Không đành lòng bỏ mặc những đứa trẻ mồ côi, ông đã nhận về làm con nuôi, vừa cho học văn hóa, vừa học xiếc để có nghề nuôi sống bản thân. Nghệ sĩ xiếc Văn Đức (nghệ danh Ngọc Viên) xuất thân là con của một gia đình làm nghề nông ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Trong một lần cùng bạn bè đi xem đoàn Sơn đông mãi võ về biểu diễn để bán thuốc gia truyền, ông liền bị thu hút bởi những trò biến hóa mà trước nay chưa bao giờ chứng kiến. Là bí quyết gia truyền nên họ không tiết lộ cho bất kỳ ai. Vì quá say mê nên mỗi khi đoàn đến, ông đều lén lút theo dõi thật kỹ từng động tác để về mày mò làm theo. Với mái tóc xoăn dài đã điểm màu muối tiêu, người nghệ sĩ một đời cống hiến hết mình cho nghệ thuật xiếc vẫn lặng lẽ truyền nghề cho con cháu, để họ tiếp nối cái nghiệp mà ông đã cố gắng gây dựng từ thời niên thiếu. Sau những tháng ngày vất vả tập luyện cộng với niềm đam mê cháy bỏng, ông Đức đã dần sáng tạo ra những trò ảo thuật cho riêng mình. Các em học sinh chăm chú theo dõi các màn trình diễn ảo thuật của đoàn xiếc gia đình Ngọc Viên. Với những kỹ thuật sẵn có, ông Đức bắt đầu đi diễn ở khắp nơi. Không quản đường sá xa xôi, hễ có người gọi là ông lên đường. Đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ xiếc nổi tiếng, ông lại chú ý quan sát để học thêm những kỹ thuật biểu diễn mới. Dần dần, ông bắt đầu sáng tạo ra những màn ảo thuật mạo hiểm và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, nghề xiếc lúc bấy giờ chỉ để giải trí, chủ yếu biểu diễn cho khán giả nhỏ tuổi nên tiền nhận được cũng chẳng là bao. Thời gian đó, ông đưa vợ và 5 người con đi diễn từ Bắc chí Nam, lang thang khắp nơi kiếm sống. Cũng nhờ vào những chuyến phiêu bạt đó mà ông gặp được những đứa trẻ mồ côi. Có những đứa mất cả cha lẫn mẹ, không gia đình, người thân, phải sống lay lắt qua ngày ở các xóm chợ. Không đành lòng bỏ mặc nó đói khổ, ông nhận làm con nuôi, vừa cho học văn hóa, vừa học xiếc để sau này có cái nghề nuôi sống bản thân. Ba người con nuôi của ông đang biểu diễn tiết mục xiếc tung hứng nón. Sau nhiều năm làm việc vất vả, ông tích góp rồi mua được căn nhà trong con hẻm ở quận 4 này. Nhờ có chỗ che mưa, che nắng, ông Đức lại nhận hàng chục đứa trẻ cơ nhỡ khác về nuôi dạy. Nhưng số tiền ít ỏi kiếm được từ những lần biểu diễn hiếm hoi không đủ xoay sở cho các con ăn, học. Nhiều khi đến bữa ăn vợ chồng ông lại nín nhịn để các con được no đủ. Ăn uống thiếu thốn là thế mà việc phân chia chỗ ngủ còn khó khăn hơn chục lần. Ông kể có những đêm trời mưa to, vợ chồng con cái phải chen chúc mà ngủ, chỉ cần có người duỗi thẳng chân là người kia bị ướt liền. Tiết mục xiếc “Đội trứng” thu hút nhiều học sinh tham gia. Khó khăn là thế nhưng mấy mươi năm qua, căn nhà nhỏ chưa bao giờ vắng tiếng nói cười. Ngoài giờ học văn hóa, những đứa trẻ còn được ông dạy từ những bài học vỡ lòng đến kỹ thuật xiếc điêu luyện như tung hứng chai, đạp xe một bánh, làm mọi vật bay lên không trung… Các em xung phong trả lời các câu hỏi được nghệ sĩ Ngọc Viên đưa ra. Dù bây giờ không trực tiếp trình diễn những trò ảo thuật hay màn xiếc vui nhộn nữa nhưng với tài dẫn dắt câu chuyện, ông luôn mang đến niềm vui cho hàng ngàn đứa trẻ. Anh Minh Quang (con trai ông Đức) trình diễn một tiết mục ảo thuật hấp dẫn làm các bé đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Chú hề Minh Tâm và anh Minh Quang (áo trắng) là hai trong số 3 người con của nghệ sĩ Ngọc Viên nối nghiệp diễn xiếc của cha mình. Hơn 200 người con nuôi giờ đã trưởng thành, nhiều người trong số đó đã lập gia đình. Có người nối nghiệp ông rồi tách tiêng đi diễn, có người không theo nghề cũng được ông cho học đến đại học, cao đẳng. “Thấy nhiều đứa sống được với nghề này, tôi vui lắm. Nhưng hạnh phúc nhất là nhiều đứa ở xa, mỗi khi có dịp nó lại về thăm tôi. Chỉ chừng ấy thôi là mãn nguyện lắm rồi”, ông mỉm cười chia sẻ. Các em học sinh reo hò phấn khích khi tận mắt chứng kiến những chú khỉ chạy xe đạp, chơi lắc vòng. Một đời gắn bó với nghiệp diễn xiếc, luôn học hỏi để sáng tạo ra những màn ảo thuật đẹp mắt cống hiến cho nghề, cho đời. Đi diễn nhiều nhưng gia đình chẳng đủ ăn vì phải gồng gánh nuôi hàng trăm đứa con hết lớp này đến lớp khác. Vậy mà, ông vẫn cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn và gây dựng một gánh xiếc gia đình như bây giờ. Khi được hỏi bao giờ mới nghỉ hưu, ông chỉ cười rồi lắc đầu, khi nào mắt mờ, chân đi không nổi nữa thì mới nghỉ, chứ bây giờ còn khỏe, phải làm để truyền nghề cho con cháu nữa. Nguồn: Nguyễn Khánh Phương