Người vẽ truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn


Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông cụ vẫn cặm cụi bên giá vẽ nhằm giữ lại cái hồn của quá khứ qua từng nét cọ. Tiếc rằng, loại hình nghệ thuật mà ông cả đời đeo đuổi lại đang dần mai một.

Người họa sĩ năm nay 75 tuổi, ông Từ Hoa Lợi, sinh ra giữa thủ đô, ngay phố Khâm Thiên “ngay nơi quả bom B52 cuối cùng thả xuống”. Nửa thế kỷ sống giữa Hà Nội và phần còn lại chăm lo cho hàng tranh truyền thần trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, TP.HCM, giờ ông ngồi kể tôi nghe về sự khác biệt giữa cuộc sống Sài Gòn và Hà Nội, cả về thời tiết lẫn những người khách, giữa việc vẽ tranh quảng cáo (công việc thời trẻ của ông tại Đoàn xiếc trung ương) và vẽ truyền thần…

Duy có một điều không đổi, năm mươi năm vẽ tranh truyền thần, ông chưa từng từ chối một bức tranh nào, cũng chưa từng nghĩ đến công việc khác.

Tìm lại cái “hồn” của quá khứ

Khi được hỏi thế nào là một bức vẽ truyền thần đẹp, họa sĩ Từ Hoa Lợi chỉ vào đôi mắt và khóe miệng trên bức tranh đang vẽ một cụ bà, ông bảo: “Mắt và miệng như thế này là một cụ bà kỹ tính, rất khắt khe với con cháu trong nhà…”.

Theo ông, mắt và miệng là nơi tính cách và cái “hồn” của con người được thể hiện rõ nhất, và để vẽ tốt những chi tiết này, ông thường yêu cầu người nhà miêu tả tỉ mỉ không chỉ bề ngoài mà còn cả tính cách, cuộc đời người được vẽ. Thế mới có chuyện một vài vị khách đến nơi ông để tìm lại hình ảnh của mối tình đầu, không hề có hình ảnh rõ ràng mà chỉ là những ký ức đã qua mấy thập niên.

Và rõ là cái “thần” của tranh không chỉ nằm ở chiều cao hay cân nặng của người được vẽ.

sai-gon-nguoi-ve-tranh-1

Ông Từ Hoa Lợi, 75 tuổi, là họa sĩ vẽ truyền thần cuối cùng còn lại ở Sài Gòn.

sai-gon-nguoi-ve-tranh-2

Họa sĩ Từ Hoa Lợi bên hàng tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn.

“Công nghệ” vẽ truyền thần của họa sĩ Từ Hoa Lợi mấy chục năm qua không thay đổi, cũng như tấm danh thiếp mà ông cẩn thận trao cho từng vị khách: Tất cả các chữ đều được viết tay. Yêu cầu quan trọng nhất đối với công việc vẽ truyền thần là đam mê của người họa sĩ. Theo ông, người họa sĩ vẽ truyền thần phải dành tất cả tâm hồn mình cho công việc, nếu đam mê và sự tập trung không đủ lớn, nếu người cầm bút “tơ tưởng” đến những nghề nghiệp khác, họ sẽ phải sớm bỏ công việc này.

Nửa thế kỷ gắn bó với công việc này không những giúp đôi tay ông trở thành thuần thục, nó còn khiến cho đôi mắt ông nhạy cảm và thấu hiểu hơn, tính tình cũng kiên nhẫn và dịu dàng. Ông hay nói: “Chính công việc tạo nên tính cách con người. Cái nghiệp này đã vẽ nên tôi dịu dàng và giàu tình cảm thế này đấy”.

sai-gon-nguoi-ve-tranh-3

Hơn 50 năm từ ngày bước vào nghề vẽ, chưa bao giờ người họa sĩ già nghĩ đến một công việc khác.

Một vị khách khá trẻ mang tấm ảnh cũ của cha mẹ đến nhờ người họa sĩ vẽ ra một bức to hơn, với đề nghị: “Nhờ bác để cha mẹ cháu ngồi sát vào nhau một chút”. Nếu chỉ là phóng lớn và chỉnh sửa, người khách có thể nhờ đến các kỹ thuật hiện đại hơn nhiều. Nhưng có lẽ anh ta trông chờ ở người họa sĩ sự thấu hiểu mà không loại công nghệ nào thay thế được…

“Cuộc sống chẳng bao giờ buồn”

“Tôi đã làm nghề này năm mươi năm nay. Và càng cao tuổi thì sức làm việc chỉ tăng chứ không giảm”, ông hào hứng kể. “Trước đây tôi vẽ được một ngày khoảng 2 – 3 bức; về già rồi, tôi có thể vẽ một ngày đến 5 bức. Thường ngày tôi ngồi vẽ ở đây, đi đúng giờ, về đúng buổi. Ngày mưa hay buổi tối thì tôi vẽ tiếp ở nhà… Trời thương tôi được cái sức khỏe tốt, mấy chục năm chưa từng uống viên thuốc cảm”.

Nhiều năm nay, ông vẫn hàng ngày có mặt trên một góc nhỏ của con đường đông đúc, với chỉ một công việc: thổi hồn vào nhưng bức chân dung.

Bên giá vẽ của họa sĩ Từ Hoa Lợi là hộp dụng cụ cũng dạn dày thâm niên như ông. Ông ngồi minh họa công dụng của từng loại dụng cụ. “Đây là bút vẽ – được dùng tre vót nên – khi vẽ chấm với loại thuốc vẽ chuyên dùng cho tranh truyền thần. Cây bút này tôi dùng cả chục năm nay rồi, không biết khi nào mòn hết để thay nữa”.

“Còn đây là dụng cụ tạo bóng. Đầu lọc thuốc là để tạo bóng đậm, lớn; trong khi đó, bông sẽ dùng để tạo bóng nhạt. Tất cả đều do tôi tự chế đấy!”.

Hơn 50 năm từ ngày bước vào nghề vẽ, chưa bao giờ người họa sĩ già nghĩ đến một công việc khác.

Hai mươi năm nay, chốn đi về của ông họa sĩ tuổi “thất thập cổ lai hy” này là căn phòng trọ nằm trên đường Điện Biên Phủ, chỉ cách hàng tranh hai căn nhà. “Nhà này là của một gia đình người Bắc cho thuê, còn căn nhà cho tôi mượn chỗ đặt hàng tranh là của vợ chồng nghệ sĩ Thái Mạnh Hiển, người làm cùng tại Đoàn xiếc trung ương trước đây. Ở đây, tôi được sống giữa tình đồng hương, đồng nghiệp, hằng ngày làm công việc mình đam mê cả đời, cuộc sống chẳng bao giờ buồn”.

Hàng tranh truyền thần của họa sĩ Từ Hoa Lợi nằm ở số 596 Điện Biên Phủ, chỉ có chỗ để dựng một hoặc hai chiếc xe máy. Thật may là hàng tranh của ông cũng không mấy khi đông khách đến nỗi phải chen chúc nhau. Chỉ là giữa Sài Gòn này, đều đặn vẫn sót lại những con người đi tìm lại những hình bóng xưa cũ, những dư vị của quá khứ được nâng niu bởi bàn tay người nghệ sĩ già.

Ông nói, niềm vui của ông là nhìn những gương mặt hạnh phúc của khách hàng khi họ gặp lại người họ thương yêu qua nhưng bức tranh truyền thần của ông.

Theo: Infonet


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: