Với chị Thủy và anh Jack, “Chốn Thường Xuân” không chỉ là ngôi nhà mà là hành trình thách thức, thú vị khi bắt tay vào thực hiện điều chưa từng thử trước đây. Vài tháng qua, nhiều người bị thu hút và tò mò bởi ngôi nhà bằng tre có kiến trúc độc đáo ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nơi này có tên “Chốn Thường Xuân”, nằm bên sườn dốc, xung quanh là những gốc bơ, cà phê và vườn rau xanh mướt. Đây là công trình tâm huyết của vợ chồng chị Đặng Thị Thanh Thủy và anh Jack (quốc tịch Hà Lan). Chia sẻ với Zing, chị Thủy cho hay: “Vợ chồng mình nghỉ việc về dựng nhà, hiện làm các sản phẩm để bán như móc len, đồ uống healthy, trồng rau. Ngôi nhà là ước mơ của ông xã nên được làm khá kỳ công, còn hiện tại, gia đình mình theo đuổi lối sống tối giản, tự cung tự cấp nhiều nhất có thể”. Ngôi nhà tre của vợ chồng chị Thủy và anh Jack được hoàn thiện sau 8 tháng. Dám thực hiện ước mơ Năm 2019, khi anh Jack đang là kỹ sư ở Hàn Quốc, còn chị Thủy làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Nội, hai người quyết định về Đà Lạt định cư vì thích khí hậu và nhịp sống nơi đây. Hai năm sau, vợ chồng chị Thủy tìm được mảnh đất ưng ý và nghĩ tới việc dựng nhà. Từ nhỏ, anh Jack luôn mơ ước sau này có thể tự tay thiết kế và xây dựng ngôi nhà của riêng mình. Nhân cơ hội bị kẹt lại ở nước ngoài vì dịch Covid-19, anh có nhiều thời gian suy nghĩ về điều đó. “Tôi lên mạng tìm hiểu nhiều ý tưởng khác nhau nhưng không cảm thấy hứng thú với những ngôi nhà vuông vức. Tôi cũng muốn căn nhà phải phù hợp với địa thế của miếng đất đã mua, đồng thời không đào xới quá nhiều vì như vậy không tốt cho cây cối sau này. Trong quá trình đó, tôi đọc rất nhiều về nhà tre, thấy đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường, độ bền cao, lại có thể tạo ra những hình thù rất tự nhiên nên tôi bắt tay vào thiết kế. Tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ những ngôi nhà tre ở Bali, Indonesia”, anh nói. Không chỉ thiết kế, anh Jack bắt tay vào làm mô hình nhà bằng những que tre xiên nướng và thử ngồi lên trên kết cấu đó để kiểm tra khả năng chịu lực. Khi về Việt Nam, anh cùng vợ bắt tay vào thực hiện từ tháng 1/2021. Cặp vợ chồng mong muốn xây dựng ngôi nhà thân thiện với môi trường. Trong khi đó, chị Thủy luôn mơ về căn nhà gỗ vuông vức, nhỏ nhắn, gọn gàng. Khi anh Jack nói muốn làm nhà tre, dù hiểu lợi ích của loại vật liệu này đối với môi trường, như thời gian tái sinh nhanh hơn gỗ, độ bền tốt, lúc phá đi không để lại rác khó phân hủy, chị vẫn cảm thấy khó xuôi. “Nhưng rồi mình nhớ lại từ những ngày đầu mới quen nhau, Jack luôn nói về ước mơ tự tay xây nhà. Nhiều năm nay, anh ấy mơ về mảnh vườn màu mỡ, mỗi chiều ngồi nhìn ra thung lũng. Anh cũng bảo bản thân đã từ bỏ rất nhiều ý tưởng vì mọi người đều bảo chúng hão huyền. Mình tự hỏi bản thân ‘Mình là vợ kiểu gì nếu không thể ủng hộ chồng theo đuổi ước mơ?’. Thế là mình gật đầu với anh”, chị Thủy nhớ lại. Những ngày đầu thi công, chị Thủy không dám đăng lên mạng xã hội vì vợ chồng chị đều không chắc chắn sẽ thành công. Họ sợ ngôi nhà sập khi còn chưa đưa vào sử dụng. Với chị Thủy và anh Jack, căn nhà có nhiều ý nghĩa vì chính tay họ làm nên. Căn nhà độc đáo Ban đầu, ngoài khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, chị Thủy và anh Jack còn không dễ thuê được thợ làm phần móng bê tông. Một số từ chối vì cho rằng thiết kế không khả thi. “Khi thuê được người đồng ý làm, vợ chồng tôi phải ở đây mỗi ngày để giám sát công trình và chỉ cho họ biết nên làm gì. Họ chưa bao giờ làm căn nhà giống như vậy nên việc trao đổi cũng gặp nhiều khó khăn”, anh Jack nói. Là phụ nữ, không có kinh nghiệm xây nhà nhưng vì chồng không thể nói tiếng Việt, chị Thủy phải đứng ra kết nối hai bên và đảm nhận nhiều công việc khác. Trong quá trình thi công, nhiều người ghé qua và hỏi xem bản vẽ thiết kế của ngôi nhà. Họ thường cười và không hiểu vợ chồng chị đang làm gì. Sau 8 tháng, ngôi nhà được dựng nên từ 500 cây tre gai, 300 cây tầm vông, 3 tấn mái guột; 6 khối đá cuội suối làm móng; sàn được lát gỗ. Kết cấu gồm có 3 phòng ngủ, một phòng khách, bếp, ban công, nhà tắm và vệ sinh. Lúc này, vợ chồng chị Thủy mới thở phào nhẹ nhõm vì công trình trụ vững qua mùa mưa bão. “Chúng tôi muốn tự tay làm mọi thứ nhưng khi đó, mùa mưa Đà Lạt kéo đến, việc đi lại và lao động đều rất vất vả. Để kịp dọn vào nhà mới, vợ chồng tôi thuê người giúp làm sàn và tường bên trong nhằm đẩy nhanh tiến độ. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp hơn kỳ vọng”, anh Jack nói. Anh Jack tự làm nhiều đồ nội thất trong nhà. Do thiết kế độc đáo của ngôi nhà, vợ chồng chị Thủy làm thủ công nhiều đồ nội thất như cửa, giường, giá sách, bàn, ghế, tủ quần áo, rèm cửa… để phù hợp với không gian. Đặc biệt, tự tay anh Jack cùng 2 con làm cho chị Thủy căn bếp nhỏ. Anh đo đạc kích cỡ phù hợp, chọn vị trí đẹp để khi nấu ăn vợ có thể vừa ngắm vườn, vừa nhìn chồng lao động. Anh Jack và chị Thủy học hỏi được rất nhiều điều khi tự tay làm mọi thứ mình muốn. Ngôi nhà vốn được lên ý tưởng với hình dạng giống lá thường xuân. Bởi vậy, cái tên được chọn đặt cũng liên quan tới loài cây này. Chị Thủy thêm vào chữ “chốn” với ngụ ý đây là nơi trú ẩn an toàn và thoải mái cho gia đình mình. Với anh Jack, “Chốn Thường Xuân” không chỉ là ngôi nhà, mà còn là hành trình đầy thách thức, thú vị. Trong khi đó, chị Thủy coi đây là bằng chứng của việc dám mơ ước và theo đuổi nó. “Đó cũng là hành trình gia đình mình cùng học hỏi, tôn trọng và ngưỡng mộ nhau, không chỉ là giữa hai vợ chồng mà cả với các con. Chúng học cách cởi mở với những lựa chọn lối sống khác nhau và chấp nhận những khác biệt đó. Các con cũng được truyền cảm hứng để tin vào khả năng sáng tạo, mơ mộng không giới hạn của mọi người. Jack bảo ‘Giới hạn duy nhất trong cuộc sống là những gì bạn có thể nghĩ ra’”, chị nói. Các góc trang trí độc đáo trong căn nhà của vợ chồng chị Thủy. Ảnh: NVCC, Thiên Cung, Đồng Lam. Sống thuận tự nhiên Sau khi bỏ phố về rừng, chị Thủy và anh Jack hướng đến lối sống thuận tự nhiên, bền vững, tự cung tự cấp thực phẩm nhiều nhất có thể. Theo họ, muốn làm điều này, một khu vườn để trồng trọt là điều cần thiết. Hai vợ chồng làm nhà vệ sinh khô để có thể tận dụng ủ phân sử dụng trong vườn. Anh Jack cũng tỉ mẩn đào mương dẫn nước quanh vườn để tái sử dụng nước xả từ sinh hoạt gia đình. Anh dành rất nhiều thời gian để học về đất, cây cối, vi sinh vật, côn trùng… để cố gắng xây dựng hệ sinh thái tự nhiên khỏe mạnh. Khi có thời gian, anh Jack chia sẻ lại những thông tin này với vợ để chị hiểu thêm. “Sẽ rất nhàm chán nếu ăn một loại rau ngày này qua ngày khác nên chúng mình trồng đủ loại, từ bắp cải, rau chân vịt, các loại đậu, khoai, cà chua đến hành, tỏi, gừng, chanh. Nhờ đó, việc đi chợ mua thực phẩm cũng được giảm bớt”, chị Thủy cho biết. Anh Jack nói thêm: “Vợ chồng tôi không chỉ có rau mà còn có nhiều cây ăn quả trong vườn. Chúng tôi cố gắng trồng trọt mọi thứ theo cách tự nhiên, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu. Mọi thứ đang diễn ra thuận lợi”. Vợ chồng chị Thủy trồng rau trong vườn để tự cung tự cấp thực phẩm sạch. Với mong muốn gia đình được ăn, uống sạch và lành mạnh, chị Thủy tự mày mò làm nhiều thứ như kombucha (trà lên men), bia gừng để thay thế các loại đồ uống có đường. Từ việc chỉ làm cho chồng, con thưởng thức, đồ uống của người mẹ được nhiều người biết mình và hỏi mua. Nhờ đó, chị có thêm thu nhập. Trước đó, chị Thủy cũng tình cờ “startup” với các sản phẩm len handmade. “Hàng ngày, mình vẫn lên men trà, ủ bia và đan móc, kiếm tiền chậm rãi nhưng không áp lực, bon chen. Chồng lo chăm vườn để sau này có thể tự cung trong nhà. Vì tiền kiếm chậm, chúng mình cũng tiêu chậm, cân nhắc từng món đồ, từng nhu cầu, để không tạo ra căng thẳng tài chính. Mình cũng nỗ lực giảm, thậm chí dừng hẳn mua sắm trong vòng 2 năm qua. Trong tủ đồ của mình, khoảng 50% là cũ, 40% mua mới nhưng đều có tuổi thọ 2-8 năm, 10% mình tự làm hoặc sửa lại, chủ yếu là đồ len”, chị nói. Gia đình chị Thủy cố gắng tự làm và tái chế mọi thứ. Họ thường cân nhắc nhiều lần trước khi mua món đồ mới để đảm bảo tính hữu dụng của nó. Nói về cuộc sống hiện tại, anh Jack chia sẻ: “Gia đình tôi đang sống trong thung lũng nhỏ, ở ngôi làng cách thành phố 25 km. Có những người hàng xóm ở phía bên kia ngọn đồi. Cuộc sống chậm lại nhưng tôi không thấy nhàm chán vì có rất nhiều việc để làm. Mỗi ngày, cả nhà tôi dành thời gian đi dạo cùng nhau và tập trung chăm sóc bản thân nhiều hơn”. “Giờ mỗi khi có việc vào thành phố, mình lại cảm thấy choáng ngợp với không khí quá bận rộn”, chị Thủy cười nói. Các con của chị Thủy trở nên dạn dĩ và yêu thiên nhiên hơn khi theo bố mẹ bỏ phố về rừng. Theo người mẹ, các con chị cũng thay đổi theo hướng tích cực từ khi về vùng quê. “Chỉ sau 2 tháng về nhà mới, các con nhìn thấy nhiều loại côn trùng hơn cả chục năm cộng lại. Thế nên, chúng thích chạy nhảy ngoài bãi cỏ để quan sát. Con trai mình cũng trở nên hứng thú với việc trồng cây. Mỗi sáng, trước khi đến trường, con lại chạy ra vườn kiểm tra xem cây mình trồng đã lớn như thế nào. Bạn ấy muốn trồng thêm nhiều cây hơn và góp phần bảo vệ môi trường”. Khi được hỏi về xu hướng bỏ phố về quê, đặc biệt ở giai đoạn hậu Covid-19, chị Thủy nhắn nhủ: “Không có gì là không thể. Nhưng đầu tiên, mọi người cần chuẩn bị về tài chính, tâm lý cho bản thân và cả con cái. Mọi lựa chọn về lối sống đều có mặt tích cực lẫn tiêu cực, càng tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng thì quá trình thích nghi càng dễ dàng hơn”. “Mình mong mọi người suy nghĩ cẩn thận và hiểu rằng chuyển về nông thôn không phải là giải pháp cho mọi vấn đề mà bạn gặp trong cuộc sống ở thành phố. Ở đâu không quan trọng bằng việc bạn sống như thế nào. Dù ở thành phố hay nông thôn, nếu học được cách yêu thương, trân trọng bản thân và cuộc sống thì bạn sẽ luôn tìm thấy sự bình an, hạnh phúc trong tâm hồn. Hãy sống theo cách mình muốn, vì ai cũng chỉ sống một lần mà thôi”, chị nói thêm. Theo: Zing news