Khách đến “phố cơm trắng” đủ mọi thành phần, người vô gia cư, người lao động nghèo, sinh viên, thậm chí cả những người giàu sang, công nhân viên chức thi thoảng cũng tới mua cơm vì không có thời gian để nấu. Đoạn cuối đường Nguyễn Thông (gần ga Sài Gòn, quận 3, TP.HCM) còn được gọi là “phố cơm trắng” bởi đây là nơi rất nhiều cửa hàng treo biển chỉ bán cơm không. Nơi đây tập trung nhiều người lao động đủ ngành nghề, từ công nhân, xe ôm, người bán báo cho đến thợ đánh giày… nhu cầu ăn uống của họ cũng khá đơn giản, chủ yếu cho no cái bụng, đủ sức làm việc mà không cần màu mè thức ăn, gia vị, đôi khi chỉ cần một ít cơm trắng, dưa, cà muối cũng qua một ngày. Gọi là phố nhưng thật ra ở đây cũng chỉ có 4 đến 5 quán bán cơm trắng nằm rải rác xen lẫn với những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Những người chủ quán ở đây cho hay, người bán cơm trắng như họ chẳng bao giờ mong ước giàu lên từ việc này. Bởi mỗi ký cơm trắng, người bán chỉ lãi từ 500 đến 1.000 đồng. Mỗi ngày bán được khoảng 50kg đến 60kg gạo. Đa số người bán cơm nơi đây chỉ lấy công làm lãi. Quán của chị Nguyễn Thị Thanh Nga, bán cơm trắng ở đường Nguyễn Thông đã 15 năm nay, khách vào mua liên tục, 4 người làm vẫn không kịp. Chị cho biết: “Khách đến mua cơm trắng đủ mọi thành phần, không những người vô gia cư, lao động nghèo, sinh viên mà còn có những người giàu sang, công nhân viên chức không có thời gian để nấu. Cơm loại thường có giá 6.000 đồng/kg, cơm ngon hơn thì 8.000 – 10.000 đồng/kg”. Những nồi cơm trắng hàng ngày phục vụ khách. Cửa hàng của chị Nga là một căn phòng nhỏ, trong đó đầy ắp những nồi hấp cơm ngoại cỡ, thêm một bình gas 12kg là vừa đủ diện tích. Nhiều loại gạo được chứa trong những cái khay lớn để tiện cho việc nấu cơm khi khách vào mua quá nhiều. Bác Nguyễn Hoài Thanh vừa cầm trên tay túi cơm trắng vừa chia sẻ: “Tôi bán vé số cũng được hơn 7 năm, mỗi ngày tiền lãi chưa tới 100.000 đồng. Tôi hay mua cơm không ở đây về ăn với mắm cho qua ngày, không cần cao lương mỹ vị gì, phải tiết kiệm tiền để còn lo cho gia đình”. Còn bạn sinh viên Trần Viết Phương vừa mua 8.000 đồng tiền cơm, cho biết: “Phòng em có 4 đứa, toàn sinh viên nghèo, chi phí học hành, sinh hoạt ngốn hết số tiền mà ba mẹ ở quê phải tích góp để gửi lên. Thế nên hằng ngày, bọn em phải mua ít cơm, thêm dưa cà, rau là đủ bữa. 4 đứa đi ăn cơm bụi cũng gần 200 nghìn rồi”. Chị Hồng cũng là một người bán cơm ở đây. Mỗi ngày chị phải dậy từ 4 đến 5 giờ sáng, cùng chồng loay hoay chuẩn bị gạo nấu nướng rồi hì hục đẩy xe ra bán ở gần ga Sài Gòn cho đến tối muộn. “Bán được nhất là từ 9h sáng đến giữa trưa. Vì những người lao động nghèo ít ăn bữa sáng, họ chỉ ăn bữa trưa cho no để có sức làm tới chiều tối”, chị cho hay. Sau những giờ chạy xe ôm mệt nhọc, anh Phong thường ghé lại để mua cơm về cho hai đứa con nhỏ đang chờ ở nhà. Vì người nghèo tập trung đến phố cơm trắng khá đông nên nhiều nhà hảo tâm cũng tìm đến đây để trao những món quà từ thiện. Là một Việt kiều vừa trở về từ Mỹ, dù căn bệnh khớp hành hạ, khiến việc đi lại khó khăn nhưng chú Tư vẫn đón xe ôm vội vàng đến “phố cơm trắng” tìm gặp những người có hoàn cảnh khó khăn để trao số tiền giúp họ mua thêm thức ăn, thay vì chỉ ăn cơm trắng quanh năm suốt tháng. “Ngày trước, ở đây có nhiều quán bán cơm trắng lắm, nhưng vài năm trở lại đây thì người ta hết bán rồi, chỉ còn lại vài quán thôi, chắc là do tiền lãi ít quá, họ không đủ sống. Xã hội càng ngày càng phát triển thì những quán cơm như thế cũng dần biến mất, không biết rồi chúng tôi sẽ mua cơm ở đâu để ăn”- một người thu mua ve chai lo lắng. Theo Hải Âu / Mask Online