Những ngày giáp tết, người tâm thần cũng nôn nao. Họ canh từng bữa, mong thân nhân đến rước. Những người ở lại cũng buồn lắm, cứ năn nỉ xin về… Hơn 4000 mái tóc được bạn trẻ Sài Gòn hiến tặng cho các bệnh nhân ung thư vú Người mẹ nghèo suốt 17 năm đạp xe chở con gái bệnh tật mưu sinh khắp Sài Gòn Một người mẹ (đội nón lá) muốn rước con về ăn tết, nhưng bà chưa yên tâm về bệnh trạng của conẢNH: NHƯ LỊCH “Trị ơi! Có cha lên đón về kìa!”. Đang đan giỏ trong xưởng nghề Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An), trại viên N.V.Trị (ngụ TP.Tân An, Long An) phấn khởi chạy đi thu gom đồ đạc cá nhân. Bạn bè Trị, người hân hoan vui “ké” với anh, kẻ xuýt xoa ghen tị khi Trị nằm trong số ít ca đầu tiên được đón về nhà. “Má về trước nha. Nhớ đi trong lề đường nha má !” Ông Th., 71 tuổi, cha của Trị cho biết anh phát bệnh cách đây hơn chục năm, khi đang học năm cuối Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. “Hồi đó chủ nhà trọ phát hiện và kể với gia đình tôi, 12 giờ trưa, nó ra gốc cây ngủ. Chủ nhà kêu vào ăn cơm, nó nói đang ăn giỗ… Bao nhiêu năm trời, chúng tôi đưa nó đi chữa chạy khắp nơi nhưng không khỏi. Bác sĩ bảo nó bị tâm thần phân liệt”, ông Th. chia sẻ. Theo ông Th., dạo này sức khỏe Trị tiến triển khá tốt nên ông đến đón sớm. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại con mình về nhà không chịu uống thuốc, khiến bệnh trở nặng. Ông kể: “Đợt trước nó về nhà, hễ uống thuốc đều đặn là tỉnh queo. Nhưng được một thời gian nó bỏ thuốc, bỏ ăn, thức trắng đêm dáo dác như tìm kiếm cái gì đó, rồi nói nhảm…, tôi phải đưa vào đây”. Một trại viên được bà nội đến đón về quê ăn tết Bên cạnh những cuộc đoàn viên khá suôn sẻ, cũng có phụ huynh đành lủi thủi ra về khi họ nhận thấy bệnh trạng con mình chưa thuyên giảm như mong muốn. Đó là trường hợp của trại viên Mãi (H.Cần Đước, Long An). Mãi gần 40 tuổi, nhưng gương mặt chị khá trẻ, mái tóc dài cột hai bên nhí nhảnh. Mẹ của Mãi trên đường bán vé số, tranh thủ vào trung tâm xin rước con về. Ban đầu, hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nhưng càng lúc chị càng có vẻ căng thẳng, càm ràm lan man từ những chuyện trong quá khứ cho đến hiện tại. Người mẹ than thở: “Ngày trước Mãi đẹp lắm. Nó quá thương một người đàn ông lớn tuổi, có con với người đó nhưng bị phụ bạc. Thất tình, nó hóa điên từ năm 27 tuổi cho tới nay”. Nghe mẹ nói vậy, Mãi kể tràng giang đại hải về chuyện tình ngày xưa của mình. Chị tự nhận mình giống mẹ và dì, nên rất đẹp. Còn cha và mấy đứa em gái thì “xấu hoắc và xấu tính”… Bà mẹ tần ngần: “Tui muốn đưa nó về nhà nhưng nó nói quá nhiều như vậy, sao dám đưa về”. Thấy mẹ quày quả bước đi, Mãi nói với theo: “Kỳ này mẹ không rước con, tới tết con nhờ công an đưa về cũng được”. Rồi chị bất ngờ òa khóc: “Má về trước nha. Nhớ đi trong lề đường nha má!”. Bữa ăn tập thể tại khu trại Trong khi đó vừa gặp tôi, B.T.D (xã Hưng Điền B, H.Tân Hưng, Long An) tay bắt mặt mừng: “Còn mấy ngày nữa là tới tết vậy cô?”. Khi được hỏi vì sao mong tết như vậy, chị D. hồn nhiên: “Tết được uống nước ngọt đã đời luôn. Hôm trước có một xe chở đầy nhóc nước ngọt chạy vô đây”. Chị D. kể chuyện đời mình, lúc chặt chẽ, lúc đứt đoạn: “Em vào trung tâm từ lúc 25 tuổi, giờ 34 tuổi, coi như đã ở gần chục năm rồi. Nhà em ở chợ giàu lắm, nhưng chưa có năm nào em được rước về quê ăn tết. Hồi trước ở nhà, ông anh rể đánh em tím chân luôn, vì em đi coi phim cả đêm với mấy thằng con trai. Em có thai mấy lần nhưng nhà đưa đi phá thai, sau đưa em vô đây luôn…”. 9 năm xa quê, xa cuộc đời trần thế, hương vị tết như còn phảng phất trong miền ký ức mênh mang của B.T.D. Chị nói tết ở đây cũng vui nhưng ở nhà vui hơn vì có mẹ, có anh chị em đông đủ. Chị còn khoe tết ở nhà, chị được ăn thịt gà cúng và chả lụa, cùng với biết bao loại trái cây miệt vườn như dưa hấu, quýt, bưởi, vú sữa, chôm chôm… Nếu không nhìn bộ đồng phục màu xanh “đặc trưng” trên người chị D., có lẽ tôi khó tin rằng mình đang trò chuyện với một bệnh nhân tâm thần! Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Giám đốc trung tâm, cho biết đối tượng tâm thần hằng năm ở lại trung tâm ăn tết chiếm khoảng 70% (trên dưới 250 người). Những người này thuộc diện lang thang, không người thân thích, đang bệnh nặng, gia đình không có điều kiện chăm sóc… Trung tâm thường tổ chức văn nghệ vào ngày 22 tháng chạp và họp mặt chúc tết, lì xì cho các cụ già, một số người tâm thần vào chiều 30 tết. Theo ông Dũng, khẩu phần tết của tất cả đối tượng ở lại trung tâm dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/người/ngày (cao gấp 3 – 4 lần so với ngày thường). Đó là nhờ tiêu chuẩn tết theo quy định tăng lên và sự hỗ trợ của khách từ thiện. Về nhà ăn tết bệnh dễ nặng hơn Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Y tế – chăm sóc – phục hồi sức khỏe thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An, những người tâm thần ở lại tuy có buồn rầu nhưng nhìn chung sức khỏe của họ sẽ ổn định hơn so với những người về quê. Ông thẳng thắn nhận xét: “Chính sách nhân đạo là tạo điều kiện cho người tâm thần sum họp gia đình, nên chúng tôi phải tuân thủ. Có điều, khi trở vô đây phần lớn họ bệnh nặng hơn vì về nhà họ không uống thuốc và được tự do hút thuốc lá, uống cà phê, rượu bia”. Trên thực tế đã có một số trường hợp trại viên tâm thần khi xin về trông rất hiền hòa, phấn khởi, nhưng khi vào lại thường có công an đi theo hoặc mấy người khiêng trói. Một vài trại viên vừa được rước về mấy tiếng đồng hồ đã thấy đưa lên lại do quậy phá, thậm chí đòi đốt nhà hàng xóm… “Chúng tôi luôn căn dặn khi trại viên về nhà, người thân phải cho họ uống thuốc đều đặn, đúng giờ. Khi thấy triệu chứng bất thường như hút thuốc nhiều, không ngủ, không uống thuốc… phải đưa lên trung tâm ngay. Tuy nhiên, nhiều người dân không đưa con em mình lên kịp thời, buộc lòng chúng tôi phải tăng liều thuốc điều trị và đưa trại viên trở về nếp sinh hoạt ở đây. Thông thường, họ ổn định trở lại sau một tuần, nhưng một số ít bệnh trở nặng hơn”, bác sĩ Phương khuyến cáo. Cái tết ám ảnh Bà Nguyễn Thị Vô Tư, nhân viên trung tâm, cho biết đầu năm 2017, trại viên tâm thần P.T.H (36 tuổi, H.Cần Giuộc, Long An) được gia đình đón về ăn tết. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, người thân của H. đã vội vã đưa chị vào lại trung tâm. H kể với bà Tư rằng có thanh niên “dụ” H. đi ăn chè, xong chở chị đến một cái nhà hoang. Ở đó, H. bị 5 – 6 thanh niên thay nhau hãm hiếp suốt đêm… Theo bà Tư, chuyện cũ kinh hoàng có lẽ vẫn còn ám ảnh H. nên năm nay không nghe chị đòi về quê nữa. Theo TNO