Khi con trai út vừa ra đời được 7 tháng, người vợ bỏ đi theo người tình mới khiến ông Cường phải mang 3 đứa con thơ lên Sài Gòn sống lay lắt, bữa đói bữa no bên lề đường suốt 1 năm qua. Những ngày qua trên mạng xã hội facebook, những hình ảnh cùng bài viết chia sẻ về hoàn cảnh của người cha đơn thân mưu sinh bên vỉa hè nuôi 3 con nhỏ khiến nhiều người Sài Gòn thương xót. “Chú ở nhờ nhà vợ Long Thành, do cuộc sống quá khó khăn và chú bị tật ở chân nên không lao động nặng được. Vợ chú bỏ nhà đi khi đứa con trai út mới 7 tháng tuổi. Hàng xóm dị nghị, nói ra nói vào, chú thấy buồn quá nên dắt 3 đứa lên Sài Gòn mưu sinh”, facebook L.M.D ghi lại lời chia sẻ của người đàn ông này. Bài chia sẻ trên facebook L.M.D về hoàn cảnh của 4 cha con khiến nhiều người thương xót. Vợ bỏ đi khi con còn chưa dứt sữa mẹ Chúng tôi tìm đến nơi ở của 4 cha con được chia sẻ trên mạng thì được biết ông là Ngũ Quang Cường (44 tuổi, quê Đồng Nai) đang mưu sinh bằng nghề bán nước ven đường cùng 3 đứa trẻ thơ dại trên vỉa hè đường Đồng Văn Cống (quận 2, TP. HCM). Căn chòi của họ được dựng tạm bằng những miếng tôn và nhựa cứng chỉ rộng chừng 2 mét vuông, chật chội và nóng hừng hực cùng mùi ngai ngái xộc thẳng vào mũi. Cả 4 cha con trông chờ vào thùng nước ven đường để có tiền sống qua ngày. Căn chòi chật chội, nóng nực, không có nhà vệ sinh và nhiều mùi hôi. Góc bếp nằm ở một góc hẹp. Ông Cường cười, bảo: “Suốt 1 năm nay, cả 4 cha con tôi cũng đã quen mùi, giờ có hôi hám sao cũng có thể chịu được, chỉ mong khách đến chơi thông cảm”. Cả 3 đứa con ông Cường đang tuổi ăn học nhưng hiện tại vẫn chưa biết tương lai sẽ đi về đâu khi sống trong hoàn cảnh thiếu thốn. 3 bé là Tô Thanh Hải (7 tuổi), Tô Thanh Hà (5 tuổi) và đứa út 18 tháng (chưa đặt tên) rất ngoan ngoãn. Khi vừa đi chơi về, thấy có khách trong nhà, các bé đã lễ phép khoanh tay chào chúng tôi. “Các con tuy có hơi nghịch nhưng mà ngoan, biết nghe lời lắm. Tội nghiệp, không biết sau này chúng nó sẽ ra sao khi không được tình thương trọn vẹn từ gia đình, tôi bây giờ vừa làm cha cũng vừa làm mẹ…”, ông Cường buồn nói. Ông Cường tâm sự về cuộc sống sau khi vợ ông bỏ đi theo tình mới. Sau khi chơi đùa xong, ông Cường cho các con đi ngủ trưa. Sau đó ông ra góc bếp chiên trứng để 4 cha con cùng ăn cơm chiều. Trải lòng về cuộc đời mình, ông Cường cho biết, ông sinh ra trong một gia đình nghèo nên khi mới lên lớp 3 phải dừng việc học để lao động phụ giúp gia đình. Lúc nhỏ, ông làm nhiều việc thuê cho người ta, đến khi lớn lên vào Sài Gòn mưu sinh với nghề chạy xích lô, thợ hồ… việc gì làm ra tiền là ông không ngại khó, ngại khổ. Làm thuê, làm mướn được một thời gian, ông bắt đầu chuyển sang nghề chạy xe ôm và bơm vá xe dọc đường. “Khoảng 1 năm trở lại đây tôi mưu sinh bằng nghề bán nước ở vỉa hè để nuôi con”, ông Cường nói. Vì đứa con trai lớn còn mải chơi bên nhà hàng xóm nên ông tranh thủ cho 2 đứa nhỏ ăn cơm trước. Chỉ còn 1 quả trứng để dành cho cậu út, vì thế người chị phải ăn cơm trắng nước tương. Nói về cuộc hôn nhân buồn bã của mình, ông Cường kể, ngày trước khi còn chạy xe ôm kiếm sống, ông có đem lòng thương chị Vân (mẹ của 3 đứa trẻ). Cảm mến người đàn ông hiền lành, thật thà, mặc dù lớn hơn nhiều tuổi nhưng chị Vân vẫn gật đầu đồng ý nên duyên vợ chồng cùng ông. Niềm vui như được nhân đôi với ông Cường khi ba đứa con lần lượt ra đời. Ông càng chăm chỉ làm ăn, hàng ngày kiếm được bao nhiêu tiền từ việc chạy xe ôm, ông Cường đều về đưa cho vợ. “Ba đứa con ra đời, vui mừng chưa được bao lâu thì tôi phát hiện vợ mình đang có tình cảm với người khác. Khuyên nhủ, ngăn cản cũng nhiều nhưng cô ấy lại chứng nào tật ấy. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến, khi con trai út mới được khoảng 7 tháng thì người mẹ này đã nhẫn tâm dứt áo ra đi theo tình mới, bỏ lại 3 đứa con thơ dại cho tôi nuôi dưỡng”. Đến chiều, 2 chị em lại ra vỉa hè chơi đùa. Đứa con trai út chưa kịp có tên rất thích chơi bóng. Tình cảnh ngặt nghèo khi cha mẹ vợ cũng già yếu, ông đành lòng một nách 3 con lên Sài Gòn kiếm sống. Tương lai bất định Tuyệt vọng, chán nản khi người vợ bỏ đi, nhiều lúc ông Cường muốn kết thúc cuộc đời, mong được giải thoát nhưng nghĩ đến ba đứa con, không biết chúng sẽ sống ra sao nếu ông mất đi, nên ông lại tiếp tục cố gắng. “Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập xoáy vào tâm trí khiến tôi quyết định đứng dậy sống tiếp. Tôi cực khổ sao cũng được miễn sao sau này con lớn nên người. Nhớ những hôm đầu tiên vợ tôi bỏ đi, đứa út vẫn chưa dứt sữa mẹ nên cứ đêm đến nó lại khóc vì đói sữa, tiếng gào đòi mẹ của con đã bao lần khiến tôi cũng khóc theo”, ông Cường tâm sự. Những đứa trẻ đã không được đến trường suốt 1 năm nay. Người cha của 3 đứa trẻ cho hay, lúc mới lên Sài Gòn, ông cùng các con ở gần cao ốc đang xây dựng. Thương cảnh gà trống nuôi con, một chủ nhà gần đó thương tình sắp xếp cho 1 căn chòi nhỏ gần bên để 4 cha con tá túc sẵn tiện trông hộ giùm căn nhà. Ngày qua ngày, cả 4 cha con trông chờ vào thùng nước bán dọc đường. Những ngày bán được lắm cũng chỉ 7 – 8 chai nước ngọt thì ông mua vài quả trứng gà ăn với cơm, còn nếu bán không được thì lót dạ bằng cơm chan nước tương cho qua ngày. Công việc của ông Cường, ngoài bán nước ông còn tranh thủ chạy xe ôm và vá xe bằng những dụng cụ bơm vá thô sơ. “Nếu có ai gọi xe ôm thì tôi chở thằng út đi cùng, hai đứa lớn ở nhà qua hàng xóm chơi”, ông Cường nói. Chiếc xe đạp cũ được chủ căn nhà cao tầng kế bên tặng nên cậu cả rất thích thú. Ông Cường chở con trai út cùng đi mua nước ngọt về bán. Theo ông Cường, nỗi lo lớn nhất của ông trong thời gian tới là nếu căn chòi sắp được người ta lấy lại thì không biết những đứa con bé bỏng sẽ đi về đâu. Ông rất lo cho tương lai của các con nhưng không biết làm gì hơn vì cái nghèo cứ đeo đuổi. Hai anh em Hải và Hà đã đến tuổi đi học nhưng đến giờ vẫn không thể đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. “Con thấy các bạn ấy đi học về kể lại thấy vui lắm, con muốn đi học, ba ba ơi… cho con đi học đi”, vừa nghe bé Hà nói thì ông Cường ôm con vào lòng với đôi mắt rưng rưng. Ông nói: “Niềm an ủi duy nhất đối với cuộc đời tôi chính là 3 đứa con thơ này. Nhìn bọn chúng cười đùa là tôi lại thấy hạnh phúc. Cuộc đời tôi chẳng muốn gì, chỉ mong các con luôn mạnh khỏe là tốt rồi. Bây giờ tương lai tới đâu hay tới đó chứ ai nói trước được điều gì”. Theo Tứ Quý / Trí Thức Trẻ