Từ sông ra bể


Mẹ kể, đáng lẽ tôi không góp mặt ở cuộc đời này, bởi ngày chị sinh ra, gia đình đã hai đứa, nếp tẻ đủ cả. Hơn nữa, ngày đó cha và mẹ làm ở nông trường, người nhà nước, dù gái dù trai chỉ hai là dừng.

Ly cà phê tại nhà

Người thầy lớn nhất đời tôi là ba

Con-Gai-Lay-Chong-Xa

Năm chị 6 tuổi, cha mẹ có một quyết định “để đời”: Nghỉ làm nông trường, chuyển nhà. Thế là tôi được sinh ra, sau đó hai năm nữa em gái tôi chào đời. Cha đặt tên anh trai là Hà rồi ông suy luận rằng Hà là sông, mà sông phải có nước nên đặt tên chị là Thủy.

Chị tôi học đến lớp 9 thì phải nghỉ học. “Phải” là bởi ngày đó nhà nghèo quá, cả bốn anh em ăn học cha mẹ tôi nuôi không thấu. Anh trai đã lớp 11, còn một năm là tốt nghiệp cấp III, vả lại anh học giỏi, ai cũng kỳ vọng. Còn tôi và em gái thì học tiểu học, bỏ học cũng không làm được gì.

Chị tự nguyện bỏ học. Mặc dù nhiều khi tôi thấy chị rất buồn. Có hôm cô giáo, bạn bè cùng lớp đến khuyên gia đình cho chị đi học lại, mấy lần đó chị đều trốn sau hè, không ra gặp mặt. Tôi không biết ra ngồi đó chị có khóc không, nhưng mắt chị ngày nào cũng đỏ.

Năm đó làng tôi lên cơn sốt đi công nhân khu chế xuất. Có một cô chừng tuổi mẹ tôi về làng, bảo làm mối đưa trai gái làng vào Nam làm ăn. Mỗi người nộp năm trăm ngàn tiền đi đường, tiền phí. Cha tôi vay tiền, chị tôi khăn gói vào Nam.

Chị vào Sài Gòn làm ở công ty giày da. Trong thư gửi về nhà chị viết: “Con sống ở đây được, có nhiều anh chị em đồng hương, không buồn lắm, cha mẹ và các em nhớ giữ gìn sức khỏe, có lương con gửi về”. Tôi nghe mẹ đọc thư và hình dung trong trí tưởng tượng của mình một Sài Gòn thật lung linh, ở đó có đủ cơm thịt cá để ăn no, có tiền và mua đủ thứ. Rồi tôi ao ước một lần vào thăm chị, để chị dẫn đi chơi Suối Tiên, có đủ thứ trò chơi xanh đỏ như chị kể. Ngày đó tôi nghĩ, chị đi làm công nhân thật sướng!

Năm tôi lớp 7, cha qua đời. Trong lần điện thoại vào báo với chị, chú tôi phải nói dối rằng về nhà có việc gấp, không dám nói cha mất. Chị lên xe về đúng ngày người ta đưa cha ra huyệt mộ. Tôi ngồi khóc trong nhà, thấy mấy người hàng xóm bảo “Thủy về rồi”, tôi nhìn ra thấy chị đứng chôn chân ngoài ngõ. Chị gào “đây không phải nhà tôi, cha của tôi chưa chết, các người đừng lừa tôi”. Rồi chị ngất lịm.

Sau đám tang, chị lại vào Nam. Mẹ bảo, mấy tháng này chị gửi tiền nhiều hơn trước. Đó là số tiền của những giờ tăng ca, số tiền của những bữa cơm có khi còn khổ hơn ở quê nhà của chị.

Tôi nhớ ngày chị ở nhà. Chị mê ca sĩ Phi Nhung, mỗi chiều mưa dầm dề, chị mở cassette của cha và ngân nga theo ca khúc: “Em đi lấy chồng. Về nơi xứ xa. Chim kêu vượn hú. Biết nhà má đâu…”

Rồi câu hát chị tôi ngân nga ngày ấy như vận vào cuộc đời. Chị tôi lấy chồng xa thật. Về miền Tây, cách nhà hơn cả ngàn cây số. Bà nội tôi bảo, con gái lấy chồng xa coi như mất. Chồng thương thì chớ chứ chồng đánh thì biết kêu ai.

Nhiều lần tôi ngồi nghĩ miên man, có phải tôi sinh ra mà chị khổ hay không? Nếu ngày đó cha mẹ không sinh tôi ra, nhà chỉ có hai con thì chị sẽ được học hành đầy đủ và có thể sướng hơn bây giờ.

Thủy là nước, có phải vì thế mà cuộc đời chị cứ trôi đi không ngừng? Từ suối ra sông, từ sông ra bể, chẳng lúc nào bình yên cả.


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: