhà một cái là “nhảy” về quê, vì Hà Nội cách Thanh Hóa có hơn một trăm cây số, đi về liên tục nên chẳng bao giờ dư ra đồng nào. Người đàn ông cười, phô hàm răng sún ám khói thuốc, khoe: ‘Từ ngày vô Sài Gòn đã gần một năm mà chưa về quê lần nào, nên cũng dành dụm được ít tiền gởi về quê nuôi các cháu đang đi học.” Ông Trương cho biết thêm, vợ cũng theo vô Nam, đi làm ô-sin, tức là đi “ở đợ” ăn ở luôn tại nhà chủ, vợ chồng lâu lâu có chuyện mới hẹn gặp nhau bàn chuyện rồi ai lại về lo việc nấy. Ông thì thuê phòng trọ ở chung với mấy người đồng hương cùng hành nghề đánh giày, đa số họ còn trẻ. Ông Trương chia sẻ: “Chỉ mong ngày kiếm hơn trăm ngàn, tằn tiện cùng lương ô-sin của vợ, năm ba năm nữa có ít tiền về quê, nuôi gà, nuôi lợn, lo cho các con ăn học. Lê chân suốt ngày tìm khách đánh giày, tôi về ê ẩm mình mẩy, nhức buốt chỗ chân bị tai nạn cũ, vẫn nằm trằn trọc, khó ngủ, suy nghĩ mông lung về tương lai của các con.” Tại một tiệm cà-phê tại Phú Nhuận, gặp C. cũng dân Thanh Hóa, 18 tuổi, nhưng đã có thâm niên 5 năm trong việc “xuôi” Nam hành nghề đánh giày. C. cho biết gia đình ngoài quê rất khó khăn nên làm được đồng nào gởi về quê cho bố mẹ hết. Ước mơ lớn nhất là được học nghề sửa xe, vì theo C. đã tới tuổi thanh niên rồi, có nghề trong tay dễ ăn nói với mọi người. Nếu mà có vốn mà ra mở tiệm là “nhất” chứ vác thùng đồ nghề đánh giầy về quê, đi hỏi vợ ai người ta gả con gái cho? Vừa đánh giày, vừa sửa giày là cách kiếm sống của nhiều người trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt) Hỏi việc “băng đảng” hay “đầu gấu” trong nghề đánh giày có không? C. cho biết, cùng quê thì giúp lẫn nhau, có mối nhiều thấy đồng hương đi ngang thì chia bớt việc, chứ đại ca, đầu gấu với nhau mà làm gì anh?! Trước kia, khi kinh tế chưa khủng hoảng thì một đôi giày đánh đẹp, bóng tới mức có thể soi gương được cũng chỉ có giá là 5 ngàn đồng. Hiện giờ phải 10 ngàn đồng một đôi, nhưng đánh cũng không kỹ lắm, dân Nam cũng dễ dãi ít bắt bẻ hay đòi hỏi phải bóng lưỡng. Nói tới đánh giày ở Sài Gòn mà không nhắc tới mấy nơi sửa giày ở Sài Gòn thì đúng là thiếu sót lớn. Nói như vậy vì không ai có thể đánh giày đẹp cho bằng người thợ giày, vì họ am tường từng chi tiết của đôi giày lẫn thuộc tính của từng loại da giày để chọn si cho phù hợp. Cũng như đã từng chứng kiến cảnh người thợ may xưa ủi đồ thì mới thấm thía câu của cụ Nguyễn Du: “Nghề chơi cũng lắm công phu.” Hầu hết tại những ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn đều có một người thợ sửa giày kiêm luôn việc đánh giày ngồi ở đầu chợ. Cần sửa, hay đánh giày cứ yên tâm đưa, bảo đảm giá rẻ mà đẹp. Ðường Lê Thánh Tôn, với nhiều tiệm giày một thời nổi tiếng, gần trạm xe Bus, phía cổng sau của Thư Viện Quốc Gia cũ, có một chỗ sửa giày rất đông khách, do mấy “chú nhỏ” ngồi trên vỉa hè đảm trách, khách Tây, Ta, Việt kiều đủ cả. Như đã nói, cũng có những người đánh giày thuộc diện “mồ côi” đi lẻ một mình, không có những nhóm đồng hương trợ giúp. Như trường hợp của ông L, một người đàn ông khá lớn tuổi quê gốc Cần Thơ. Theo lời ông, lên Sài Gòn hành nghề đánh giày đã hơn 15 năm, và ông cũng đã kịp lập “phòng nhì” với một người đàn bà ở quận 8. Ông L. thường đánh giày ở khu vực bia hơi nằm trên đường Thi Sách thuộc quận 1. Có lẽ vì ông đánh giày kỹ và đẹp nên khách uống bia ngoài tiền đánh giày thường mời ông ly bia tình cảm. Do vậy, sau một ngày đánh giày ông L. thường trở về nhà trong tình trạng “chếch choáng” hơn men. Ðời người đánh giày theo ông L. cực nhưng mà vui vì có nhiều chiến hữu… nhậu. ông L. cho biết, một năm ông trở về Cần Thơ một lần trong dịp giỗ cha. Nhưng ông lắc đầu tỏ vẻ buồn, tâm sự: ‘Uống bia hơi Sài Gòn mỗi ngày riết quen rồi, về quê uống đế chịu không nổi!” Trong lúc nghe ông L. tâm sự, người thực khách ở bàn bên chợt vỗ bàn, ngân nga: “Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai mà tới đó lòng không muốn về…” Ông L. mắt chợt long lanh buồn, với người ly hương như ông, bến Ninh Kiều chắc chắn vẫn còn đó, nhưng kỷ niệm như những con đò đang rời bến chợt gần, chợt xa. Theo nguoi-viet.com/