Kim Dung và một đời ‘tiếu ngạo giang hồ’ đã khép


Vào chiều 30-10, nhà văn võ hiệp nổi tiếng Kim Dung trải qua những giờ phút cuối đời của mình trong vòng tay gia đình, hưởng thọ 94 tuổi.

Thăng trầm những ngôi nhà cổ

Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn

Nhà văn Kim Dung – Ảnh: SINA

Kim Dung sống gần trăm năm đời người, nhưng sự ra đi của ông không khỏi gây cho thế hệ độc giả trót nặng tình yêu với những câu chuyện võ hiệp phải tiếc nuối.

Ở miền Nam trước năm 1975, mỗi chương truyện Kim Dung viết đăng trên tờ Minh Báo đều được các dịch giả Sài Gòn chú mục vào đọc và dịch ngay tức khắc, người người đọc Kim Dung, nhà nhà đọc Kim Dung, có những người lấy tên nhân vật của ông đặt tên cho con, nhiều điều từ tác phẩm của ông đã đi vào đời sống người miền Nam tự nhiên như câu đồng dao của lũ trẻ: Nhất dương chỉ – nhị thiên đường – tam tông miếu – tứ đổ tường – ngũ vị hương – lục tào xá… hay Nhạc Bất Quần đã trở thành danh từ chung chỉ một hạng người “ngụy quân tử”.

Ở Việt Nam, dịch Kim Dung nổi tiếng nhất chính là Hàn Giang Nhạn, còn bình Kim Dung xuất sắc phải kể đến nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, hay nhà phê bình Đỗ Long Vân đã viết tác phẩm nổi tiếng Vô Kỵ giữa chúng ta hay là Hiện tượng Kim Dung

Kim Dung sử dụng một thứ văn chương mềm mại, giàu chất thơ. Sự uyển chuyển hào hoa của văn chương Kim Dung thường được so sánh với vẻ lạnh lùng sắc gọn của văn Cổ Long, như những đối nghịch đầy biến ảo của tiểu thuyết võ hiệp.

Thế giới giang hồ dưới ngòi bút Kim Dung cũng biến hóa khôn lường, thiện ác chính tà không rành rành một đường, mà nhiều khi cứ xoắn quện với nhau.

Xét dưới góc độ phê bình văn học, những tác phẩm Kim Dung không chỉ nói chuyện cõi giang hồ mà còn phản ánh những biến cố của lịch sử và thời đại.

Trong các tiểu thuyết của mình, ông biến lịch sử thành những phông nền để từ đó nói lên bi kịch sâu xa hơn: sự lưỡng nan của kiếp người, của thân phận quốc gia, dân tộc.

Bằng học vấn uyên thâm, ông đã đan cài trong tác phẩm của mình đầy những biểu tượng, những liên văn bản, những ẩn dụ được kết tinh trong tinh thần Nho – Phật – Đạo.

Với bộ Lộc đỉnh ký, Kim Dung đã gửi lời chào tạm biệt đến các độc giả, nhưng các anh hùng của ông tiếp tục tung hoành từ trang sách đến phim ảnh, nhiều dự án chuyển thể tác phẩm của ông ra đời, thậm chí một số tiểu thuyết của ông còn được chuyển thể nhiều lần, chứng tỏ tình yêu với nhân vật Kim Dung, với tư tưởng Kim Dung chưa bao giờ vơi cạn.

Sau ngày Kim Dung “quy ẩn”, một thế hệ nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp mới ra đời, được mệnh danh Thần Châu Tân Ngũ Hiệp: Thương Nguyệt, Tiểu Đoạn, Tiêu Đỉnh, Bộ Phi Yên, Phượng Ca. Thế hệ mới tuy tài năng nhưng tinh thần võ hiệp khiến ta say mê xưa kia đã không còn.

Kim Dung khép lại Tiếu ngạo giang hồ bằng câu: Dứt lời nàng nở một nụ cười tươi thắm. Nụ cười của Nhậm Doanh Doanh đã khép lại bao chuyện tiếu ngạo của cõi giang hồ, còn Kim Dung bằng nụ cười ý nhị của mình vẫn còn như phảng phất trong cõi nhân gian.

Theo TTO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: