Nhiều người hay gọi bờ hồ Xuân Hương, Đà Lạt là “xóm đậu nành không ngủ”. Xóm thường họp vào chập tối, duy trì đến khuya hoặc rạng sáng hôm sau. Bờ hồ Xuân Hương đầy gió, lạnh căm từ đêm muộn đến rạng sáng trong ngày đầu tiên của năm mới 2022. Nhiệt độ lúc này khoảng 11-14 độ C. Dưới gốc những cây thông già ven hồ, nhiều bếp lửa được hơn chục người bán hàng thắp lên, bên cạnh là gánh đồ ăn và những vị khách chơi Tết lúc đêm muộn. Nhiều người Đà Lạt hay gọi đây là “xóm đậu nành không ngủ”, một cái tên đặc biệt của thành phố ngàn hoa. Xóm sẽ họp vào chập tối, duy trì đến khuya hoặc rạng sáng hôm sau. Bà Trúc nhóm bếp lửa sưởi bên bờ hồ Xuân Hương. Trắng đêm chờ khách Bà Trúc không phải người bản xứ nhưng có thâm niên hàng chục năm sống ở Đà Lạt, làm nghề bán sữa đậu nành nóng và một số món ăn vặt ven hồ Xuân Hương. Quầy hàng của bà đơn giản chỉ là một quang gánh và hai cái bếp. Vị trí ngồi chờ khách của bà khá thuận lợi vì ngay cạnh vòng xoay trung tâm thành phố, cách chợ đêm Đà Lạt mấy chục bước chân. Tối đầu tiên của năm mới, bà Trúc dọn hàng chờ khách. Vì đúng dịp Tết Dương lịch, bà bán được nhiều hơn những ngày bình thường đôi chút. Những du khách mặc đồ rét, tay trong tay đến quầy hàng của bà ăn uống rồi nhanh chóng rời đi. “Tôi thích quang cảnh Đà Lạt về đêm với đường phố hun hút, những ngôi nhà đặc trưng, hàng thông ven hồ Xuân Hương, ánh đèn vàng trong thời tiết lạnh lẽo. Nhiều người đến đây thường có cảm giác quyến luyến. Mọi thứ đều rất đẹp, dịu hiền, bình lặng như mặt nước hồ đêm”, tranh thủ lúc vắng, bà nói chuyện với tôi. Quầy bán sữa đậu nành nóng, đồ ăn vặt của bà Trúc. Trong hơn 3 tháng cao điểm của dịch Covid-19 tại Đà Lạt, bà Trúc không thể làm nghề vì du lịch đóng băng, đường phố luôn vắng người. Mất nguồn thu nhập chính, bà trải qua những tháng ngày khó quên nơi quê người khi vừa chống dịch, vừa cố tiết giảm chi tiêu. Thật may là nguồn tiền tiết kiệm vẫn đủ để bà vượt qua chuỗi thời gian buồn tẻ giam mình trong phòng trọ. Khi dịch Covid-19 hạ nhiệt, bà mới trở lại công việc khoảng 1 tháng nay. Xếp lại mấy thanh củi khô trong bếp lửa, bà Trúc đặt tay vào sưởi ấm. Lúc có khách, bà nhường bếp cho những ai cần. Hầu hết người đến quầy hàng của bà đều mong muốn được đến gần bếp để tránh lạnh. “Tối nào tôi cũng đến đây bán sữa nóng, khoai lang, bắp, trứng gà nướng. Dịp Tết Dương lịch, tôi bán hàng suốt đêm. Còn những ngày trước đó, tôi chỉ đến đây từ chập tối, khoảng 0h sẽ về”, bà Trúc kể. Mỗi năm chỉ có một vài lần lễ, Tết, bà muốn tranh thủ để có thu nhập. Ly sữa nóng có giá 10.000 đồng. Hột gà nướng, bắp nướng… cũng tầm 15.000-20.000 đồng. Một đêm như vậy, bà sẽ kiếm được khoảng 300.000 đồng. Còn những ngày thường, mỗi tối bà có thu nhập chỉ khoảng 150.000-200.000 đồng. Ông Hòa không còn chạy taxi, hiện việc bán hàng mỗi đêm ven hồ Xuân Hương là công việc chính. Cách chỗ của bà Trúc vài bước chân là quang gánh của ông Hòa và ông Phương, cùng quê ở Đồng Nai. Cả hai đến Đà Lạt đã gần 10 năm, chủ yếu hành nghề bán sữa nóng và ít món ăn vặt ven hồ. Giống bà Trúc, cả hai ông cũng bán xuyên đêm trong dịp Tết Dương lịch. “Em uống miếng rượu được không? Ấm lắm đó”. “Dạ được. Xong em mua ít bánh tráng nướng”. “Ừ, cứ nhậu, giảm cho 5.000 đồng mỗi món”. Nhâm nhi cốc rượu trắng, ông Hòa nói năm mới nhưng lòng ông vẫn ngổn ngang tâm sự. Trước đây, ban ngày ông chạy taxi, ban đêm bán thêm ít món ăn uống ven hồ Xuân Hương. Nhưng từ khi có dịch Covid-19, taxi không được phép hoạt động. Cũng vì đó, ông quyết định bỏ nghề, chỉ tập trung bán hàng mỗi tối, thu nhập giảm 1/3. Ông Hòa tâm sự về công việc hiện tại và những boăn khoăn, thiếu thốn khi mọi thứ bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. “Mấy hôm nay khách đến Đà Lạt lưu trú khá đông. Anh em chúng tôi bán cũng chạy hàng hơn. Còn lúc trước thì ế lắm…”, ông Hòa đang nói dở thì cơn gió mạnh tạt vào quầy hàng khiến mọi thứ xiêu vẹo. Ngay lập tức ông cùng người bạn dùng tay giữ để quang gánh. Những người bán hàng gần đấy cũng í ới gọi nhau giúp bảo quản mọi thứ để không bị gió thổi tung. Càng về sáng, khu bờ hồ Xuân Hương càng đầy gió, cái lạnh hiển hiện rõ rệt hơn. Một vài tiểu thương đã ra về, để lại bếp lửa tắt ngấm. Một vài người khác ngồi co ro sưởi ấm. Có người tựa lưng vào gốc cây thông lớn ngủ gật. Nhiều trong số hơn chục người bán hàng tại đây không phải quê gốc ở Đà Lạt. Họ là những cư dân tứ xứ đến vùng đất này lập nghiệp. Có người mới đến vài năm, có người vài chục năm. Họ giống như dân bản xứ thực thụ, khi có thể kể lưu loát mọi điểm đến và luôn tự hào về vùng đất ngàn hoa. Hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, khó tìm việc. Nghề bán đồ ăn vặt được cho là khá phù hợp vì ít chi phí ban đầu, ít khi lỗ vốn, công việc cũng nhàn hạ. Chỉ có điều họ liên tục thức đêm và phải chịu được cái lạnh ngấm ngầm lúc đêm muộn. Những người bán hàng phần lớn không phải người địa phương, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đối với nhiều người, thời gian ngành du lịch Đà Lạt ngừng hoạt động vì dịch Covid-19 thật sự là thử thách trong năm 2021. Việc không thể làm nghề trong nhiều tháng, thu nhập giảm mạnh khiến tiểu thương mệt mỏi. Đã có không ít người bỏ nghề, rời thành phố ngàn hoa, về lại quê nhà mưu sinh. Những vị khách lúc 0h Hải Triều (TP.HCM) và bạn gái đi hàng trăm km bằng xe máy đến Đà Lạt lúc rạng sáng 1/1 để chơi Tết. Chặng đường đi của đôi bạn mất gần 7 tiếng. Vừa đến trung tâm thành phố, cả hai nhanh chóng tới nơi bán sữa đậu nành nóng ven hồ Xuân Hương. Đây là quán quen của Hải Triều và bạn gái. Nhiều năm trước đó, cũng ở Đà Lạt, nhờ những phút nhâm nhi ly sữa nóng, đi dạo quanh hồ mà đôi bạn dần cảm mến và yêu nhau. Hải Triều và bạn gái đến “xóm đậu nành không ngủ” lúc đêm muộn. “Chỗ này kiểu giống như nhân chứng tình yêu vậy đó”, Hải Triều nói về câu chuyện tình yêu của mình và đùa vui khá thoải mái. Cả hai thích nơi này vì vừa uống sữa nóng, ăn vặt, vừa có thể ngắm một góc hồ Xuân Hương về đêm. Đôi bạn trẻ sẽ dùng hết ngày nghỉ lễ của mình để vi vu thỏa thích ở Đà Lạt, bù cho thời gian khá dài không được đi chơi xa. 3 ngày ở trung tâm Đà Lạt, cứ rạng sáng, Quý và người thân đều ra ven hồ Xuân Hương ăn đồ nướng và uống sữa đậu nành nóng. Đây là cách để mọi người cảm thấy thư giãn, ấm áp, tạo thêm năng lượng cho chặng đường dài trải nghiệm Đà Lạt ở nơi hoang sơ, kỳ thú nằm cách xa trung tâm thành phố. Quý và người thân ngồi quây quần ăn uống và sưởi ấm. Gần 10 người thân, bạn bè của Quý ngồi quây quần bên bếp lửa nhỏ vừa được người bán hàng cho vào thêm ít củi thông khô. “Đến Đà Lạt mà không dành thời gian ngồi uống một ly sữa đậu nành nóng, trong chút giá lạnh, rồi cùng vui với bạn bè thì thật uổng”, Quý nói. Thời điểm sớm mai vừa đến, “xóm đậu nành không ngủ” cũng rục rịch thu dọn quầy hàng, vệ sinh mọi thứ, nhặt rác chuẩn bị ra về, kết thúc một đêm trắng mưu sinh. Những nồi sữa cũng bớt ấm nóng, khi bếp củi không được đốt thêm kể từ 4h sáng. Một vài du khách vẫn ngồi nán lại đến hơn 4h sáng. “Sau 3/1 chắc nơi này lại vắng. Vậy là dịp Tết Dương lịch năm nay, tôi được 3 ngày làm trắng cả đêm. Không ngại mệt, chỉ sợ không có người mua”, ông Hòa vừa dọn quầy hàng vừa nói. Nhiều tiểu thương tại đây có cùng cách nghĩ với ông Hòa. Thật ra chuyện mấy ngày buôn bán từ tối đến sáng lại là mong muốn của họ. Không ai than vãn mệt nhọc. Dịch dã khiến đời sống, cuộc mưu sinh của người “xóm đậu nành không ngủ” thay đổi quá nhiều. “Chỉ mong du lịch trở lại, bà con lại tới Đà Lạt nghỉ ngơi, thăm thú. Chúng tôi vừa bán được hàng, mà thành phố cũng đỡ buồn. Chứ trong dịch, mọi thứ cứ lặng im, rầu lắm”, ông Hòa nói câu cuối, trước khi tạm biệt phóng viên về nghỉ ngơi. Tối nay, khi trời sẩm tối, ông lại có mặt ở đây, với chiếc bếp quen thuộc và nồi sữa ấm nghi ngút. Theo: Zing news