Vì hoàn cảnh cuộc sống đưa đẩy, những đứa trẻ phải đi theo mẹ mưu sinh khắp phố phường Sài Gòn. Cuộc sống với các bé dù vất vả, cơ cực nhưng ánh mắt vẫn luôn đong đầy nét hồn nhiên của trẻ thơ. Giữa nhịp sống ồn ào, náo nhiệt ở Sài Gòn, trong khi nhiều đứa trẻ được cha mẹ chăm lo đủ đầy từ miếng ăn, giấc ngủ, được học hành hay thoả thích vui chơi, vẫn còn nhiều lắm những mảnh đời cơ cực, nghèo khổ, phải nay đây mai đó mưu sinh cùng cha mẹ. Những mái đầu bé nhỏ, những đôi chân lũn cũn bé xíu phải theo mẹ cha, ông bà đi mưu sinh ngoài đường phố. Có những bé chỉ vài tháng tuổi đã phải theo cha mẹ đi bán hàng rong, vé số, ăn ngủ nơi quán xá, công viên, vỉa hè… Cái đói nghèo khiến chị Phạm Thị Ngọc Thủy (38 tuổi) phải cho ba cậu con trai học hành không đến nơi đến chốn để theo mẹ đi thu gom rác. Người dân ở khu vực phường 14 (Q.Bình Thạnh) đã quen thuộc với hình ảnh bà mẹ chở các con trên chiếc xe kéo đầy rác này. Hơn 10 năm chị Thủy làm nghề này, những đứa con của chị thì cũng đã theo mẹ được 2 năm nay. Đứa lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 7 tuổi. Tài sản quý giá nhất để mưu sinh của 4 mẹ con là thùng rác và chiếc xe Dream cũ nát, không đảm bảo độ an toàn. Cả xe và thùng đều do chủ của một cơ sở vệ sinh tư nhân giao cho. Mấy mẹ con thường làm việc vào buổi sáng. Xe rác dừng lại ở các dãy phòng trọ, khu chung cư… thì không ai bảo ai, mọi người tự chia ra các hướng để nhặt rác chất lên thùng. Chị Thủy cho biết: “Nghề này nhiều độc hại, có khi không cẩn thận thì trúng kim tiêm”. Điều chị áy náy nhất là để các con còn nhỏ đã phải theo mẹ đi làm. Những đứa trẻ dường như biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, sự vất vả của mẹ nên rất chăm chỉ làm việc. Trừ đứa nhỏ nhất (7 tuổi) chưa biết đi xe thì hai người con đều biết đi xe máy từ sớm. Tuy nhiên, chỉ khi vào hẻm thu gom rác thì bà mẹ mới cho cậu lớn lái xe. Cậu bé lái xe tên Phạm Minh Chí (14 tuổi), bình thường Chí hay phụ mẹ vào chủ nhật, khi được nghỉ học. Chí từng nghỉ học cả năm trời vì không có tiền. Kế bên Chí là đứa em Nguyễn Tuấn Phi (11 tuổi), chỉ học hết lớp 1 thì nghỉ. Dù công việc nặng nhọc nhưng ba anh em đều không đánh rơi sự vô tư nghịch ngợm của trẻ thơ. Sau giờ làm, chúng thường đi đá bóng, chơi điện tử… Công viên 30/4, cạnh nhà thờ Đức Bà (Q.1, TP.HCM) là nơi mưu sinh của mẹ con chị Phượng. Chị làm nghề bán nước ở khu vực dành cho khách cà phê bệt. Bé Nguyễn Thị Như Quỳnh (10 tuổi), con gái út của chị hay ra phụ mẹ sau mỗi giờ học. Cô bé chưa biết cách pha chế đồ uống nên thường làm các việc như bỏ đá vào nước uống, trải giấy báo cho khách và bưng bê. Quỳnh chia sẻ: “Em thấy công việc này đâu có nặng nhọc, lại ra trung tâm thành phố chơi cũng vui, nhất là ngày cuối tuần”. Chỉ vào những ngày cuối tuần, bé mới theo mẹ phụ cả ngày. Ngoài ra, chị gái bé, đang học lớp 9 cũng sắp xếp thời gian ra phụ mẹ. Thời gian rảnh, ít khách thì Quỳnh lấy vở ra học hoặc tập vẽ. Chị Phượng tự hào khoe: “Nó 4 năm liền đều là học sinh giỏi đấy”.’ Cũng theo mẹ mưu sinh là bé Nguyễn Thị Yến Nhi (8 tuổi). Nhi đang theo học trường Ánh Sáng (Q.3), đến chiều sau giờ học thì cô bé được mẹ đón về nơi mẹ làm việc ở trên cầu Công Lý (Q.Phú Nhuận). Khoảng thời gian này cũng là lúc Nhi được mẹ ôn tập lại bài vở. Mẹ của Nhi (xin giấu tên) cũng thường bán sách tử vi trên cầu, cạnh chùa Vĩnh Nghiêm. Bà từng làm đủ nghề trước khi làm công việc này vì “tôi già rồi, xin công việc khác họ không nhận”. Bà còn hai người con cũng đã đi làm nên Nhi được mẹ chăm sóc. Cô bé chăm chỉ tập đọc những chữ cái ngay trên vỉa hè, giữa dòng xe cộ qua lại tấp nập. Phải đến khi trời tối thì hai mẹ con mới về căn phòng trọ cách đây gần 2km. Có những đứa trẻ còn rất nhỏ nhưng cũng đã theo mẹ kiếm miếng cơm. Ở công viên 30/4, hơn 3 tháng nay, chị Lê Thị Tư (quê Huế) đều mang địu theo bé Gia Bảo (13 tháng tuổi) đi bán hàng rong những bịch cóc, xoài, trứng cút… Chị Tư chia sẻ, rất muốn để bé ở nhà, tránh ra đường nhiều nắng gió. Nhưng sau một thời gian không đi làm vì phải sinh con, cuộc sống hai vợ chồng nhiều khó khăn nên chị phải đi bán hàng tiếp. Hình ảnh bà mẹ chở hai người con gái trên chiếc xe đạp cọc cạch đã trở nên gần gũi với người dân ở khu vực đường Nguyễn Thị Định (Q.2, TP.HCM). Bà là Nguyễn Thị Mai (53 tuổi, quê Kiên Giang). Bà Mai có hai người con gái là bé Khưu Thị Quỳnh Giao (9 tuổi) và Khưu Thị Ái Mi (12 tuổi). Bé Quỳnh Giao (ngồi sau) bị thiểu năng từ khi mới sinh ra. Chồng ở quê, mình bà Mai mưu sinh ở Sài Gòn với nghề nhặt ve chai. Mỗi ngày bà đều dậy từ sớm, đạp xe gần 20 km từ quận 2 sang trường Ánh Sáng (Q.3) để cho Ái Mi đi học. Sau đó bà tiếp tục chở bé Quỳnh Giao đi nhặt ve chai. Đến trưa, người mẹ lại chạy về trường đón con gái lớn. Ba mẹ con tiếp tục hành trình cùng nhau mưu sinh với nghề này. Gặp chai nhựa bỏ đi, bé Mi lại xuống nhặt cho vào mấy bao tải phía sau chiếc xe cọc cạnh nhưng đầy đồ đạc lỉnh kỉnh. Hơn 12 năm với nghề này, mỗi ngày bà Mai nhặt khoảng ba bao tải ve chai, đem đi bán cũng thu được 100 ngàn. Bữa trưa của mấy mẹ con diễn ra ở chùa nơi bà hay làm công quả. Gọi là bữa trưa nhưng thường tùy vào lòng hảo tâm của mọi người. Khi thì chùa cho cơm chay, cô bán hàng cho hộp cơm, người đi đường thấy thương cho mấy ly chè, bịch bánh tráng trộn… Tính ra, mỗi ngày cả chở Ái Mi đi học và đi nhặt ve chai thì bà cũng ngót nghét đạp xe gần 50km. Dù mệt nhưng người mẹ luôn quan tâm, chăm sóc cho con. Điều bà lo ngại nhất là Quỳnh Giao càng lớn càng nặng. Người mẹ lo lắng một ngày nào đó sẽ không còn đủ sức để chở con, mà cho vào trường dành cho trẻ đặc biệt thì không đủ tiền. Một ngày chạy cơm từng bữa cũng đủ bà cảm thấy mỏi mệt, mỗi tối chân tay đều đau nhức. Cũng nhỏ tuổi là trường hợp của bé Nguyễn Bình Phi Long (2 tuổi). Từ sáng đến chiều, bé Long ngồi gọn trên chiếc xe đẩy, theo ông bà ngoại đi bán vé số. Ông Nguyễn Văn Tèo (42 tuổi, quê Bình Dương) kể: “Mẹ cháu cũng đi bán vé số nhưng ở tận Tiền Giang. Cha mẹ cháu quen nhau sớm rồi sinh ra nó chứ cũng không cưới hỏi gì. Nhưng từ khi mới sinh ra thì cha cháu bỏ hai mẹ con đi mất” Long còn nhỏ nên ông ngoại thường mang theo sữa, cháo… lo bữa ăn cho cậu bé. Mẹ đi làm xa, ông Tèo không những làm vai trò của người ông mà còn như một người cha, mẹ của bé Long. Mỗi ngày hai ông bà đi bán vé số từ sáng ở khu trung tâm TP.HCM, đến khoảng 4h họ bắt xe buýt về căn nhà trọ ở quận 2. Ông có 2 người con gái thì cũng đều bán vé số kiếm sống. Cuộc sống gia đình khó khăn nên hai ông bà không thể gửi bé Long vào nhà trẻ. Hình ảnh này dễ khiến nhiều người cảm thấy thú vị. Tuy nhiên, việc cậu bé béo tròn luôn là nỗi trăn trở của chị Gái. Cậu bé thường được gọi với cái tên Cu Lọ (6 tuổi). Từ khi sinh ra, Cu Lọ đã bị béo phì, xương rất yếu nên khó đi đứng được. Không chỉ vậy, cậu còn chậm phát triển, vẫn chưa nói sõi. Mẹ cậu bé cũng đi bán vé số ở xa nên chị Gái thay mẹ cậu nuôi nấng cháu ruột. Hàng ngày, chị đi nhặt ve chai và mang theo Cu Lọ, để ngồi ở trên xe đẩy. Đến chiều tối, hai dì cháu đẩy xe về căn nhà trọ ở P.Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Nguồn: Theo Hương Thu / Trí Thức Trẻ