Cô gái gốc Việt đi tìm mẹ sau 25 năm bị bỏ trên cầu Sài Gòn


Người ta tìm thấy bé Hiền nhỏ xíu, không manh áo trên cầu Sài Gòn 25 năm trước, mở đầu hành trình lưu lạc của cô bé sang Pháp. 

Cô gái 21 tuổi sửa xe máy ở vỉa hè Sài Gòn để phụ ba mẹ nuôi các em ăn học

Người con gốc Việt đoàn tụ với cha Mỹ ‘đã chết’ sau hơn 50 năm

Hiền Munier là cô gái gốc Việt, quốc tịch Pháp, tên khai sinh là Dương Ngọc Hiền. Sau 16 năm được gia đình người Pháp nhận nuôi, cô trở về TP HCM dạy tiếng, đi làm thiện nguyện và học lại tiếng Việt để tìm ba mẹ ruột.

Chiều ngày 18/11/1993, cô bé Hiền lúc đó khoảng 6 tháng tuổi, bị bỏ trên cầu Sài Gòn, không quần áo, giấy tờ, và bị suy dinh dưỡng nặng. Người phụ nữ tên Trương Thị Minh Hiền, ở Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM phát hiện, trình báo chính quyền rồi đưa đến Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp. “Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi như vậy”, cô gái có làn da nâu, dáng người nhỏ nhắn, kể lại chuyện của mình mà giọng như lạc đi.

Hiện Hiền sống tại TP HCM, ngoài giờ lên lớp, cố đến chăm sóc các bé cùng hoàn cảnh với mình và mong muốn giúp các em có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: NVCC.

Các bảo mẫu ở trung tâm ước tính em sinh vào ngày 22/5/1993 nên làm giấy khai sinh theo ngày này và lấy tên người phụ nữ mang em đến để đặt tên cho Hiền. Em sống ở mái ấm đến năm 8 tuổi thì được một gia đình người Pháp nhận nuôi.

“Hôm ba mẹ nuôi đến, tôi được mặc một bộ đồ đẹp. Cô bảo mẫu nói tôi sẽ được sống trong một môi trường tốt, ở một đất nước khác. Tôi nghe chẳng hiểu gì cả”, Hiền nhớ lại.

Hiền cùng ba mẹ nuôi đến Pháp đúng vào dịp Giáng sinh: “Lần đầu tiên nhìn ông già Noel, tôi chui xuống gầm bàn trốn, cả nhà ai nhìn thấy cũng cười, còn tôi thì co mình lại vì sợ”.

Những ngày sau đó cô bé cảm thấy lạc lõng, cô đơn, nhớ các bạn ở mái ấm, dù được ba mẹ nuôi yêu thương, dỗ dành. “Mọi thứ với tôi đều xa lạ. Tôi chẳng hiểu mọi người xung quanh nói gì. Ra đường, nhìn các bạn được bố mẹ bồng bế, tôi  nhìn theo và thèm khát. Nghĩ đến bố mẹ ruột, tôi thấy cuộc đời sao tồi tệ, trách họ sao lại bỏ con”, cô gái thạo hai ngôn ngữ Anh, Pháp kể.

Mất hơn một năm Hiền mới bắt nhịp với cuộc sống mới. Cô bắt đầu học tiếng Pháp, đi học, làm quen với các bạn mới. Lúc đầu, rất khó khăn, nhưng mẹ nuôi lúc nào cũng bên cạnh bảo vệ cô.

Hiền lúc vào Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp khi mới mấy tháng tuổi. Ảnh: NVCC.

16 tuổi, Hiền bắt đầu tò mò về cội nguồn của mình. Mẹ nuôi nói khi trưởng thành cô sẽ hiểu hết mọi chuyện. Vậy là cô bé đến trung tâm xin xem lại hồ sơ về mình, nhưng các thông tin thật ít ỏi.

Những năm sau đó, Hiền được ba mẹ nuôi cho về nước du lịch, đi làm từ thiện, thăm lại mái ấm, gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, từ đó cô hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống. “Có thể vì nghèo, vì đông con, vì bị bệnh… mà ba mẹ ruột đã bỏ tôi. Còn tôi là cô gái may mắn khi được ba mẹ nuôi yêu thương, nuôi cho ăn học”, Hiền nói.

Được ba mẹ nuôi chấp nhận, tháng 3/2018, Hiền đến Sài Gòn ở hẳn. Ngoài giờ lên lớp, cô dành thời gian đến mái ấm nơi mình được nuôi dưỡng xưa kia giúp các xơ đút sữa, tắm rửa, trò chuyện, ru các em nhỏ. Cô cũng tham gia các chuyến đi thiện nguyện, gặp gỡ các hoàn cảnh khó khăn tìm cách giúp họ.

“Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm, giúp tôi hiểu cuộc sống ở đất nước mình sinh ra. Nếu như trước đây, nhắc đến chuyện bị mẹ bỏ tôi rất giận. Giờ thì khác, chuyện mẹ bỏ con mới sinh là rất buồn, nhưng tôi không ghét bà”, Hiền nói và hy vọng ở đâu đó mẹ cũng đang ngóng tin đứa con gái là cô.

Hiền cho biết, mẹ nuôi cô đã sáng lập quỹ Un Projet pour Tous để hỗ trợ các trẻ em khuyết tật tại mái ấm Gò Vấp, cô sẽ đồng hành cùng mẹ. Ảnh: Phan Thân.

Hơn 5 năm qua, cô tích cực học tiếng Việt, đăng ký thông tin của mình trên các diễn đàn, gửi hồ sơ cho các tổ chức nhờ tìm giúp nhưng vẫn chưa biết mẹ đang ở đâu. Manh mối duy nhất là chỗ ở của người phụ nữ đưa cô vào mái ấm năm nào, song bà không còn ở đó.

“Tôi muốn tìm lại mẹ để ôm bà vào lòng, nhìn xem hai mẹ con có nét nào giống nhau và nói cảm ơn đã sinh ra tôi. Nếu mẹ là người xấu, tôi sẽ hiểu lý do tại sao và hoàn toàn thông cảm cho bà”, Hiền nói.

Ông Michael Sơn Phạm, nhà sáng lập tổ chức Trẻ Em Không Biên Giới cho biết, ông từng tiếp nhận rất nhiều hồ sơ của các bé bị bỏ rơi, giờ muốn tìm lại mẹ, tuy nhiên, trường hợp của Hiền Munier là mong manh, vì không có thông tin nào về bố mẹ. “Chúng tôi đặt ra hai khả năng, Hiền bị bắt cóc hoặc bị bỏ rơi. Hồ sơ của cô ấy chỉ có bản tường trình của người phụ nữ nhặt được trên cầu rồi đưa đến trung tâm. Chúng tôi hi vọng tìm ra bà ấy để hỏi thêm các thông tin, nhưng không biết giờ bà ấy đang ở đâu”, ông Sơn nói.

Theo số liệu thống kê của Cục con nuôi Bộ tư pháp, từ năm 2011-2017 có hơn 2.800 trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi, với 176.000 trẻ bị bỏ rơi và trẻ mồ côi. Tình trạng trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa đang có xu hướng tăng. Số trẻ em được nhận làm con nuôi tăng 400%. Nhiều trẻ trưởng thành, có công việc ổn định, mong muốn tìm về cội nguồn.

Theo vnexpress


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: