Trường đại học đầu tiên có giảng đường thông minh ở Sài Gòn


Trường đại học đầu tiên có giảng đường thông minh ở Sài Gòn

Đại học Y Dược TPHCM trở thành trường đại học đầu tiên của cả nước có giảng đường thông minh (smart school) với các trang thiết bị hiện đại, như một thử nghiệm mới trong cách thức dạy và học nhằm thay thế dần mô hình giảng đường truyền thống lâu nay.

Trường đại học đầu tiên có giảng đường thông minh ở Sài Gòn

Một góc giảng đường thông minh của Đại học Y Dược TPHCM. Sinh viên sử dụng máy tính bảng bên dưới, còn giảng viên thì sử dụng màn hình chạm lớn để giảng dạy.
Ảnh: Hùng Lê

Hôm nay, 6-9, Công ty Điện tử Samsung phối hợp với trường Đại học Y Dược TPHCM giới thiệu mô hình “Giảng đường thông minh” trong khuôn khổ chương trình đổi mới giáo dục ngành y của Bộ Y tế, dưới sự cố vấn của các chuyên gia về giáo dục thuộc tổ chức Health Advancement in Vietnam – bao gồm các giảng viên từ Beth Israel Deadoness Medical Center.

Mô hình “Giảng đường thông minh” tại trường Đại học Y Dược TPHCM bao gồm hai phần: phần cứng là giảng đường tương tác với trang thiết bị hiện đại, và phần nội dung bao gồm xây dựng bài giảng bằng các phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên và sinh viên làm quen với mô hình dạy và học mới.

Giảng đường tương tác được bố trí linh hoạt theo nhu cầu học của từng phương pháp học, có thể sắp xếp thành khu vực nhóm, dễ dàng thay đổi thành từng dãy theo cách truyền thống hoặc tách rời từng cá nhân. Trang thiết bị trong giảng đường bao gồm màn hình tương tác thông minh (Interactive White Board – IWB) đi kèm phần mềm quản lý lớp học, máy tính bảng, mạng lưới internet không dây kết nối với máy chủ và các phụ kiện, nhằm mang đến sự thuận tiện cho công tác giảng dạy.

Nội dung giảng dạy cũng từng bước được chuyển hóa từ những nội dung “tĩnh” sang nội dung “động”. Ngoài việc trình chiếu các bài giảng tương tác bằng hình ảnh, âm thanh dưới dạng video clip, ảnh động minh họa… các loại hình ảnh mang tính đặc thù cho sinh viên ngành y như mô hình các mô, cơ trong cơ thể người được hiển thị dưới dạng 3D trực quan, sinh động với những khả năng như “bóc”, “tách”, “xoay”… cho phép sinh viên quan sát trực quan và sát với thực tế hơn.

Theo Tiến sỉ Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TPHCM, mô hình này đã được nhiều trường đại học trên thế giới áp dụng, cụ thể là Đại học Y Harvard. Giảng đường thông minh này sẽ được trường bắt đầu áp dụng cho việc đào tạo sinh viên khóa 2016-2017 này.

Theo Hùng Lê/Thời báo kinh tế Sài Gòn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: