Không chủ quan khi đổ tín dụng vào BĐS, trái phiếu DN


Nếu các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng cao vào các lĩnh vực có rủi ro, cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo.

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được hỏi về quan điểm của NHNN trước tình trạng một số ngân hàng mua số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp trong khi NHNN có chủ trương kiểm soát chặt tín dụng vào vốn bất động sản.
Trả lời câu hỏi này, báo Người lao động dẫn lời Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Thời gian vừa qua, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng luôn theo dõi sát, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản hay tín dụng lĩnh vực chứng khoán là những khoản tín dụng thường có kỳ hạn dài, tính chất huy động của tổ chức tín dụng vốn ngắn hạn rất lớn, do đó luôn luôn phải bảo đảm thời gian chi trả của người dân và doanh nghiệp. Những tín dụng dài hạn này rất rủi ro về mặt thanh khoản; bên cạnh đó những khoản tín dụng dài hạn đòi hỏi việc đánh giá, thẩm định khả năng thu hồi vốn để duy trì dòng tiền trong tương lai thường khó hơn.

 

NHNN họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020. Ảnh: Báo Đầu tư

Với trái phiếu doanh nghiệp, các giải pháp điều hành của NHNN vẫn đang tính tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng này, như vậy cũng là một biện pháp kiểm soát.
Thứ hai, các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thường xuyên theo dõi, báo cáo về các tổ chức tín dụng. Nếu các tổ chức tín dụng có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để các tổ chức tín dụng này kiểm soát, không được chủ quan khi cấp tín dụng đối với các lĩnh vực này.
Theo thông tin tại cuộc họp báo, dịch Covid 19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp. Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, NHNN cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu vay vẫn rất ít. Tổng số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid 19 lên tới 25%.
Đại diện NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Riêng trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15.8.2017 đến 31.5.2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỉ đồng/tháng.

Theo Đất Việt


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: