Sài Gòn trước năm 1975: Nghệ thuật câu khách của báo chí (kỳ 1)


Sài Gòn trước năm 1975 - 2

Dễ có thể thấy dù là thời đại nào thì chủ đề ngôn tình ủy mị và nhục dục của con người cũng luôn kích thích được sự tò mò của con người. Các tòa báo Sài gòn trước 1975 đã rất thành công trong việc nắm được tâm lý của độc giả và thỏa mãn nhu cầu của họ để đổi lại sự trung thành của họ với mình. Trong đó, tiểu thuyết feuilleton là một món ăn tinh thần ăn khách của chị em phụ nữ.

Kỳ 1: Tiểu thuyết feuilleton

Bối cảnh Sài Gòn trước năm 1975, có nhiều tờ báo không có phóng viên. Chủ báo mua những tin tức quốc tế của các hãng thông tấn AP, UPI, Reuteur…; hoặc mua những bản tin trong nước của các nhóm thông tín viên chuyên săn tin bán cho báo đăng trang ngoài như: Văn Đô, Thanh Huy, Đức Hiền…. Do đó, chẳng có gì là khó hiểu nếu xảy ra chuyện mười tờ báo đăng đúng một tin giống nhau như khuôn. Chính bởi lẽ này mà các tòa báo nghĩ ra việc thu hút độc giả bằng việc đăng tiểu thuyết phơi-ơ-tông.

Trang ngoài của báo "Saigon mới" ở Sài Gòn trước năm 1975

Trang ngoài của báo “Saigon mới” ở Sài Gòn trước năm 1975

Tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên những tờ nhật báo được gọi bằng cái tên Tây là feuilleton (phơi-ơ-tông), là truyền thống của làng báo Pháp, có từ thập niên 1850, du nhập vào Sài Gòn. Một trong những người viết feuilleton nổi tiếng nhất của Pháp là Alexandre Dumas, tác giả những bộ tiểu thuyết feuilleton điển hình Les Trois Mousquetaires, Le Comte de Monte-Cristo. Làng báo Hoa Kỳ không có tiểu thuyết feuilleton. Tiểu thuyết feuilleton là loại truyện dài, đăng nhiều kỳ, viết tới đâu đăng báo tới đó.

Làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có tiểu thuyết feuilleton từ những năm 1930 với những tác giả Hồ Biểu Chánh, Phú Đức… Khoảng thời gian này, tiểu thuyết feuilleton giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo ở Sài Gòn. Một tiểu thuyết feuilleton hay, ăn khách, giúp tờ báo được nhiều độc giả. Từ đó, tờ báo có thể sống vững, dù phần thời sự, nghị luận nơi trang ngoài của tờ báo không có gì hơn những báo khác. Chỉ nhờ có một tiểu thuyết feuilleton ăn khách, một tờ nhật báo ở Sài Gòn cũng có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy. Đó là trường hợp của tờ nhật báo Thần Chung với tiểu thuyết “Cô Bạch Mai” do chính chủ nhiệm Nam Đình viết.

Độc giả tiểu thuyết feuilleton ở Sài Gòn trước năm 1975 phần nhiều là phụ nữ. Trong xã hội miền Nam thời ấy, một người đi làm – thường là người đàn ông trong gia đình – kiếm được tiền đủ nuôi vợ con. Người vợ ở nhà lo việc chợ búa, bếp núc, trông con. Những phụ nữ này có nhiều thì giờ nhàn rỗi, họ đọc tiểu thuyết đăng hàng ngày trên các nhật báo. Báo nào có tiểu thuyết được họ đọc là báo đó bán chạy. Và họ thích đọc những truyện tình ái mùi mẫn, éo le, lâm ly bi đát.

Trong những tiểu thuyết đó, nhân vật chính là những thiếu nữ xinh đẹp, hiền hậu, con nhà nghèo, nhưng vẫn giữ được trong sạch. Hoàn cảnh đưa đẩy họ rơi vào những cảnh ngộ ngang trái nhưng sau cùng vượt qua nghịch cảnh, đến được với tình yêu. Hoặc nhân vật chính là một thiếu nữ con nhà giàu sang, quyền quý, yêu một chàng trai nghèo nhưng hiền lành, chất phác. Họ thích những mối tình, trong đó hai người yêu nhau bị chia cách bởi giàu nghèo. Điều quan trọng nhất là sau cùng tình yêu phải thắng, đôi tình nhân sau trăm cay, nghìn đắng, sẽ thành vợ, thành chồng, sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi.

Trong làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có nhiều người viết một ngày 4 – 5 tiểu thuyết feuilleton cho nhiều tờ báo khác nhau như: Viên Linh, Bà Tùng Long, Sơn Nam… Năm 1955, tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam được đăng tải nhiều kỳ trên báo Nhân Loại. Làng báo Sài Gòn có hai cây viết feuilleton phụ nữ nổi tiếng là Bà Tùng Long và Bà Lan Phương.

Sài Gòn trước năm 1975 - 2

Một mẫu tiểu thuyết feuilleton được đăng trên báo Sài Gòn trước năm 1975

Bà Tùng Long là cây viết tiểu thuyết chủ lực của nhật báo “Sài Gòn Mới”. Bà viết nhiều, có nhiều tác phẩm được in thành sách, truyện nào của bà cũng đề cao tình nghĩa, đạo lý Á Đông, nhân vật chính là phụ nữ, sau bao nhiêu gian truân sóng gió, cuối cùng đều có hạnh phúc.

Bà Lan Phương cũng viết nhiều, cũng có nhiều tác phẩm xuất bản thành sách, nội dung những tiểu thuyết của Bà Lan Phương cũng giống như nội dung những tiểu thuyết của Bà Tùng Long. Nhật báo Sài Gòn còn có mấy cây viết feuilleton nữ nổi tiếng nữa: Túy Hồng, Lệ Hằng, Nhã Ca.

Tùy theo truyện có ăn khách hay không mà hằng tháng chủ báo trả tiền cho người viết feuilleton cao hay thấp. Khi báo đã đăng xong, nếu tiểu thuyết feuilleton nào được ăn khách, độc giả ủng hộ, sẽ được nhà xuất bản mua để in thành sách. Có nhiều tiểu thuyết feuilleton được in sách, dựng phim như: “Loan mắt nhung” của Nguyễn Thụy Long; “Dấu chân sỏi đá” của Duyên Anh; “Mái tóc dĩ vãng” của Ngọc Linh; “Bên dòng sông Trẹm” của Dương Hà…

Nếu như phụ nữ ở Sài Gòn trước năm 1975 thích đọc các tiểu thuyết feuilleton thì các quý ông sẽ không mua báo nếu số đó không đăng các loạt truyện kiếm hiệp dài kì mà tiêu biểu là truyện Kim Dung. Bài viết sau, 2saigon sẽ “hé lộ” cho bạn một phần nào đó về văn hóa đọc của phái mạnh ngày xưa cùng một góc khuất về những truyện khiêu dâm trên báo chính thống của Sài Gòn.

Nguồn: laodong.com.vn | Hình ảnh: Sưu tầm


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: