Duy trì và phát triển nghề truyền thống


TP Hồ Chí Minh hiện còn gần 20 làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, nhiều người vẫn quyết bám nghề, giữ nghề truyền thống gắn với đổi mới để làng nghề tồn tại và phát triển…

Làng nghề hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn

Những người làm gạch thủ công cuối cùng ở làng nghề qua 2 thế kỷ

 

Xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi nổi tiếng với nghề đan lát, nơi đây hiện còn cả trăm người theo nghề. Bà Trần Thị Đo, 76 tuổi, người gắn bó lâu năm với nghề đan lát ở đây chia sẻ: “Thái Mỹ có nhiều người đan rổ, rá, từ người già đến trẻ em. Hầu như nhà nào cũng có người làm nghề này, một phần để mưu sinh, một phần cũng vì niềm vui khi làm ra những sản phẩm từ chính đôi tay của mình”.

Hôm chúng tôi đến thăm, bà Đo hướng dẫn đứa cháu gái cách lựa tre, chẻ nhỏ những nan tre, rồi tỉ mẩn luồn tay kết từng sợi nan vào nhau. Đôi tay nhăn nheo của bà thoăn thoắt uốn từng cọng nan lên xuống, từ đó, cái thúng, cái rổ tròn vành vạnh dần dần thành hình hài. Bà Đo kể: “Mỗi ngày tôi làm được chừng một cặp rổ. Trước, nghề đan lát nuôi sống cả gia đình người làng Thái Mỹ, nhà tôi cũng có mười người làm nghề này. Khi rổ nhựa, rổ nhôm tràn ngập thị trường đã “giết” dần rổ tre. Hàng bán không được, người tìm việc khác, nghề cũng “teo tóp” theo. Mấy năm gần đây, người ta lại chuộng hàng thủ công, trở về với thiên nhiên, vậy là các nhà hàng, quán ăn lại tìm đến chúng tôi đặt hàng. Người dân cũng chỉ nhau cách làm ra sản phẩm đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường hơn từ nguyên liệu truyền thống. Hàng làm ra không kịp cung ứng, nghề đan lát “lên hương” trở lại…”.

Tại các phường 7, 8 (quận 6) hiện vẫn còn khá nhiều người làm chổi bông cỏ, chổi lông gà. Anh Ngô Văn Tỵ, chủ một cơ sở làm chổi trên đường Phạm Văn Chí (quận 6) bộc bạch, nhắc đến xóm chổi ở quận 6 hầu như ai cũng biết. Chổi làm hoàn toàn thủ công, rất bền và chắc chắn. Thương lái ở các chợ đầu mối thường về tận nơi lấy hàng; hoặc vài ba gia đình có thể hùn hạp nhau chở hàng lên các chợ bán. “Có một thời gian, chổi làm ra khó bán vì đồ sợi bông hóa học bán đầy đường với giá cực rẻ. Dù khó khăn nhưng tôi không bỏ nghề vì biết thế mạnh của sản phẩm mình làm ra. Quả thật, mặt hàng chổi thủ công không “chết” mà vẫn tiếp tục được nhiều người ưa chuộng…”, anh Tỵ giãi bày.

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới “sống xanh”, thân thiện môi trường, người làng nghề đã ứng dụng công nghệ cùng với đẩy mạnh tiếp thị, tham gia xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm. Mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) đã biến tấu từ cách pha mầu sơn, hình ảnh cho đến khảm thêm xà cừ, trai, ốc… tạo nét mới lạ, bắt mắt. Người sản xuất cũng nhắm vào khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, resort. Giám đốc Công ty sản xuất mành trúc Thanh Trúc (Củ Chi) Nguyễn Hữu Bèn bộc bạch: “Mình phải luôn cập nhật cái mới để phù hợp xu hướng, làm sao sản phẩm đẹp, bền và nhẹ hơn mới xuất khẩu được. Cái khó ở đây là người làm nghề vẫn đang phải tự cứu mình, chứ chưa được sự hỗ trợ gì từ địa phương. Vì yêu và tiếc cái nghề của tổ tiên nên tôi muốn gìn giữ cho con cháu”.

Nem Thủ Đức dù đã rất nổi tiếng nhưng người làm nghề vẫn luôn cải tiến để phát triển thương hiệu. Chủ cơ sở nem Bà Chín Lê Nguyên Hùng chân tình: “Muốn sống được trong thời buổi này, những làng nghề truyền thống buộc phải thay đổi cách sản xuất. Bí quyết sống được với nghề của gia đình tôi là hiện đại hóa cách làm nem. Cái gì cải tiến được thì cải tiến”. Với quan điểm đó, ông Hùng dùng máy giã thịt thay cho giã tay; đăng ký thương hiệu nem Bà Chín; công khai các chỉ tiêu chất lượng để người tiêu dùng tin tưởng. Ngoài cách gói nem theo chùm bằng dây và lá chuối, cơ sở này còn thiết kế hộp giấy để đóng gói tiện cho khách đi đường xa, đồng thời giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… chứ không trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương” như trước.

Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi) Lê Thế Khải cho biết, HTX không ngừng đổi mới từ làm thủ công sang công nghiệp, nâng cao chất lượng, tìm hướng xuất khẩu cho sản phẩm, đồng thời kết hợp du lịch để mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Chỉ khi nào người dân sống được bằng nghề thì mới mong họ giữ và phát triển nghề ấy…

Thành phố Hồ Chí Minh đã có dự án quy hoạch làng nghề tầm nhìn đến năm 2020 gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững, đồng thời xây dựng thí điểm một mô hình làng nghề nông thôn tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển. Thế nhưng việc triển khai thực hiện chưa thật sự hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Trần Trường Sơn cho biết, thành phố hiện có 19 làng nghề truyền thống. Để giữ làng nghề, cần có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các HTX nông nghiệp và các cá nhân, tổ chức tham gia bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn được vay vốn, có hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước thì chưa đủ, chính bản thân người làm nghề phải có ý thức giữ nghề, phát huy những thế mạnh của mình thì mới hy vọng duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông…

Theo nhandan

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: