Chả lụi La Gi


“Lụi” được hiểu đơn giản là xiên những que tre nhỏ, nhọn qua những miếng chả rồi đem nướng trên bếp than.

Ở xứ biển, nơi mà thực đơn hải sản dường như rải đều cả năm thì những miếng chả lụi, nướng đều trên lửa than hoa, với đủ thứ rau, chấm nước mắm ngon được xem như một trong những món xen kẽ thú vị.

Chả lụi La Gi-1

Ngoài chả nướng, tùy nơi mà mâm chả lụi sẽ có thêm trứng gà luộc, nem chua, chả chiên…

“Lụi” được hiểu đơn giản là xiên những que tre nhỏ, nhọn qua những miếng chả rồi đem nướng trên bếp than. Bánh tráng, tôm, thịt ba rọi là những nguyên liệu chính yếu để làm thành những xiên lụi nhỏ xinh.

Để phần nhân bánh được đậm vị, tôm biển tươi, thịt ba rọi sau khi được xay vừa, ướp gia vị sẽ được giữ lạnh, sau đó trút vào cối lớn quết thêm lần nữa cho quyện vào nhau thật mịn trước khi cuốn lớp bánh tráng mỏng.

Bánh tráng mỏng để cuốn chả lụi là loại bánh tráng gạo địa phương, khá mềm dẻo. Sau khi tỉ mẩn gói từng cuốn chả nho nhỏ, người bán sẽ xiên chúng qua chiếc que nhọn. Trước khi nướng, để tăng thêm hương vị cho món ăn, họ thường quết sơ qua một lớp dầu hoặc chiên sơ qua dầu một lượt.

Chả lụi La Gi-2

Khi ăn, dùng đũa tuốt chả ra khỏi xiên, cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm đậu phộng

Lửa nướng chả không quá lớn để đảm bảo những cuốn chả được nướng chín đều từ trong ra ngoài, vừa giữ vị ngọt ngon của tôm thịt vừa để phần nhân có đủ thời gian túa đều lớp mỡ trong thịt ba chỉ ra khắp cuốn chả.

Ngoài những cuốn chả nướng, nước chấm là thứ không thể thiếu. Chả lụi có nước chấm ăn kèm tương tự như nước mắm ăn bánh xèo Phan Thiết. Tùy từng nơi có kiểu pha chế nước chấm riêng, nhưng thường gồm những nguyên liệu cơ bản như ớt sừng, tỏi, đường, đậu phộng rang và nước mắm ngon.

Nhiều hàng quán còn thêm chút cà chua, me vắt để nước chấm có vị cay, chua, mặn, ngọt, lẫn béo của đậu phộng rang. Nước chấm sánh, dẻo cũng là một ưu thế, khi chấm rất dễ bắt vị với những cuốn chả thơm lựng.

Để món chả lụi nướng trọn vị không thể thiếu đĩa rau to với nhiều loại rau: húng quế, húng thơm, xà lách, rau xá xị, vạn thọ… Ngoài rau, chả lụi còn được ăn kèm xoài xanh, khế, dưa leo thái mỏng và cả ớt xanh.

Nếu bạn đã từng nếm thử chắc chắn sẽ nhận ra những thành phần này không chỉ góp hương, góp sắc mà còn giúp cân bằng vị, làm cho món ăn thêm ngon mà không ngấy. Bên cạnh những thành phần trên, nhiều nơi còn đa dạng thực đơn bằng việc kết hợp thêm nem chua, chả chiên Huế…

Chả lụi La Gi-3

Trước khi nướng, người bán thường quết sơ qua một lớp dầu vừa nóng hoặc chiên sơ qua dầu một lượt

Sau khi mâm chả lụi với những xiên chả nướng, chả chiên, rau sống, nước chấm, bánh tráng mỏng được bày ra, bạn chỉ việc đặt miếng bánh tráng mỏng vuông vức lên tay, cho lên đó vài món rau sống yêu thích, lát dưa leo, khế, xoài và sau cùng là cuốn chả nhỏ kẹp giữa, cuộn tròn rồi chấm ngập nước chấm và thưởng thức.

Cũng như hầu hết các món nướng khác, chả lụi ngon nhất là khi được ăn tại lò. Chính vì thế mà muốn ăn ngon, người ăn thường kiên nhẫn đợi từ 5-10 phút để từng mẻ chả mới được nướng chín, nóng hổi phục vụ tận bàn.

Ngoài La Gi, để thưởng thức chả lụi, bạn có thể ghé đến quán đối diện trường Phan Bội Châu hay quán dọc đường Thủ Khoa Huân (Phan Thiết). Còn ở Sài Gòn, món này có bán tại quán chả lụi nướng La Gi (15 Đồng Đen, Q.Tân Bình), Chị Em (số 2 đường số 6, Q.7), Nhà thờ Hầm (5A chung cư 162 Nguyễn Thị Nhỏ, Q.11)… Giá một phần chả từ 20.000-45.000đ.

Nguồn: Huy Chương


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: