Bên trong nhà lồng ‘chợ nhà giàu’ Tân Định (Q.1, TP.HCM) vắng hoe và im ắng sau gần 1 tháng mở cửa lại. Cảnh chợ ế ẩm vốn không thể làm nản lòng tiểu thương, trái lại còn làm cho mong muốn bám chợ của họ thêm mãnh liệt. Chợ Tân Định (Q.1) vắng vẻ, đìu hiu Mong muốn “bám chợ”, giữ sạp cho con “Xưa tóc bạc vì tuổi tác, nay bạc đầu do căng thẳng và suy nghĩ nhiều”, bà Nguyễn Thị Thoa (55 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh), người kế thừa sạp bán bánh kẹo của mẹ chồng từ năm 1984 đến nay cười nói khi gặp PV. Bà cho biết bà đóng cửa từ ngày 4.7, đến 10.11 mới mở lại. Sau hơn 4 tháng đóng cửa, bà Thoa phải bỏ đi nhiều món “Ngày thường, cái sạp này là “cần câu cơm”, lúc dịch bệnh giống như rác vậy. Ở nhà biết là đồ này hư đồ kia hết hạn đó nhưng buộc phải xem nhẹ hết. Ngồi đó mà cộng 1 kg điều 250.000 đồng, 1 kg lạp xưởng mấy trăm ngàn là… tâm thần liền đó”, người phụ nữ nói. Cuối tháng 8, các tiểu thương được Ban quản lý tạo điều kiện ra lấy hàng hóa về. Bà Thoa cũng không ngoại lệ, bà lấy món này món kia về chia phát cho người trong nhà và hàng xóm láng giềng trong lúc thực phẩm khan hiếm. Có những món bảo quản được trong tủ lạnh, món nào không bảo quản được thì buộc phải vứt bỏ. Bà Thoa tạm cho 2 nhân viên nghỉ việc, hiện chỉ còn 1 Được biết, khách hàng chủ yếu của sạp này là khách quen và trạc tuổi bà Thoa, U50. Kể từ khi bán lại tới nay, lượng khách giảm đáng kể vì “con cái không muốn cha mẹ ra đường vì dịch bệnh còn phức tạp”, theo bà. Ngày trong tuần khách giảm 60-70%, cuối tuần có tăng chút đỉnh. Bà Thoa trải lòng, bây giờ việc mua bán bị chia sẻ nhiều bởi các siêu thị, trung tâm thương mại xuất hiện, mua sắm online lên ngôi… Dù vậy vẫn còn một bộ phận khách hàng sống tình cảm, thích đi chợ và ghé mua hàng của người quen. “Khi người ta muốn ăn hay mua món gì, trong đầu họ hiện ra phải đi chợ Tân Định. Làm sao để gây ấn tượng, được người ta quan tâm và để vô bộ nhớ vốn không phải chuyện dễ. Mình bán hàng bằng niềm tin, tức khách mua gì đều cho coi, cho thử, đóng gói và hút chân không tại chỗ thì họ mới tin tưởng và ủng hộ lâu dài”, tiểu thương này chia sẻ. Khu vực bán đồ tươi sống ít khách qua lại Theo bà Thoa, mỗi người cần biết bằng lòng với cuộc sống. Riêng tiểu thương như bà đã ăn lộc ở chợ nhiều, lúc dịch bệnh như hiện nay thì mỗi người cần chia sẻ, gánh chịu một chút. Dịch bệnh gây ra nhiều mất mát, nếu còn nghĩ tới vật chất chỉ khiến bản thân mệt mỏi, căng thẳng và xuống tinh thần. Động lực để bà mở cửa mỗi ngày, dù ế ẩm đó là có ra chợ trao đổi buôn bán thì mới nhẹ về tinh thần lẫn thể xác, tối về ngủ ngon hơn. Trong ký ức của người phụ nữ đứng tuổi, chợ xưa chưa được lát gạch bông, chỉ che chắn bằng gỗ hoặc lưới. Còn chợ nay sạp nào sạp nấy đều được dựng lên chắc chắn bằng sắt, buôn bán văn minh chứ không còn “chợ búa” như trước. Tuy nhiên, dù là chợ xưa hay chợ nay cũng đều có những kỷ niệm và niềm vui riêng. Nhiều sạp dán bảng cho thuê hoặc sang lại “Dù dịch bệnh kéo dài 2 năm nay nhưng tôi vẫn thiết tha yêu nghề và muốn bám chợ. Qua trò chuyện, được biết đó cũng là mong muốn của nhiều bạn hàng khác. 2 đứa con gái của tôi đều muốn mẹ giữ sạp để mai mốt tụi nó ra kinh doanh. Thế hệ trẻ bây giờ mà, thích đi làm hơn là ngồi chợ. Nhưng bước lên hàng 4 ra chợ cũng không muộn. Giờ trời cho mình sức khỏe thì mình ráng làm và duy trì vậy”, bà Thoa thành thật chia sẻ. Ra chợ “chỉ thấy người bán, khó thấy người mua” Gần 16 giờ, bà Trần Thị Lệ Hồng (58 tuổi, ngụ Q.1) đã bắt đầu dọn hàng. Bà không muốn bày bán hay ngồi thêm vì chợ vắng hoe, người qua lại hạn chế. 30 năm bán trái cây ở chợ Tân Định nhưng chưa khi nào bà thấy khung cảnh ảm đạm như hiện giờ. Người bán trái cây rất mừng mỗi khi có khách “Buồn quá con ơi, hôm nay gần như không bán được gì. Khách giảm 90% so với trước dịch. Vắng quá nên tranh thủ dọn sớm luôn”, bà vừa nói vừa thở dài ngao ngán. Nhìn sang các sạp trái cây cạnh đó vẫn đang đóng cửa kín mít. Khẩu trang, kính chắn giọt bắn và nước rửa tay là những thứ không thể thiếu trong gian hàng của người phụ nữ U60 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Mấy hôm nay, nghe tin có biến chủng mới, bà Hồng càng thêm lo lắng. Lúc sau, có khách đến đặt mua trái cây, gương mặt bà sáng hẳn. Bà Hồng thu dọn hàng hóa từ 16 giờ Đi sâu vào trong chợ, một hàng vải lụa đa sắc hiện ra, cạnh đó là chủ sạp – bà Nguyễn Thị Thu Tâm (65 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) ngồi trầm ngâm, nhìn về cổng chợ. Nhìn những sấp vải được xếp ngay ngắn trên kệ gần như không dịch chuyển suốt nhiều ngày liền. Sạp vải của bà Thu Tâm bên trong chợ Tân Định Bà Tâm kể, sau mấy tháng giãn cách nghiêm ngặt thì giờ đây lượng khách ra vào chợ giảm hẳn. Khách vãng lai thưa thớt, có khi không người ra vào. “2 năm qua đã có dấu hiệu giảm sức mua, nửa năm nay dịch bệnh căng thẳng nên còn tháng cuối quá đuối. Tình hình này không có nhiều hy vọng, ra chợ chỉ thấy người bán khó thấy người mua. Tôi vẫn cố giữ 3 nhân viên vì không đành lòng cho mấy em nghỉ”, bà buồn nói. Bà Tâm không biết thời gian tới buôn bán thế nào, kinh tế của mình có đủ duy trì và trả lương nhân viên hay không. “Không bán được cũng phải ra, nhiều khi khách quen ghé không thấy mình thì mất mối. Tôi phải lấy số tiền tích lũy sau mấy chục năm buôn bán để xoay xở và duy trì sạp hàng này. Giờ ráng gánh tới khi nào không nổi thì thôi”, bà cho biết. Tiểu thương xếp lại vải một cách ngay ngắn Lối đi không còn đông đúc như giờ này mọi năm Theo: Thanh Niên