Cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là vô cùng lớn. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), tính tới hết quý II/2020 số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 90,69 triệu thẻ; số lượng thẻ quốc tế lưu hành là 15,62 triệu thẻ. Theo lộ trình tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN, đến cuối năm 2021, toàn bộ thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực để hiện thực hoá mục tiêu này. Mới đây nhất, ngày 25/8/2020, VietCapital Bank chính thức nâng cấp thẻ ATM nội địa E-Plus Bản Việt lên phiên bản mới thành thẻ chip theo chuẩn VCCS, chủ thẻ hoàn toàn miễn phí khi thực hiện chuyển đổi sang phiên bản thẻ mới này. VietABank cũng đã chính thức ra mắt thẻ ghi nợ nội địa chuẩn chip VCCS và miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa chuẩn chip VCCS dành cho các khách hàng đầu tiên từ nay tới hết trung tuần tháng 9/2020. Theo VietABank, hiện toàn bộ hệ thống liên quan tới phát hành và thanh toán thẻ tại nhà băng này đã sẵn sàng cho việc mở mới/chuyển đổi thẻ của khách hàng, trên nền tảng có sự đầu tư nhân lực, công nghệ trong phát triển ngân hàng số để tương xứng với quá trình triển khai thẻ chip. Quá trình chuyển đổi này là yêu cầu đặt ra cho các ngân hàng giai đoạn 2020 – 2021 Trong tháng 7/2020 có thêm BaoVietBank ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa nền tảng không tiếp xúc. BaoVietBank cũng miễn phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng sử dụng thẻ BaoVietCard, BVLink và thẻ tín dụng nội địa trong tháng 7/2020 và cam kết hoàn thành chuyển đổi 100% thẻ nội địa từ sang thẻ chip vào 31/12/2021. Hay từ tháng 6/2020, chủ thẻ PVcomBank cũng được đổi từ thẻ từ sang thẻ chip không tiếp xúc chuẩn VCCS với chi phí “0 đồng”. Trước đó, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, VPBank, TPBank, ABBank… cũng đã phát hành thẻ chip, hay triển khai chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng. Đại diện Napas thông tin thêm, hiện tại Napas đã hoàn thành việc cấp chứng nhận triển khai tiêu chuẩn VCCS cho 31/47 ngân hàng, cấp chứng nhận cho 13 sản phẩm thẻ từ các đơn vị cung cấp phôi thẻ, 9 đơn vị cung cấp thiết bị chấp nhận thẻ. Tuy nhiên theo Phó Tổng giám đốc Napas Nguyễn Đăng Hùng lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip có chậm hơn so với tiến độ ban đầu do ảnh hưởng của Covid-19. Mặc dù vậy, với tình hình dịch bước đầu đang được kiểm soát hiệu quả như hiện nay, chuyên gia nhận thấy lộ trình chuyển đổi “từ” sang “chip” của các nhà băng tiếp tục được xúc tiến để đạt được yêu cầu mà NHNN đặt ra. Trao đổi với phóng viên, CEO của một NHTMCP đang tiến hành chuyển đổi công nghệ thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng chia sẻ, quá trình chuyển đổi này là yêu cầu đặt ra cho toàn bộ các ngân hàng giai đoạn 2020 – 2021. Ở khu vực châu Á, nhiều nước cũng đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. “Thời gian không thật sự quá rộng dài, nhưng tôi phải nhấn mạnh đây là việc không thể đặng đừng, bởi nó sẽ là một trong những bước đệm quan trọng của hành trình phát triển nâng cấp hạ tầng thanh toán văn minh, hiện đại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế”, vị này cho hay. Nhìn nhận dưới góc độ yếu tố an ninh bảo mật, ông Ngô Tấn Vũ Khanh – Giám đốc Kaspersky khu vực Indochina thừa nhận, nâng cấp lên thẻ chip cũng là thêm một “level” cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho thị trường thẻ Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi “vùng trũng” về gian lận, giả mạo thẻ. Công nghệ bảo mật của thẻ chip, cùng với tốc độ giao dịch nhanh cũng là ưu điểm vượt trội, là nền tảng quan trọng giúp cho tích hợp, ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công như: giao thông, y tế, giáo dục, bảo hiểm… Giới chuyên gia đều thừa nhận, cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là vô cùng lớn. Sử dụng thanh toán bằng thẻ chip nội địa cùng với công nghệ không tiếp xúc cho các giao dịch giá trị nhỏ sẽ thuận tiện hơn cho khách hàng khi chỉ cần một “chạm” đã có thể hoàn thành giao dịch. Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật của quốc tế, cũng đồng nghĩa với mở ra cơ hội hợp tác rất lớn. Một trong những điểm chuyên gia lưu ý, công tác chuyển đổi phải đẩy nhanh, nhưng quan trọng là được thực hiện an toàn, ổn định, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, không gây gián đoạn, ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng và người dân. Các ngân hàng cũng cần cân nhắc, tính toán chi phí chuyển đổi hợp lý cho khách hàng để vẫn đảm bảo hiệu quả nhưng không quá ảnh hưởng tới hệ thống dịch vụ, khách hàng. Theo Thời Báo Ngân Hàng