Phan Đức Nhật: Tiền kỹ thuật số – Cuộc chơi không giành cho sự a dua


Theo số liệu của Statista (công ty của Đức chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng), Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về độ phổ biến của tiền kỹ thuật số.

Tuy nhiên, ngoại trừ những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, phần lớn đều chưa hiểu, kênh đầu tư tiềm năng này có thể biến thành “ trái đắng” nếu người chơi vội vã và thiếu hiểu biết. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Đức Nhật – Co-Founder của VNBOT (hệ thống quản lí vốn tự động cho người mới đầu tư)

Có ý kiến cho rằng tiền kỹ thuật số (KTS) sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phan Đức Nhật: Vào tháng 10/2008, khi Satoshi Nakamoto – người phát hành “sách trắng” Bitcoin, mô tả một phiên bản “tiền mật mã ngang hàng” với tên gọi Bitcoin công nghệ Blockchain lần đầu được ra mắt công chúng. Sự ra đời của Blockchain được đánh giá như một cuộc cách mạng lớn nhất, từ sau khi có internet trên thế giới.

Mọi giao dịch trong Blockchain được ký số bởi thuật toán ECDSA – một thuật toán ký số mà khả năng giả mạo chữ ký là rất nhỏ, bởi yêu cầu tài nguyên tính toán lớn. Thêm nữa, việc sử dụng hàng trăm mật mã trong cả quá trình từ lúc khởi tạo giao dịch tới lúc “chốt sổ” là một yếu tố gia tăng thêm sự tin cây.

Ông Phan Đức Nhật – Co-Founder của VNBOT (hệ thống quản lí vốn tự động cho người mới đầu tư)

Blockchain hình thành một hệ thống có tính minh bạch, có dữ liệu và lịch sử hình thành dữ liệu không thể đảo ngược, đặc biệt không có sự can thiệp của cá nhân hay tổ chức nào trong quá trình vận hành hệ thống. Chính minh bạch và dữ liệu sạch sẽ tạo nên lòng tin của người dùng đối với hệ thống. Từ đó, Blockchain trở thành cơ sở nền tảng tạo ra nhiều ngành kinh tế mới bên cạnh lĩnh vực tiền mã hóa …

Tiền mã hóa, hay tiền KTS là một phần ứng dụng của Blockchain, nên chúng mang tất cả các tính chất đặc trưng của công nghệ này. Vì vậy, có thể hiểu tại sao hiện nay nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã chấp nhận đồng tiền KTS và sự xuất hiện của loại tiền công nghệ này đang dần thay thế một số phương tiện giao dịch truyền thống vốn có.

Trong xu hướng hội nhập, tiền KTS đang được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm và muốn tiếp cận với kênh đầu tư mới này. Tuy nhiên, thực tế Chính phủ Việt Nam còn đang khá thận trọng đối với tiền KTS?

Ông Phan Đức Nhật: Hiện nay, tiền KTS đang được nhiều quốc gia xem là một loại tài sản mới, một số nước đã chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán. Tại Việt Nam, người dân cũng đang tìm hiểu và làm quen với sự tồn tại của tiền KTS.

Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực tiền mã hóa, tôi nhận thấy đây là một thị trường mới mẻ, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, do tiền KTS là một loại tài sản có giá trị biến động cực mạnh, trong một ngày có thể dao động giá trị lên đến hàng chục phần trăm. Điều này rất dễ khiến cho những nhà đầu tư mới hoang mang, kéo theo rủi ro lớn tiềm ẩn. Vì vậy, việc Chính phủ Việt Nam cũng như Ngân hàng Nhà nước có sự thận trọng với tiền KTS là điều hoàn toàn cần thiết, bởi cần phải có thời gian để nghiên cứu, kiểm nghiệm, cũng như đảm bảo môi trường tài chính an toàn, minh bạch cho nhà đầu tư.

Thực tế, thời gian qua khi kênh đầu tư “tiền ảo” xuất hiện, không ít bạn trẻ đã lao vào bất chấp những cảnh báo được đưa ra, dẫn đến mất tiền oan (sập sàn, thị trường lao dốc, bỏ tiền thật, thu tiền ảo…). Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Ông Phan Đức Nhật: Những lĩnh vực đầu tư quá mới mẻ xuất hiện, chưa có sự trải nghiệm, bao giờ cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, kéo theo những hệ lụy khó lường. Và thị trường chỉ thực sự ổn định và đi vào thực tiễn cho đến khi có sự can thiệp và điều chỉnh bởi khung pháp lý hoàn chỉnh mà nhà nước đưa ra.
Tiền KTS cũng vậy. Vì quá mới mẻ đối với người dân Việt Nam, cho nên có một số kẻ xấu đã lợi dụng để tạo ra hàng loạt mô hình đa cấp biến tướng nhằm kêu gọi các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm rót vốn vào. Những dự án đa cấp này thường tự “gắn mác” mình là những sản phẩm tiền KTS “tốt nhất”, hứa hẹn sẽ mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội giàu sang, đổi đời, thu lời hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Chưa kể, chúng còn tinh vi hơn bằng cách tạo ra những sàn “ảo”, hướng các nhà đầu tư gửi tiền vào đó để giao dịch kiếm lời. Sau một thời gian, các sàn giao dịch “ma” này thường biến mất một cách đột ngột, mang theo tất cả vốn liếng, tài sản của các nhà đầu tư, để lại là sự hoang mang tột cùng, cũng như suy nghĩ sai về tiền KTS.

Nếu thời gian tới khi hành lang pháp lý tại Việt Nam rộng mở hơn đối với tiền KTS, theo ông nhà đầu tư cần có bước chuẩn bị gì để nhanh chóng hội nhập?

Ông Phan Đức Nhật: Trong thời gian tới, để nắm bắt xu thế phát triển tiền KTS trên thế giới, tôi cho rằng trước tiên Việt Nam cần sớm xác định quan điểm đối với vấn đề này để có lộ trình, giải pháp quản lý phù hợp. Tiếp theo là hướng đến xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự hình thành của đồng tiền KTS. Để từ đó làm nền tảng phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền KTS.

Để làm được điều đó, chúng ta phải có cả một chiến lược giáo dục tài chính gắn với sự phát triển của công nghệ, đồng thời hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền KTS, những lợi ích, rủi ro và giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, chống trốn thuế và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền KTS phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo cam kết hội nhập, đảm bảo an toàn, an ninh mạng, an toàn tài chính quốc gia và toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

ST


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: