TP.HCM: Nhiều kết quả tích cực sau một tuần “bình thường mới”


Theo báo cáo, đã có khoảng 9.200 doanh nghiệp tại TP.HCM hoạt động trở lại kể từ đầu tháng 10; đến ngày 6/10, hơn một nửa trong số 288.000 lao động tại thành phố quay đã quay trở lại làm việc.

TP.HCM: Nhieu ket qua tich cuc sau mot tuan Đường phố đông đúc trở lại khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/10/2021. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Đến nay, đa số người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cở sở sản xuất, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều việc làm; công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều hiệu quả tích cực.

Đây là đánh giá của ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/10.

19 quận, huyện đề nghị công bố đã kiểm soát dịch

Theo ông Phạm Đức Hải, từ ngày 1/10 đến 3/10, có 5.279 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại; con số này tăng lên 9.200 doanh nghiệp vào ngày 6/10.

Trước ngày 1/10, các khu chế xuất, khu công nghiệp có 288.000 lao động, tuy nhiên chỉ có khoảng 70.000 lao động làm việc (chiếm 24,3%), số doanh nghiệp hoạt động là 746/1.412 doanh nghiệp (chiếm 52,8%).

Đến ngày 4/10, sau 3 ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 18, đã có 135.000/288.000 (chiếm 46% số lao động) hoạt động; số doanh nghiệp hoạt động tăng lên 844 đơn vị.

Đến ngày 6/10 đã có 164.000/288.000 lao động quay trở lại làm việc, đạt 56,8%. Số doanh nghiệp hoạt động lại được nâng lên 972. Ở khu công nghệ cao, trước 1/10 có 50.000 công nhân, đến nay đã có 27.300 công nhân làm việc (54,6%) với 88 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ông Phạm Đức Hải cho rằng, các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh và khu công nghiệp sẽ tiếp tục thu hút nhiều lao động sau khi thành phố nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, số lao động ở khu chế xuất mới đạt 56,8%, còn số lao động ở khu công nghệ cao chỉ khoảng 54,6% – sự thiếu hụt nhân lực là bài toán rất lớn với thành phố.

Theo ông Phạm Đức Hải, tính đến ngày 6/10, thành phố đã có 19 quận, huyện và thành phố Thủ Đức được đề nghị công nhận đã kiểm soát dịch. Riêng quận Bình Tân và quận Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch.

Trước đó, ngày 4/10, thành phố đã ghi nhận có 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch theo Quyết định 3979/QĐ-BYT, đến nay có thêm 3 đơn vị nữa là Quận 4, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn.

Liên quan đến các gói hỗ trợ cho người dân, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến nay, Thành phố đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người.

Trong đó, 3 quận có tỷ lệ chi trả cao nhất, đạt trên 90% là Phú Nhuận, quận 5 và quận 1. Với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ vượt trên 50% và hoàn thành nhiệm vụ chi trả.

Lên phương án đi lại với 4 tỉnh giáp ranh

Về phương án đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 4 tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An, việc này vẫn còn phụ thuộc vào tình hình phòng, chống dịch của các tỉnh.

Đến nay, thành phố đã nhận được góp ý của các tỉnh và hoàn chỉnh phương án. Tuy nhiên, yêu cầu của các tỉnh khác nhau về cách ly y tế, tiêm vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm nên không thể thống nhất phương án đi lại chung giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 4 tỉnh nêu trên. Do đó, Sở đang hoàn thiện phương án đi lại theo hướng xây dựng phương án đi lại giữa thành phố với từng tỉnh, cố gắng trong ngày mai (8/10) ban hành để người lao động và các đối tượng khác đi lại thuận tiện.

[Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mở lối đi ‘bình thường mới’]

Về vấn đề người lao động chưa tiêm vaccine trở về Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Hoà An cho biết, theo Công văn 3252 ngày 1/10 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có nêu rõ phương án vận chuyển người lao động từ các địa phương đến Thành phố làm việc.

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, người dân cần tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh. Do vậy, người lao động muốn quay lại phải đảm bảo điều kiện trên. Nếu làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, gửi phương án đi lại đến các đầu mối, tổng hợp gửi danh sách đến Sở để đi lại bằng xe đưa đón tập trung.

Về việc giải quyết cấp giấy thông hành cho người dân từ các tỉnh trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Bùi Hoà An, từ ngày 2/10 đến nay đã nhận hơn 9.000 hồ sơ, trong đó đã giải quyết được 1/3 số lượng nhận.

Duy trì tối thiểu 900 giường ICU trong trạng thái bình thường mới

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 2/10 đến nay, số ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục dưới 3 con số (trừ ngày 4/10). Trong đó, ngày 2/10 là 79 ca; ngày 3/10 là 93 ca, ngày 5/10 là 88 ca và ngày 6/10 là 92 ca.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc chỉ định sử dụng máy thở và thiết bị hỗ trợ hồi sức tích cực, trong đó có ECMO là kỹ thuật khó. Đây là biện pháp hỗ trợ oxy hóa màng ngoài cơ thể sau cùng khi nhân viên y tế đã sử dụng tất cả biện pháp hồi sức cấp cứu không thành công.

TP.HCM: Nhieu ket qua tich cuc sau mot tuan Nhân viên siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung hàng hóa lên kệ phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp. (Ảnh: TTXVN)

“Trường hợp không có bệnh nhân phải thở ECMO do đã cai được ECMO hoặc cũng có thể bệnh nhân đã tử vong do không thể cứu chữa. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện chung, số ca tử vong tại thành phố giảm, nhiều khả năng bệnh nhân đang điều trị ECMO đã chuyển nhẹ và được chuyển về tầng thấp hơn để điều trị,” bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Về việc chuẩn bị tình huống cho lực lượng chi viện rút quân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Thành phố đã chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động khi giãn dịch. Theo đó, hàng ngày, Sở tổ chức giao ban với các tầng điều trị để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện và từng người tham gia.

Trong quá trình giao ban, các bên học tập lẫn nhau và có nhận thức cũng như tập huấn về việc chuyển tuyến giữa 3 tầng điều trị. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị thứ 2 là tập huấn và đào tạo. Toàn bộ nhân viên của ngành Y tế khi tham gia điều trị COVID-19 đều được các bệnh viện tập huấn, đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận công việc khi các đội ngũ chi viện rút đi.

Song song đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành đang tham mưu cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tái cấu trúc ngành Y tế. Các bệnh viện cấp Thành phố cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình.

“Ngành Y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống để đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở oxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế,” bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Tính đến 18 giờ ngày 6/10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh có 403.997 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 403.501 ca mắc trong cộng đồng, 496 ca nhập cảnh. Hiện, thành phố đang điều trị 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ em dưới 16 tuổi, 631 bệnh nhân nặng đang thở máy./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Theo: vietnamplus.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: