Thanh nhẹ bánh đùm Cần Thơ


Đây không phải bánh đùm Nghệ An, giống bánh đúc, bột pha đặc hơn và gói trong lá chuối để hấp. Bánh đùm Cần Thơ làm từ bột gạo có pha chút nếp cho dẻo tráng mỏng, gói với nhân hoặc là nấm mèo, thịt bằm hoặc là ruốc khô, củ sắn. Theo lời dì bán hàng (Cần Thơ) – hơi ấp úng khi bị khách tra hỏi, bánh là phiên bản của bánh củ cải hoặc bánh hẹ người Hoa.

Hàng ngàn người thích thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp đêm hội hoa đăng Cần Thơ

Naomi Campbell, Lý Nhã Kỳ thân thiết tại Cần Thơ

Ngay từ đầu, điều cuốn hút của món ăn dân dã này là sắc màu hấp dẫn. Qua lớp vỏ trắng, dẻo, mỏng, trong, thanh tao, sắc màu của nhân được tôn lên. Màu xanh hẹ pha lẫn nâu đen mộc nhĩ, loáng thoáng nâu sáng thịt bằm. Bên mấy cái bánh kia là những cọng sắn ngà ngà, trộn ruốc đỏ hồng, loáng thoáng nhấn nhá vài phiến hành hẹ xanh càng nổi bật hơn trong lớp nhân hồng hồng… Góp thêm sức quyến rũ là chén nước mắm chua ngọt cay cay, đám dưa góp củ cải trắng, cà rốt hồng chua chua giòn giòn, húng quế dịu hương, kèm mấy lát ớt xanh giòn thơm chẳng cay là mấy. Nhấn nhá nữa là chút tóp mỡ vàng sậm, béo, giòn tan… đã lâu lắm mới ăn lại…

Dĩa bánh đùm ở đường CMT8, Cần Thơ mới ăn bằng mắt đã thấy ngon rồi.

Lang thang Bangkok, tôi cũng từng thử món Kanom Gui Chai, ấn bản Thái của bánh đùm, món ăn đường phố khá phổ biến, nhất là ở mấy khu nhiều Hoa kiều. Nhiều miền khác ở bển cũng bán, ngay trong tour du lịch “Eat like the local” (tạm dịch: Ăn uống như người bản xứ) tại phố biển Hua Hin, họ cũng đưa món này vô. Nhưng, tôi bị “tâm tư” tới mấy chuyện về món này ở bển. Thứ nhứt, chúng chỉ có một kiểu với nhân hẹ, không có nhân củ sắn, tôm khô, làm kém phong phú. Kế là nước chấm. Người Thái cũng ăn nước mắm nhưng không nhiều như mình, người Hoa thì không. Nên Kanom Gui Chai bị chan nước tương (xì dầu), con dân như tôi thấy thua hẳn. Còn mấy thứ linh tinh nữa, như hẹ trồng công nghệ hóa lá to đùng lại không thơm cay như đám hẹ tăm cọng nho nhỏ nồng nàn hương của xứ mình.

Bữa trưa thanh nhẹ với mấy chiếc bánh đùm đơn sơ mà rất gọi mời.

Dị bản khác nữa của món này là bánh đùm chiên, mà tôi từng ăn bên Kampong Cham, Campuchia với tên gọi Nom Ka Chai hay Num Kachay. Hơi nhiều năng lượng khi đã có một lớp áo tinh bột rồi đem chiên nữa nên hơi đẫm dầu. Cũng may, bữa trưa ngoài mấy cái Nom Ka Chai đó tôi chỉ còn mấy chai bia Angkor và những làn gió Mekong lồng lộng. Và đang rất đói sau một buổi sáng miệt mài đạp xe không chỉ đi rất xa phố mà còn leo lên đồi dốc thăm núi Ông núi Bà, nên nó mới ngon làm sao.

Khẽ tách lớp vỏ trắng trong , mỏng, thanh tao, phần nhân bên trong của bánh đùm càng khoe sức hấp dẫn.

Cũng nên nhắc tý về bánh hẹ, món được cho là bà con, cội nguồn của bánh đùm. Ở Sài Gòn thì bánh hẹ cũng nhiều chỗ bán trong quận 5, còn bánh đùm (thì nghe nói, nhưng chưa tới) bán trong cái chợ hoa kiêm luôn đặc sản Campuchia, Hồ Thị Kỷ. Giống ở chỗ cũng có hẹ và bột gạo. Khác thì nhiều thứ. Thứ nhất, bánh đùm còn có loại không hẹ mà nhân củ sắn, mộc nhĩ. Thứ nữa hình dạng, bánh đùm tròn, bánh hẹ có tròn và dẹt. Tiếp nữa là bánh đùm chỉ có món hấp, còn bánh hẹ thì hấp xong phải chiên mới ăn được, kiểu như bột chiên. Nhưng cái khác quan trọng nhất là cách làm. Bánh hẹ chủ yếu trộn bột với hẹ, hấp, chiên. Còn bánh đùm thì lớp vỏ tráng riêng, nhân làm riêng. Từ đó sẽ phát sinh sự đa dạng, gia giảm đổi thay phong phú các loại nhân để ngon lành hơn.

Lớp dưa góp thêm vị, tăng sức hấp dẫn của bánh đùm.

Buổi trưa đó, tôi gói mấy cái bánh đùm ghé vô nhà hàng khá lớn bên nhánh sông Hậu mà bờ kia là chợ Cái Khế. Sau buổi sáng cuốc bộ rã gót ngắm ngó Tây Đô, nhâm nhi mấy cái bánh đùm thơm phức ngon lành trong quán vắng rộng thênh thang chỉ dăm khách trễ tràng ngồi “nướng”, ngắm sông ngày tháng 6 chớm ánh vàng phù sa, nâng nhẹ ly cũng nhẹ sắc vàng sóng sánh, là thấy đã đời!

Theo thegioitiepthi


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: