Không mong thưởng lớn, chỉ cần Tết được về đoàn tụ với gia đình


Cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, nhiều người trẻ làm việc xa quê chỉ mong có thể đoàn tụ gia đình sau một năm đầy biến động, khó khăn.

Đặng Quỳnh (26 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) vừa đặt vé máy bay để chuẩn bị về quê Nghệ An đón Tết Nguyên đán. Do dịch bệnh và lệnh phong tỏa kéo dài, đây là năm đầu tiên Quỳnh không về thăm nhà lâu đến vậy.

“Đợt trước, mình định về sau dịp lễ 30/4 nhưng phải hủy vì đúng lúc dịch bùng mạnh. Đến tận giữa tháng 10 khi chị gái sinh em bé mình cũng chưa thể về. Sau một năm xa nhà, mình thực sự háo hức gặp lại người thân”, cô nàng tâm sự với Zing.

Đặc thù công việc có thể làm từ xa, Quỳnh đã xin được về sớm hơn một tuần so với lịch nghỉ Tết mọi năm, song cô vẫn lo lắng lịch trình có thể bị ảnh hưởng nếu dịch bùng phát mạnh.

Giống như Đặng Quỳnh, nhiều bạn trẻ đi làm xa nhà đang rục rịch chuẩn bị cho ngày đoàn tụ gia đình. Với nhiều người đang ở vùng dịch như TP.HCM hay Hà Nội, bên cạnh nỗi lo thu nhập giảm, họ còn sợ dịch bệnh phức tạp sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch về quê.

Do dịch bệnh, nhiều bạn trẻ lo ngại việc đi lại, về quê dịp cuối năm.

Không mong thưởng Tết lớn

Hơn nửa năm nay, các dự án đồng loạt đóng băng, thu nhập của Quỳnh bị giảm hơn một nửa. Cô cũng chuẩn bị sẵn sàng tinh thần không có thưởng Tết lớn dù lãnh đạo công ty luôn nhấn mạnh “sẽ cố gắng thu xếp”.

Những năm trước, cô thường chờ đợi tiền thưởng cuối năm và lương tháng 13 để mua sắm thêm cho gia đình và biếu bố mẹ vào dịp Tết. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, Quỳnh cố gắng thắt chặt chi tiêu, dành ra một khoản nhỏ để về quê.

“Mỗi lần gọi về nhà, mình cũng tâm sự với mẹ là năm nay khó khăn hơn, sợ không đủ tiền mua quà cho bố mẹ, anh chị và cả cháu. Mẹ hiểu tình hình nên bảo chỉ cần mình về thôi, chẳng cần mua sắm gì cho tốn kém. Mẹ còn trêu ‘Nếu mà túng quá, thì mẹ đưa tiền hồi môn lấy chồng cho mà tiêu trước'”.

Năm ngoái, Hiên (27 tuổi, quê Hà Tĩnh), làm quản lý tại một xưởng sản xuất ở Bình Dương, đã lỡ một cái Tết cùng gia đình do dịch. Cô đang háo hức đếm từng ngày để lên đường về đoàn tụ cùng người thân.

Từ khi dịch bùng phát mạnh, công ty của Hiên thực hiện chủ trương “3 tại chỗ”. Đến nay, cô đã ăn ở và làm việc trong văn phòng suốt hơn 5 tháng. Cảm giác bức bối càng khiến cô mong chờ ngày nghỉ lễ.

Nhiều người đang làm việc tại TP.HCM lo lắng dịch bệnh bùng phát cận Tết sẽ ảnh hưởng đến lịch trình về quê.

“Thời gian ở trong công ty với mình là giai đoạn khá khủng hoảng, khi liên tục chứng kiến nhiều đồng nghiệp trở thành F0, có cả những ca tử vong. Mình cũng là F0 mới khỏi bệnh, nhưng đã tiêm 2 mũi vaccine nên chỉ bị nhẹ. Có lần gọi về cho mẹ và các em, mình bật khóc vì quá nhớ nhà và tủi thân, nhưng không dám kể chuyện bị nhiễm bệnh”.

Thời gian này, công xưởng của Hiên đang thiếu nhân sự, lãnh đạo khuyến khích nhân viên ở lại làm xuyên Tết với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, nữ quản lý 27 tuổi nói rằng nhất định sẽ về quê nghỉ Tết.

“Thời gian dịch bệnh, vì làm việc liên tục nên mình không gặp khó khăn về tài chính, thậm chí có chút dư dả tiền bạc vì suốt ngày ở trong công ty, không có chỗ tiêu tiền. Nhưng những ngày qua, mình nhận ra điều quan trọng nhất là gia đình và sức khỏe chứ không phải tiền bạc. Giờ mình chỉ muốn được đoàn tụ thôi”.

Chờ ngày đoàn tụ

Khoảng thời gian này mọi năm, những cuộc gọi video của H.A. (26 tuổi, làm việc tại Hà Nội) và mẹ ở quê đã bắt đầu xuất hiện chủ đề nghỉ lễ, mua sắm đồ Tết hay các kế hoạch thăm thú họ hàng.

Tuy nhiên năm nay, phần lớn cuộc nói chuyện của hai mẹ con chỉ xoay quanh tình hình dịch bệnh, nỗi lo không thể đoàn viên, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

“Quê mình ở Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150 km. Làm việc trong ngành báo chí, mình không quá bị khắt khe về thời gian làm việc nên dịp cuối năm, mình thường chủ động sắp xếp công việc về với gia đình sớm nhất có thể. Song hiện giờ, cả Hà Nội và quê mình đều ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, mình lại di chuyển bằng xe khách, cũng khá lo nếu tình hình cứ tiếp tục diễn biến như vậy”, cô nói với Zing.

Do các đợt bùng phát dịch, 7 tháng qua, H.A. chưa về thăm nhà ngay cả khi xe di chuyển liên tỉnh được hoạt động trở lại vì lo ngại nguy cơ lây lan virus, em trai cô cũng ở yên tại ký túc xá kể từ khi trở lại trường đại học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi tháng 2.

“Đây là lần đầu tiên cả hai chị em cùng xa quê lâu như vậy, ở nhà chỉ còn bố mẹ lủi thủi. Thời gian qua, cả nhà cũng thường xuyên động viên nhau, cố gắng tự giữ an toàn trong thời điểm dịch bệnh. Dù mẹ hay đùa bảo nếu dịch vẫn dữ quá, hai đứa cứ ở lại Hà Nội, bố mẹ ‘đỡ’ phải làm nhiều bánh chưng, lạp xưởng, nhà bớt tiếng chị em cãi nhau chí chóe nhưng mình hiểu khung cảnh đoàn viên luôn là điều bố mẹ mong chờ nhất”.


Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu lên kế hoạch về quê dịp cuối năm.

Ngoài việc đi lại, H.A. cũng dành nhiều sự lo lắng khi nghĩ về khoản thưởng Tết, vốn được mong chờ để sắm sửa cho bản thân và gửi về gia đình vào mỗi dịp cuối năm.

“Mình biết năm nay cơ quan gặp nhiều khó khăn về tài chính nên xác định không quá mong đợi vào số tiền này. Thay vào đó, mình sẽ cố gắng chi tiêu tiết kiệm hơn, để dành ra trước một khoản nhỏ cho việc mua sắm vào những ngày lễ Tết sắp tới. Nói chung, mục tiêu lớn nhất vẫn là có thể cùng gia đình sum họp”.

Đặng Ngọc (25 tuổi, trợ lý giám đốc) cũng chung nỗi lo về việc đi lại dịp cuối năm.

“May mắn là công ty mình thuộc nhóm ngành thiết yếu nên thời gian qua vẫn có thể làm việc tương đối ổn định, khoản thưởng Tết có lẽ vẫn duy trì. Tuy nhiên, mình cũng không kỳ vọng quá cao và tiết kiệm trước một ít để phòng hờ. Điều mình lo nhất là tình hình dịch bệnh phức tạp sẽ ảnh hưởng kế hoạch về nhà dịp cuối năm của mình”.

Quê ở Vĩnh Phúc, có thể di chuyển nhanh chóng bằng xe máy từ Hà Nội song cũng đã lâu Ngọc không về quê. Trước khi có dịch, cô đều đặn về thăm nhà 1-2 tuần/lần.

So với nhiều người quen biết, Ngọc nhận định cô may mắn hơn nhiều vì quê ở gần Hà Nội, có thể chủ động đi lại thay vì phục thuộc vào xe khách, hạn chế khả năng lây lan virus. Song, cô cũng không chủ quan, nhất là khi số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tại Vĩnh Phúc và Hà Nội vẫn còn.

“Có lẽ mình sẽ không về nhà hay di chuyển nhiều nơi vào dịp nghỉ Tết Dương lịch sắp tới. Ưu tiên của mình là giữ nguyên vẹn mọi thứ, cả về sức khỏe và tiền bạc, để có thể cùng gia đình sum họp vui vẻ trong những ngày Tết Nguyên đán”.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: