Thời đại của hình ảnh, khắp nơi trong đô thị, chúng ta được lưu giữ. Nhưng những đoạn phim đó liệu có mô tả được trạng thái sống của mỗi người? 1. Từ cửa sổ văn phòng ở quận 1, Sài Gòn, nhìn xuống con đường rợp mát bóng đôi hàng cây. Những dãy xe hơi bóng lộn xanh, trắng, đen xếp hàng dài đôi bên lề. Cuộc sống của những nhân viên văn phòng sẽ không có gì xáo trộn lắm. Cho đến một ngày trên con phố này xuất hiện một chàng trai hát dạo. Người hát dạo tuổi hai mươi với áo sơmi quần jeans bụi bặm, giày bốt, đầu đội mũ lưỡi trai, đẩy chiếc loa thùng đi ngược dòng xe và hát những bản boléro mang tâm tình xa vắng của thị dân xóm nghèo Sài Gòn gần nửa thế kỷ trước. Giọng ca trầm, ngân xuyên qua những vách ngăn kín văn phòng, qua những cửa sổ, đi vào trong những công sở khiến những ngón tay ngừng mổ bàn phím, khiến nhiều đôi mắt rời khỏi màn hình, tạm xao nhãng với những dãy sơ đồ số liệu xanh đỏ… Trên ban công, cửa kính những tòa nhà, mấy cô nhân viên văn phòng đứng lặng nhìn xuống con đường, lắng nghe trong thổn thức những Xóm đêm, những Căn nhà ngoại ô, cả Một mai giã từ vũ khí… Anh chàng hát dạo lại đi ngang dưới phố, hát đúng mơ ước của mình: “Chuông chùa làng xa chiều lại vang/ Bếp ai lên khói ấm tình thương/ Bát cơm rau thắm mối tình quê/ Với con trâu, với nương dâu, thiên đường này mơ ước bao lâu”. Những bước chậm và giọng ca tài tử của chàng trai xứ Bắc tuổi đôi mươi kia cố gắng tái hiện thân phận của hai triệu dân “Bắc kỳ” rời xa xứ sở tìm đậu chốn đô thành phương Nam của hơn nửa thế kỷ trước. Trong câu ca buồn đó tái hiện cảnh sống ở những khu ổ chuột Thị Nghè, Nhiêu Lộc tù mù đìu hiu. Và hẳn nhiên, trong những ca khúc một thời bị coi là nhạc vàng ấy, có một Sài Gòn của những người nhập cư mới, những đứa con quê trôi nổi sấp ngửa đi tìm sự đổi đời trong cơn lốc đô thị hóa hai mươi năm nay. Có tôi, có anh, có cô gái văn phòng của ngày hôm qua còn thao thức bên cửa sổ căn gác trọ nào đó nhìn nước triều dâng rác lên bập bềnh vây kín những hẻm lao động của dân nhập cư… Những cây kẹo chewing gum, những cây bút bi hàng Tàu giá trẻ, cả bông ráy tai hay móc chìa khóa được mời bán khi chàng hát rong đi ngang qua. Tiếng hát là cách tiếp thị dễ chịu nhưng cũng là cách nhắc lại cái lý lịch thị dân mỏng tang nơi những con người trên xứ sở này. Hình ảnh buồn bã của nó đi lướt qua khu phố hào nhoáng của quận trung tâm làm gợi trong tôi những gánh dừa, gánh nước của mấy dì miền Tây, mấy o miền Trung, mấy u miền Bắc hàng ngày vẫn đi về trước những cửa hàng hiệu Louis Vuitton, Gucci hay CK Jeans, trước Nhà hát, trước tòa nhà Vincom hay thấp thoáng đâu đó bên con đường lát đá của đường Nguyễn Huệ mới. Tôi gọi đó là những “tương phản kiểu Sài Gòn”. Những tương phản đó đôi khi là thứ nhắc nhớ về lịch sử, nền tảng và những điều thực tế nhất của đô thị, những gì mà một đô thị đã hay chưa làm được cho thị dân của mình! Tôi ghi lên Facebook mấy dòng status: “anh chàng hát dạo lại đi ngang dưới phố, hát Một mai giã từ vũ khí – bản nhạc do nhạc sĩ Nhật Ngân (ký bút danh Ngân Khánh) viết ngay sau hiệp định Paris 1973 với mong ước về một ngày “chinh chiến tàn”: “Rồi có một ngày chinh chiến tàn, anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi”; rồi lại mơ ước rất… đúng mơ ước của mình: “Chuông chùa làng xa chiều lại vang/ Bếp ai lên khói ấm tình thương/ Bát cơm rau thắm mối tình quê/ Với con trâu, với nương dâu, thiên đường này mơ ước bao lâu”. Thì ra, cái thiên đường yên ổn tình quê với con trâu và nương dâu trong bài hát mãi nửa thế kỷ rồi vẫn còn đọng trong mơ ước của nhiều người. Nhưng những chốn thiên đường nơi đồng quê nay còn không? Có Đất hứa nào chờ chàng trai tuổi đôi mươi nơi những góc phố kia? 2. Trong mấy cuốn tiểu thuyết mỏng của Patrick Modiano, tôi gặp và nhớ mãi một nhân vật lạ lùng: đó là kẻ ngồi ở góc quán cà phê và lặng lẽ ghi lại hình ảnh, tên tuổi, giờ đến, giờ đi của các khác hàng đến quán. Một dạng thức “lưu bút” cổ điển và có phần lập dị trong thời buổi đô thị văn minh (không gian được Patrick Modiano mô tả là những quán cà phê Paris). Trong cuộc sống đô thị xao xuyến và trôi dạt, đó phải chăng là cách ghim lại một chút gì về sự hiện hữu của con người? Những ghi chép lặng lẽ của nhân vật đó khiến tôi nhớ rằng, hằng ngày mình vẫn đi về dưới các camera theo dõi giao thông, và đi qua những camera ở nhà sách, siêu thị, nhà riêng, công sở, đâu đâu cũng giám sát, lưu giữ… nhiều đến mức tôi quên mất sự hiện diện của chúng. Cho đến một lúc nào đó, tôi biết rằng hình ảnh tôi được lưu lại, một phần lịch sử hành vi của mình được lưu trữ, là khi xảy ra một sự cố nào đó trong đời sống, với một nơi chốn cụ thể nào đó. Những đoạn clip mô tả hành trình đi vào, đi ra, những cuộc gặp gỡ, chuyện trò, những câu chuyện phiếm… đang cho tôi thấy mình hôm qua từ một góc nhìn nào đó mà tôi không ngờ tới. Thời đại của hình ảnh, khắp nơi trong đô thị, chúng ta được lưu giữ. Nhưng những đoạn phim đó liệu có mô tả được trạng thái sống của mỗi người? Tay thư ký ngồi ghi chép hàng giờ trong quán cà phê Paris có mô tả hết đời sống phức tạp của nội tâm con người, của lý lịch cảm xúc, của tiến trình suy tư khắc khoải bên trong mỗi cá nhân hay một mối quan hệ nào đó? Một hôm, tôi đọc thấy trên trang Facebook của một nhà văn vừa mới qua đời những lời chia buồn, tỏ bày niềm thương tiếc của nhiều người. Nhưng nhà văn đó vẫn cười rạng rỡ, trên avatar. Nụ cười ở lại trong tình thế này đôi khi như hài hước với chính cái chết, sự đi vắng của mình trong đời sống. Anh ta sẽ cười như thế mãi mãi, ít ra trong không gian riêng của mạng xã hội, nơi đám đông đang lên sóng, dậy sóng, tăng nhiệt, hạ nhiệt với hết chuyện này với chuyện khác, nơi anh ta cũng đã từng là một thành tố trong đám đông náo nhiệt đó. Hình ảnh, bút tích truyền thông, câu chuyện vãn trong các cuộc gặp gỡ dường như vừa cố giữ lại sự hiện hữu nhưng cũng lạnh lùng mang đến cho chúng ta nỗi ám ảnh về cái phù du của những sinh phần trong cuộc sống đô thị này. 3. Những ngày mây xám kèo về, thành phố không nắng, không mưa. Gió không quá lạnh để ta ủ dột, những hàng cây không trút lá để ta bay bổng bất thường. Anh chàng tuổi hai mươi vừa đẩy chiếc loa đi qua cửa sổ quán cà phê. Giọng hát vẫn buồn cố đuổi theo tiết tấu khắc khoải của bản hòa âm ghi sẵn trong CD. Ở vạch đèn đỏ, có cô gái kéo khẩu trang và kính mát trong hai mươi giây để tranh thủ nghe vừa đủ một câu ca từ mà cô vừa nghe trong vũ trường đêm qua: “Những ân tình chìm trong lòng phố/ Cũng theo hư không mà đi” (*) Nguồn: http://cafebiz.vn