Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ, những đứa trẻ ở xóm ngụ cư sống như những “cư dân hạng hai” với “ba không”: không hộ khẩu, không được đến trường, không tương lai… chỉ quanh quẩn trong những căn nhà tồi tàn, lụp xụp. “Xóm ngụ cư” nằm khuất sau KCN PouYuen đã tồn tại hàng chục năm nay. Người dân ở xóm nhỏ này hầu hết là những phận người nghèo khổ trôi dạt từ miền Tây lên làm thuê kiếm sống. Sống trên mảnh đất đang chờ giải tỏa, không hộ khẩu, không đăng ký lưu trú nên việc đi học đối với những đứa trẻ nơi đây là ước mơ xa vời. “Xóm ngụ cư” với hơn gần 10 hộ gia đình sinh sống nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Nơi đây tồn tàn, ẩm thấp, hoang vắng nên nhiều người chẳng dám đi vào ban đêm. Nơi đây có hơn chục ngôi nhà “ổ chuột” tạm bợ là nơi cư trú của hàng chục người lao động ngoại tỉnh từ miền Tây lên Sài Gòn sinh sống. Theo chia sẻ của người dân ở đây, xóm ngụ cư đã tồn tại hàng chục năm nay. Vào khoảng những năm 1999 – 2000, những người làm nghề cắt lúa mướn ở các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang… đã trôi dạt lên đây làm nghề hái sen mướn. Khi đó, họ dựng lên mấy cái chòi nhỏ ở sát các ao sen cho tiện việc trông coi sen. Sau này số người lên đây sinh sống càng nhiều, hàng chục mái nhà tạm bợ mọc lên nên người ta quen gọi đây là “xóm ngụ cư”. Những ngôi nhà tạm bợ được dựng bằng tre nứa do người dân nhặt ngoài đường về rồi cùng nhau góp sức dựng thành nhà. Ban đầu, họ dựng nhà lá để sinh sống. Tuy nhiên sau này nhà lá không chịu được mưa bão nên họ mua lại tôn của những người thu mua ve chai về dựng nhà. Trong “xóm ngụ cư” có gần 20 người lớn và 10 đứa trẻ em sinh sống. Công việc của họ là trồng sen thuê, hái sen, nuôi bò, một số người làm thuê ở các khu công nghiệp gần đó. 10 đứa trẻ được sinh ra ở xóm ngụ cư này, chúng lớn lên trong cuộc sống vô cùng khó khăn và nguy cơ đối diện với nhiều bệnh tật do điều kiện sống không đảm bảo. Tất cả chúng đều đang ở độ tuổi đi học. Tuy nhiên, có rất nhiều em không được đến trường vì bố mẹ chúng không có hộ khẩu và đăng ký lưu trú ở địa phương. Anh Nguyễn Văn Thiện (33 tuổi, quê An Giang) chia sẻ: “Năm nay cháu nhà tôi đã 8 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học. Tôi cũng đã dẫn cháu đi đến nhiều nơi đăng ký nhưng do không có giấy tờ nên chẳng trường nào chịu nhận. Chắc sắp tới vợ chồng tôi phải dẫn cháu về quê để cháu vào lớp 1”. Trong ảnh là em bé con của anh Thiện. Trong xóm này có rất đông người là anh em ruột trong một gia đình cùng nhau lên đây sinh sống. Anh Huỳnh Hữu Khánh (33 tuổi, quê Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Lúc trước tôi làm nghề cắt lúa mướn ở quê, cuộc sống rất khó khăn. Sau đó, nghe mấy anh em trong nhà rủ lên làm ăn, tôi cũng bỏ xứ lên đây sinh sống. Mới đây mà cũng đã 15 năm rồi. Gia đình tối có 5 anh em đều lên trên đây cả. Hằng ngày, chúng tôi làm nghề trông coi và hái sen mướn, còn vợ tôi thì đi bán đồ ăn dạo”. Cuộc sống ở xóm ngụ cư vô cùng thiếu thốn và vất vả. Vào những năm trước, người dân ở đây phải dùng nguồn nước ô nhiễm ở dưới các hồ sen để làm nước sinh hoạt. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, chủ một bãi xe ở gần đó thương tình cho những người dân hứng nước về để phục vụ sinh hoạt. Gia đình chị Huỳnh Thị Kim Hằng (37 tuổi) đã sống ở đây 14 năm. Chị chia sẻ: “Khi cưới chồng, cuộc sống ở quê trở nên rất khó khăn, tôi và chồng dắt díu nhau lên đây lập nghiệp. Con gái tôi cũng được chào đời ở đây, thấy vậy mà đã 7 năm rồi”. Bé Na năm nay đã 7 tuổi nhưng em chưa hề biết đến con chữ. Bé nói: “Năm nay cháu 7 tuổi rồi mà cháu vẫn chưa được đi học. Hôm trước có chú kia cho cháu một cái cặp mới nhưng đến nay cháu vẫn chưa được mang đi học…”. Trong “xóm ngụ cư” người ta kể nhiều đến hoàn cảnh gia đình cô bé Nguyễn Hồng Thanh, cô bé hái sen lấy tiền nuôi cha bệnh tật. Nhà bé Thanh nằm khuất sâu trong dãy lau cao rậm rạp. Nhà em không có điện, mọi sinh hoạt tắm giặt đều dựa vào nước mưa hứng được trong cái ao đất tự đào trước nhà. Những đứa trẻ ở “xóm ngụ cư” lớn lên trong sự khổ cực, không có tương lai. Rác thải, nước thải quây kín xung quanh nhà. Rồi đây cuộc sống của những đứa trẻ ở “xóm ngụ cư” sẽ ra sao khi ước mơ đến trường vẫn còn dang dở. Bé Thanh, bé Na, cu Ti và nhiều bé khác ở đây đều khao khát được đi học. Những đứa trẻ thường xuyên phải ở nhà một mình vì bố mẹ đều bận đi làm thuê kiếm tiền. Nhiều ngôi nhà ở đây nhìn qua tưởng chừng là nhà bỏ hoang nhưng nó lại là nơi sinh sống nhiều năm liền của các gia đình. Những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa. Bé Thanh (11 tuổi) sống cùng người cha bị bệnh phổi và mất khả năng lao động. Hằng ngày Thanh lội đầm hái sen bán kiếm tiền chạy từng bữa cơm cho gia đình. Ánh mắt hồn nhiên và ước mơ đến trường của những đứa trẻ ở “xóm ngụ cư ba không” vẫn còn quá xa vời. Nguồn: Theo Trần Hằng / Trí Thức Trẻ