Chuyện đời cô đào chuyển giới từng bị gia đình chối bỏ, người đời khinh khi và ước mong được 1 lần gặp lại mẹ cha


“Cuộc đời em chỉ có 3 điều ước. Điều thứ nhất, em được là con gái, (Ly đã thực hiện rồi). Điều thứ hai, em sẽ sống với Ngoại hoài hoài. Điều thứ 3, có một bữa cơm đủ ba-đủ má-đủ Ngoại, em sẽ khóc và kể mình đã đau khổ thế nào suốt 27 năm trong hình hài này. Nhưng, có lẽ, mãi mãi, là không thể…”

“Cô đào” chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam – Kỳ 2: Chích đại silicon thập niên 80

“Cô đào” chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam – Kỳ 3: Qua đường phận “đào” lô tô

– Ly còn nhớ ba má hông?

– Có chớ! Em còn mong hôm chương trình về mấy người như em được chiếu trên ti-vi, má có xem…

– Ngày đó, ba má Ly sao lại thôi nhau?

– Lúc đó, em mới có 1 tháng mấy à. Ba má cãi nhau, xong ba mới quăng em xuống sàn. Mẹ giận nên bỏ nhà đi biệt tích. Mà ai cũng nghĩ là em chết rồi, chỉ có Ngoại vẫn nuôi…

– Sau này, có ai quay lại tìm em không?

– Ngoại bảo hồi em 5 tuổi, ba có tìm mà em hổng nhớ. 10 tuổi, có bữa ba đi làm về, ghé qua nhà ngủ nhờ một đêm. Nửa đêm, ba ôm em trên cái chõng tre, chắc nghe ai nói gì đó mà ổng nhắc khéo: Ráng làm con trai, lấy vợ, đừng đua đòi học pê-đê này nọ, sống khổ! Em buồn lắm, úp mặt vô tường khóc. Gà gáy, ba đi mất tiêu.

Mấy năm lên Sài Gòn, em sống khổ lắm. Có đợt Tết, ba gọi điện kêu về ở với ba, ba cho tiền ăn Tết. Em ngồi nhà đợi mãi, hết Tết ba vẫn chưa qua rước. Sau này, người ta nói lại là ba em mất rồi, mất từ năm đó.

Ở đâu hổng rõ, chả có tiền đi tìm nữa, em buồn, khóc miết. Ngoại tính sau này làm ăn dư chút đỉnh thì bà cháu cùng đi tìm. Còn người tìm người, mồ mả thì ra mồ mả…” – Ly khóc.

Điều thứ nhất, em được là con gái, (Ly đã thực hiện rồi). Điều thứ hai, em sẽ sống với Ngoại hoài hoài. Điều thứ 3, có một bữa cơm đủ ba-đủ má-đủ Ngoại, em sẽ khóc và kể mình đã đau khổ thế nào suốt 27 năm trong hình hài này.

Tôi gặp Ly lần đầu ở vòng sơ khảo Hoa hậu chuyển giới (The Tiffany Vietnam – chương trình tìm kiếm Hoa hậu chuyển giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam) khu vực miền Nam. Ly ăn bận khá đơn giản: áo thun trắng, quần jean đậm màu, đôi hài búp bê…, ngồi khép mình ở hàng ghế chờ suốt trưa nhẩm đi nhẩm lại câu hỏi ứng xử. Mấy năm trước, Ly hay tham gia thi Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng danh tiếng chẳng tới đâu, nên chuyến này Ly quyết dữ lắm.

15h, BTC gọi Ly vào phòng, hỏi qua loa vài câu về bản thân. Câu cuối cùng, Hoa hậu Hương Giang hỏi:

– Lý do em tới cuộc thi là gì?

– Mọi người nói chuyển giới là ước mơ cả đời của pê-đê. Nhưng với em, em chưa từng sống với ước mơ đó. Mọi thứ có ngày hôm nay đều đi lên từ quyết tâm của em. Nên em tới đây chỉ để nhắn nhủ những bạn như em rằng: Thay vì ước mơ, hãy không ngừng quyết tâm và thực hiện giấc mơ của mình bằng sự quyết tâm đó.

“Thiệt ra em muốn được nổi tiếng, được chiếu trên tivi cho xóm giềng thấy, Ngoại em còn nở mày mở mặt thôi anh ạ…” – Ly cười, ngồi sau khán đài phân trần với tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Ly…

Bị chối bỏ

Chuyện đời cô đào chuyển giới từng bị gia đình chối bỏ, người đời khinh khi và ước mong được 1 lần gặp lại mẹ cha

“Lúc ba má thôi nhau, em sống mình ênh với Ngoại. Ngoài tháng tuổi, Ngoại đã bế em đi ghe buôn bán trái cây rồi. Cứ lênh đênh khắp mấy nhánh sông, chợ nổi. Nói là đi buôn, chớ thiệt ra là Ngoại đi tìm má. Mấy năm lận, hổng gặp…”.

Hồi ở ghe Ly mê ca nhất, vì trò đó là cái trò duy nhất Ly làm cho bà Tư vui. Đêm nào, Ly cũng lén lấy vải vụn nhét vô áo làm ngược,  tước lá chuối làm đầu tóc, đóng giả thành vai đào chánh trong mấy tuồng cải lương cho Ngoại coi. Ngoại ôm bụng cười miết. Nhưng bà Tư chỉ nghĩ thằng cháu đùa vui, lấy lòng Ngoại.

Đến tuổi, Ngoại dắt Ly về đất liền sống, cho đi học ở trường làng. Thế mà, Ly bị đánh. Ngày nào tụi con trai cũng xúm lại bắt nạt, nhốt Ly trong lớp, rồi bắt nhặt đồ thừa lên ăn… Vì tụi nó ghét Ly chơi trò con gái, đánh cho chừa cái bệnh PÊ-ĐÊ.

Mấy lần Ngoại nghe, buồn nhiều lắm! Ở quê, tiếng bà Tư có đứa cháu trai không ra trai gái không ra gái đồn xa. “Có bữa dì em tức quá mới bắt Ngoại đuổi em. Ngoại nước mắt ngắn, nước mắt dài phải làm theo. Em còn chỗ nào đi đâu, bèn chui dưới sàn nhà nằm. Lần nào nhìn vô nhà cũng thấy Ngoại khóc, mà hổng còn cách nào cho mình vô nhà”.

Ở quê, tiếng bà Tư có đứa cháu trai không ra trai gái không ra gái đồn xa. Bà buộc lòng phải đuổi cháu ra khỏi nhà.

Hết cách, Ngoại chỉ còn biết nắm tay năn nỉ thằng cháu trai: Ráng cưới vợ sinh con cho dòng họ khỏi khinh. Ly nghe, nuốt nước mắt vào lòng đắng nghét: Con xin lỗi Ngoại. Bởi người cuối cùng còn thương mình, vậy mà bấy lâu Ngoại vẫn chưa hề hiểu Ly.

“Thấy em quyết quá nên Ngoại mới dần dần mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ. Bữa đầu dọn làm con gái, Ngoại hớt hải đi xin đầu tóc giả, quần áo cũ, rồi trang điểm cho em đi chơi với mấy chị lộ nữa. Hàng xóm xỉa xói rằng nhà bà Tư chứa chấp pê-đê. Nhưng Ngoại bỏ ngoài tai hết, miễn sao em vui”.

Vậy mà, cái đêm định mệnh, trên con đường nhỏ trở về nhà, Ly bị 4 người đàn ông trong cơn say ngà đánh đập. “Tụi nó bắt em làm đủ trò, trói chân tay, cởi quần áo, thục vào mặt, rồi còn đòi hãm hiếp. Em càng cầu xin bao nhiêu, tụi nó càng đánh mạnh hơn. Một mình, nửa đêm, chẳng biết kêu ai, em chỉ biết khóc”.

Cái đêm lặng thinh đó, chỉ còn lại tủi nhục hổ thẹn. Lần đầu Ly thấy hận cái phận pê-đê bóng gió, hận người đời dèm pha, hận ba má bỏ đi từ hồi nó chưa dứt sữa,và hận chính nó khiến Ngoại phải đau phải khổ mấy mươi năm. Nửa đêm, Ly rạch tay, nốc thêm ngụm thuốc tự vẫn.

“Máu nhiều lắm! Em cứ nằm dưới sàn nhà mà khóc, nghĩ chuyến này chết chắc rồi. Mà đi thì đi, chỉ lo mỗi Ngoại sau này sống một mình”.

Ly thấy hận cái phận pê-đê bóng gió, hận người đời dèm pha, hận ba má bỏ đi từ hồi nó chưa dứt sữa,và hận chính nó khiến Ngoại phải đau phải khổ mấy mươi năm. Nửa đêm, Ly rạch tay, uống thuốc tự vẫn.

May Ngoại nó phát hiện kịp. Đêm tối, bà đưa thằng cháu vô tận bệnh viện, nhìn bác sĩ đút ống thở, ống súc ruột vào trong cơ thể mà mắt cháu mở trao tráo. Ngoại khóc. “Lúc tỉnh dậy, em giấu luôn chuyện đêm đó. Nhục nhã lắm, mình có gì trong người đâu mà tụi nó vẫn đòi hiếp”.

Thằng Phương của Ngoại trong cái đêm lặng thinh đã chết như thế. Hôm tỉnh dậy, nó bỏ nhà, bỏ Ngoại, bỏ xóm làng,… theo đoàn Lô-tô. Nó đổi nghệ danh Trúc Ly, đêm đêm mặc những bộ áo quần diêm dúa, múa may cho người người xem. Lắm kẻ khen chê, sống lay lắt rày đây mai đó. Nhưng với Ly, một ngày còn được làm chính mình là đủ mãn nguyện.

Được yêu

“Em còn may chán! Hồi chưa chuyển giới mà người ta đã thương em hết lòng rồi. Chuyện kéo dài những 6 năm trời, vui có buồn có, nhưng khổ…”.

Người ta (Ly xin giấu tên) cách nhà Ly mấy căn. Bữa nhậu chung bàn, tự nhiên để ý Ly lúc nào không hay. Rồi lân la chịu khó qua nhà hỏi thăm, chăm chút cho Ly từng chút một để ngỏ ý làm quen. Người ta trân trọng Ly, lắng nghe Ly, hiểu Ly và thương Ly hết mực.

“Cứ nghĩ ở với nhau vậy là đủ. Ké bữa ảnh dắt em về ra mắt, ba má ảnh biết ảnh quen pê-đê mới chửi mắng quá chừng. Ảnh nhất quyết hổng bỏ em, bảo: thà bỏ nhà đi. Thế là hai đứa dắt tay nhau băng đồng về nhà Ngoại sống”.

Ngày tháng hạnh phúc nhất với Ly chỉ bấy nhiêu! Là hôm nào ra đường, xóm giềng dè bĩu: Đàn ông đi quen đàn ông, người ta lại lẳng lặng dắt Ly đi trốn, ngồi im cho Ly tựa đầu khóc. Là sáng sớm anh đi phụ hồ, em đi mò cua, bắt ốc kiếm từng đồng bạc lẻ. Nhưng hai đứa đã mơ về một cái cưới, chỉ đợi khi nào có tiền chụp tấm hình nữa là xong.

“Ảnh nhắc hoài là ráng có đám cưới với Ly, chứ tui ham quá! Nhưng phận em em biết, lấy ảnh thì tội ảnh. Bởi em đâu phải đàn bà thật, có mơ cả đời cũng không có con, gia đình người ta đời nào chấp nhận, hàng xóm đời nào mới hết khinh khi: “đàn bà không lấy, đi lấy pê-đê!”.

Rồi cái đêm lặng thinh, Ly vội vàng nói chia tay, “để giải thoát cho người ta”. Ly bắt xe đi Sài Gòn làm ăn, nước mắt ngắn dài cả đoạn đường. Người ta ở quê cũng điên cuồng tìm Ly, ngày ngày tới nhà năn nỉ Ngoại, nghe ngóng tin Ly từ đầu này sang xóm nọ… Ly đau lòng lắm, nhưng chỉ gặng: anh yêu em thì ráng sống tốt, lấy vợ đẻ con cho ba má vui.

“Mấy tháng sau, ảnh cưới. Nghe đâu cô dâu là do ba má ảnh chọn, đẹp người đẹp nết, gia đình lại khá giả. Lần nào về quê, em cũng đi ngang qua nhà ngóng cái thấy mặt ảnh rồi về. Vậy lại vui rồi, chứ ở với em biết đến bao giờ?”.

Tự tìm lại chính mình

“Em ham cắt tự nhỏ à! Lần nào đi tắm, thấy ‘cái ấy’ em cũng chỉ muốn cầm dao phén cái cho xong. Lên Sài Gòn, em lao đầu vào kiếm tiền. Phần cho nhanh quên người ta, phần còn thực hiện ước mơ cắt cái ấy làm con gái nữa” – Ly cười.

Đất Sài Gòn rộng mênh mông, mấy năm trời Ly sống một mình, bươn chải đủ nghề: phục vụ quán nhậu, dọn cầu, rửa chén, làm hồ, đêm thì đi diễn cho show thời trang tỉnh lẻ,…, chắt chiu mãi mới dư chút đỉnh tiền.

“Có đợt mấy chị em pê-đê tính dắt nhau đi phẫu thuật, em đắn đó dữ lắm! Sáng bắt xe về quê, báo với Ngoại: Chuyến này con đi Thái Lan. Ngoại nghe xong, rầu thúi đất: Làm vú là được rồi, còn đèo bòng này nọ cho mệt”.

Ly đi Thái. 15 ngày. Ở đất lạ, người ta nói tiếng gì Ly không hiểu. Ly chỉ nhớ, ngày đưa lên bàn mổ họ trùm kín mặt, cắt cắt nối nối hơn nửa ngày mới xong. “Được vài bữa thì em nhiễm trùng, bí tiểu. Em cứ nghĩ là chuyến này hổng qua khỏi rồi. Nhưng kệ, ước mơ làm con gái giờ cũng đã toại nguyện rồi nên nhắm mắt chả sao”.

Ly đi Thái. 15 ngày. Ở đất lạ, người ta nói tiếng gì Ly không hiểu. Ly chỉ nhớ, ngày đưa lên bàn mổ họ trùm kín mặt, cắt cắt nối nối hơn nửa ngày mới xong.

Bà Tư ở quê, nghe giọng thằng cháu run run qua điện thoại, nước mắt dài chảy ngược. Bữa tiễn cháu, bà không có tiền đi theo. Giờ nghĩ chuyến này cháu một đi không trở lại, bà hờn trách sao ông trời tàn nhẫn với Ly quá. Mồ côi tự nhỏ, lớn lên bị người ta khinh khi, rồi giờ cả ước mơ làm con gái cũng dang dở… Đêm đêm, bà chắp tay cầu Phật cho Ly về bình an.

Đợt đó, Ly may mắn qua khỏi. Ngày về, thấy cháu trong hình hài con gái, Ngoại rớt nước mắt. Đấy là lần đầu trong hai mươi năm, giọt nước mắt của Ngoại là vì vui, vì hạnh phúc. “Ngoại dẫn em đi khoe khắp xóm, gặp ai cũng hỏi là thấy cháu gái Ngoại đẹp hông? Nó giỏi giang, tự làm từ đồng tiền chân chính của nó”.

Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, Ly chỉ thầm cảm ơn Ngoại đã sinh ra mình thêm lần nữa. Cuộc sống của bà cháu dù chẳng khá khẩm hơn xưa là mấy. Ly vẫn ngày ngày bươn chải đi kiếm sống, nuôi Ngoại. Thế nhưng, đọng đấy trong họ chỉ còn nụ cười mãn nguyện: “Người chuyển giới thì còn gì ngoài chuyển giới!”.

Có đơn giản quá không? – Không. Bởi cái ước mơ một lần được hoá kiếp ấy, “con sâu” như Ly đã đánh đổi những 27 năm, bằng bao lần ngập chìm trong bóng tối, bị người đời khinh khi, đánh đập, thậm chí đối diện cái chết. Nhưng với Ly, tất cả đều đáng giá. Cái giá phải trả cho cuộc hành trình đằng đẵng mang tên: Pê-đê đi tìm mình.

“Con đang dự thi Hoa hậu chuyển giới. Cuộc thi bự lắm Ngoại!”.

“Thôi… thôi… Mày đừng có đèo bòng???” – Ngoại nhắc.

“Hổng có đâu, lần này con thi bự thiệt. Người ta còn quay lên tivi, cho ăn mặc đẹp lắm! Mai mốt con nổi tiếng, có chút đỉnh tiền rồi, Ngoại với con đi tìm thử ba còn sống hay đã chết nghen”.

Ngoại với tay lấy chiếc lược, ngồi tỉ mẩn chải lại mớ tóc mây, vừa nghe cô cháu kể về những giấc mơ. Chợt bao nỗi nhớ về ngày xưa, những nhánh sông, và chiếc ghe năm nào Ngoại nuôi thằng cháu hiện về. Rõ mồn một…

Những người thuộc cộng đồng LGBT luôn chịu những thiệt thòi từ sự kỳ thị của xã hội. Thế nhưng, vượt lên trên mặc cảm, họ ngày càng chứng minh được vị trí và vai trò của mình. Rằng ở bất kỳ đầu, trong bất kỳ hình hài nào, bạn cũng có quyền tự hào về chính bản thân mình.

The Tiffany’s Vietnam (Chinh Phục Hoàn Hảo) là chương trình tìm kiếm Hoa hậu chuyển giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Chương trình sẽ phát sóng số đầu tiên vào tháng 12, trên kênh youtube Viva Network, mong mọi người đón xem.

Theo saostar


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: