NSND Trà Giang: “Có những cuộc chia ly không hẹn trước”


Thời gian có thể lấy đi của mỗi con người thật nhiều thứ. Nhưng đối với NSND Trà Giang, đôi mắt thăm thẳm, chất chứa nhiều cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên, dù cuộc đời bà đã đi qua rất nhiều cung bậc. “Chị Tư Hậu” ở ngoài đời vẫn luôn cuốn hút, bởi cảm giác nhẹ nhàng và bình yên, mà bà mang đến cho mọi người.

Từng có ý định bỏ nghề

Năm 1959, Trà Giang thi đỗ vào trường múa, nhưng cuộc thi tuyển diễn viên sau đó, Trà Giang nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển trạch và trở thành lớp diễn viên đầu tiên của Trường Điện ảnh.

Khán giả màn ảnh nhỏ một thời hẳn không quên vai diễn nổi tiếng gắn với tên tuổi của Trà Giang – chị Tư Hậu. Nhưng trước khi “trở thành” chị Tư Hậu, Trà Giang có một vai diễn phụ, đầu tay trong phim “Một ngày đầu thu” (đạo diễn Huy Vân), mà chính nhờ vai diễn này, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã chọn Trà Giang vào vai chính trong “Chị Tư Hậu”.

“Đúng là vai diễn đầu tiên rất quan trọng, nó không chỉ làm thay đổi cuộc đời mình mà bao nhiêu kỷ niệm và cảm xúc đều nằm ở lần đầu tiên đó. Trong phim “Một ngày đầu thu”, nhân vật của tôi là một phụ nữ đã có chồng, trong khi tôi chỉ mới 19 tuổi, còn chưa có người yêu. Hóa thân bằng kinh nghiệm là hoàn toàn không thể. Tôi chỉ biết diễn bằng hết khả năng những gì mình có. Dù chỉ là vai phụ nhưng cũng có những trường đoạn để mình được diễn hết khả năng. Đây cũng là vai diễn tốt nghiệp có rất nhiều bậc thầy của làng điện ảnh tham dự. Sau vai diễn này, tôi được đánh giá là diễn xuất tốt và rất chân thật”. Trà Giang nhớ lại giây phút đầu tiên chạm ngõ làng điện ảnh của mình như thế.

1-copy

NSND Trà Giang trong phim Vĩ tuyến  17 ngày và đêm

Nhận xét về Trà Giang, đạo diễn Hải Ninh từng nói: “Trà Giang gây cho người ta ấn tượng về một người phụ nữ dịu dàng, đôn hậu nhưng lại có nét hồn nhiên. Vai chị Kiên trong “Một ngày đầu thu” đã làm nên tên tuổi Trà Giang, mở đường cho những vai diễn thành công sau này”.

Còn Trà Giang tâm sự: “Thỉnh thoảng xem lại “Chị Tư Hậu”, tôi thấy mình già hơn cái tuổi 20 của mình rất nhiều. Nhưng tuổi thơ tôi đã có những ký ức rất sâu về chiến tranh. Tôi đã từng theo ba mẹ lên vùng kháng chiến gian khổ, chứng kiến các trận càn của giặc, cảnh bắn giết, chết chóc… nên không xa lạ với kịch bản và có điều kiện hóa thân thật sâu vào vai diễn. Người diễn viên không chỉ diễn mà phải thực sự sống như chính mình là nhân vật thì mới thành công được”.

Trao vai khó cho một diễn viên trẻ, không phải là người Nam bộ vào nhân vật một phụ nữ đã có gia đình, nhất là phải diễn tả được nội tâm sâu sắc của một người đàn bà đau khổ, tuyệt vọng vượt lên số phận để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung cho Trà Giang là một quyết định khá tạo bạo với đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Và Trà Giang đã không làm đạo diễn thất vọng cũng như toàn bộ ê kíp làm phim khi hoàn thành trọn vẹn, xuất sắc vai diễn, tạo được sự xúc động cho người xem và để lại ấn tượng mạnh mẽ về hình tượng người phụ nữ Nam bộ trong chiến tranh. Sau này đạo diễn Phạm Kỳ Nam lý giải, lý do ông chọn Trà Giang vì ngoài lối diễn chân thật, hồn nhiên ông còn bị thuyết phục bởi đôi mắt đẹp, nội lực mạnh mẽ, sáng bừng như có lửa và ánh nhìn đầy tin cậy. Với người diễn viên, từ dáng dấp, khuôn mặt đều có thể hóa trang cho thay đổi nhưng đôi mắt và đặc biệt là ánh mắt thì không thể có sự can thiệp nào ngoài tạo hóa. Sau này, trong hàng loạt bộ phim khán giả luôn nhìn thấy trong đôi mắt ấy chất chứa nỗi đau thương và lòng uất hận, cả những khát khao cháy bỏng hạnh phúc. Sự biểu cảm tuyệt vời của đôi mắt ấy đã làm rung động hàng triệu trái tim nhiều thế hệ khán giả.

3a

Đôi mắt thăm thẳm biết nói của Trà Giang

Trà Giang cho rằng, ngoài tố chất, sự nỗ lực thì vai trò của đạo diễn rất quan trọng đối với sự thành công của người diễn viên. Điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, trong đó đạo diễn là một người chỉ huy. Người chỉ huy tài ba sẽ nghe được, hiểu được cá tính, thế mạnh của từng diễn viên, phải quán xuyến, điều tiết từng chi tiết nhỏ nhất và có những quyết định sáng suốt để diễn viên có thể hóa thân tốt nhất cho vai diễn của mình. “Diễn viên là linh hồn của bộ phim. Cho dù kịch bản hay, đạo diễn giỏi mà diễn viên dở thì bộ phim coi như không thành công. Hầu hết các đạo diễn thời của tôi đều rất nghiêm khắc. Thậm chí có lần tôi định bỏ nghề vì bị đạo diễn mắng không thương tiếc trước mặt mọi người. Vừa buồn, vừa xấu hổ nhưng chính nhờ có sự nghiêm khắc, tận tụy của các đạo diễn tôi mới trưởng thành. Từ  chị Dịu, chị Tư Hậu, đến chị Kiên… các vai diễn của tôi được nâng cao hơn về chiều sâu nghề nghiệp. Trong đó có công lao rất lớn của các đạo diễn như Huy Vân, Phạm Kỳ Nam, Hải Ninh, Trần Phương…”.

Tâm hồn bình yên

Đối với Trà Giang, nỗi buồn lớn nhất, bất ngờ nhất mà bà coi nó như là cuộc chia ly của định mệnh, không hề có dự cảm nào trước, đó là sự ra đi đột ngột của người chồng cách đây 17 năm và cuộc chia tay với điện ảnh khi bà mới 48 tuổi.

Thời kỳ đất nước mở cửa cuối những năm 80 của thế kỷ XX,  hàng loạt phim “mì ăn liền” ra đời, nội dung nhàn nhạt nhưng mang nặng dấu ấn của thị trường, Trà Giang đã từ chối rất nhiều vai diễn vì thấy kịch bản không phù hợp với mình. Năm 1987, khi vừa hoàn thành bộ phim “Huyền thoại người mẹ”, Trà Giang được mời tham gia một bộ phim truyện về đề tài chiến tranh nhưng không có thước phim nào được bấm máy vì không đủ kinh phí. Sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường và dòng phim theo xu hướng “ăn xổi” thời ấy đã khiến những đạo diễn, diễn viên có tâm huyết với điện ảnh không khỏi trăn trở và lao đao. Năm 1989, sau vai diễn cuối cùng trong “Dòng sông hoa trắng”, Trà Giang vẫn luôn chờ đợi một kịch bản tốt hơn, một vai diễn tốt hơn nữa. Dù yêu nghề, nhớ nghề vô cùng nhưng Trà Giang đành phải từ chối hết lời mời này đến lời mời khác. Và cho đến tận bây giờ, khi sức khỏe không còn cho phép mình có thể tham gia đóng phim, Trà Giang vẫn không tin mình đã dừng sự nghiệp sớm đến thế và đơn giản đến thế. Vậy là thành cuộc chia ly thứ nhất không hẹn trước.

Thời kỳ này, bà dành trọn thời gian và tình yêu cho gia đình, cho chồng, người  bạn lớn: Nghệ sỹ Ưu tú, Giáo sư Âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc và con gái Bích Trà, Nghệ sỹ Piano (đang sinh sống và làm việc tại Anh). Nhưng cuộc đời không phải cứ muốn bình yên là thuận như lòng người. Ở tuổi 59, NSƯT Bích Ngọc đã bất ngờ ra đi. Đối với một người phụ nữ đã dành tình yêu thương lớn nhất, trọn vẹn nhất cho người bạn đời thì nỗi đau này quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Ở lại trần thế bơ vơ, trống trải một mình, Trà Giang bắt đầu tìm đến hội họa. Từ những lớp học đầu tiên của những người bạn cùng trang lứa, bà tìm thấy niềm vui và tình yêu mới cho quãng đời tiếp theo. Thế giới của nghệ thuật hội họa với vẻ đẹp mênh mông tiềm ẩn đã thực sự cuốn hút và giúp bà quên đi nỗi đau của hai cuộc chia ly.

t43

Niềm vui của NSND Trà Giang bên bức tranh vừa hoàn thành.

Những tác phẩm của Trà Giang chỉ có hai chủ đề chính là hoa và phong cảnh. Những chùm hoa rực rỡ mà ẩn chứa nhiều suy tư, những phong cảnh tả thực về vùng quê nghèo miền Trung và những ngõ phố, con đường nhỏ của Hà Nội, nơi đã gắn bó với bà hơn nửa đời thanh xuân, cứ theo từng nét vẽ, tâm hồn và trái tim bà mà thành tác phẩm nghệ thuật. Tranh của Trà Giang thể hiện đầy đủ cung bậc của cảm xúc, cả những xáo trộn của tâm trạng khi chỉ còn lại một mình bà trong ngôi nhà mà hai vợ chồng bà đã từng gắn bó. Căn phòng nhỏ của NSND Trà Giang ở mộtchung cư, giờ toàn tranh. Những bức tranh ghi lại cảm xúc của những ngày đã qua, của một vùng đất vừa mới đến, hoặc có khi là khoảnh khắc bừng tỉnh của một nụ hoa… được Trà Giang thể hiện bằng nét cọ tinh tế và sâu thẳm những nỗi nhớ.

Nỗi đau nào rồi cũng qua, Trà Giang đã tìm được cho mình điều thật quan trọng, đó là sự bình yên trong tâm hồn. Hạnh phúc có khi chỉ đơn giản như thế.

NSND Trà Giang, sinh tại Quảng Ngãi, theo ba mẹ tập kết ra Bắc từ nhỏ. Bà bén duyên với điện ảnh từ vai diễn đầu tiên “Một ngày đầu thu” và chia tay với điện ảnh qua bộ phim “Dòng sông hoa trắng” . Trà Giang cũng tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: “Chị Tư Hậu” Huy chương Bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (vai Dịu, đoạt giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1973), “Huyền thoại về người mẹ”, “Mối tình đầu”, “Ngày lễ thánh”, “Cho cả ngày mai”, “Bài ca ra trận”

.

ĐINH HOA/Lao động và Xã hội


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: