Thông tin từ thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 cho biết, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người, cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người. VOV đưa tin, thông tin tại buổi công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 20/7 cho biết, số lao động trên cả nước có việc làm là 52,43 triệu người, giảm hơn 1 triệu người so với 2014. Đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, sản xuất của đất nước đang có dấu hiệu phục hồi thì số lao động thất nghiệp vẫn gia tăng. Cụ thể, so với quý IV/2014, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp ở quý I năm nay tăng từ 165.600 người lên 177.700 người; số lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 74.700 người lên 100.600 người; số lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp tăng từ 600.500 người lên 726.100 người. Ngoài ra, nhóm lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề bị thất nghiệp ở quý I năm nay cũng tăng. Tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, nếu như mọi năm tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhức nhối nhất, thì năm nay nhóm thất nghiệp nhiều nhất rơi vào lực lượng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng và lao động không có bằng cấp, chứng chỉ. Điều tra cũng cho thấy, những tháng đầu năm nay, trong khi nền kinh tế, sản xuất của đất nước đang có dấu hiệu phục hồi thì số lao động thất nghiệp vẫn gia tăng. Đó là chưa kể số thất nghiệp tăng trong bối cảnh tổng lực lượng tham gia thị trường lao động đang giảm (từ 77,7% năm 2014 xuống 77,4% trong quý I năm 2015) do sự già hóa và tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại. Lý giải điều này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp có biết có 2 nguyên nhân: một là do phương pháp tính, đo đạc có sự điều chỉnh; hai là tỷ lệ lao động thất nghiệp không phản ánh toàn bộ bức tranh của thị trường lao động trong nước. Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bên cạnh những khó khăn thì bức tranh thị trường lao động cũng đang có những điểm sáng lên. Đó là số lao động làm công ăn lương, đóng bảo hiểm xã hội gia tăng, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương tăng, chuyển dịch cơ cấu lao động theo chiều hướng tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn. VNE đưa tin, dự báo thời gian cuối năm, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng. Luật việc làm có hiệu lực sẽ tạo khung pháp lý để thị trường lao động hội nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và quốc tế. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, cơ hội việc làm sẽ đến nhiều hơn với lao động. Trước mắt, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, bao gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Nguồn: Đức Anh