Du lịch xuyên Tết để được thoải mái, nghỉ ngơi thật sự


Chọn du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều người cho biết họ được nghỉ ngơi, thư giãn, không phải lo chuyện bếp núc, cúng bái.

Sáng 29 tháng Chạp, thay vì dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa hay chuẩn bị mâm cơm tất niên, gia đình chị Vân Anh (Hà Nội) bay đến thành phố Quy Nhơn đón năm mới.

Trước chuyến đi, vợ chồng chị cùng con gái qua nhà nội ăn bữa cơm sum họp đại gia đình.

Chia sẻ với Zing, chị Vân Anh cho hay 10 năm nay, gia đình chị đều du lịch nước ngoài trong dịp Tết Âm lịch. Vì dịch bệnh, 2 năm vừa qua, họ đón Tết ở Việt Nam.

“Chuyến đi nước ngoài gần nhất của gia đình tôi là tới Phuket (Thái Lan) vào Tết năm 2020. Năm ngoái, cả nhà đặt vé đi trong nước nhưng phải hủy và về quê đón Tết. Với tôi, du lịch dịp Tết là cơ hội để gắn kết gia đình”, chị nói.

Du lich xuyen Tet anh 1
Từ khi con gái còn nhỏ, năm nào, gia đình chị Vân Anh cũng đi du lịch ít nhất 2 chuyến trong dịp Tết và kỳ nghỉ hè của con. Năm nay, họ đón năm mới ở Quy Nhơn và Phú Yên.

Được nghỉ ngơi

Chị Vân Anh là sinh ra trong gia đình có 5 anh em ở Yên Bái. Là con gái duy nhất trong nhà, chị vào bếp từ 5-6 tuổi và rửa bát cho đến khi lập gia đình riêng.

“Tôi là dâu trưởng nên phải bếp núc, rửa bát khi nhà có việc. Trước khi ra riêng, vợ chồng tôi ở cùng bố mẹ 11 năm. Mẹ là người giữ gìn văn hóa cổ truyền nên Tết đến bày vẽ rất nhiều món để đãi khách. Từ mấy ngày trước đã chuẩn bị, 30 Tết thì làm cỗ đến nửa đêm, 5h sáng mùng 1 lại phải dậy làm. Suốt ngày nấu cơm, rửa bát nên tôi rất sợ Tết”, chị nói.

Trước kia, chị Vân Anh làm văn phòng nên công việc bận rộn tới 30 tháng Chạp. Mấy ngày Tết, chị không được nghỉ ngơi mà chỉ biết quanh quẩn ở nhà cơm, nước. Thấy gia đình anh chị chồng năm nào cũng du lịch từ mùng 2, có khi rủ cả nhà nội, ngoại đi cùng, vợ chồng chị Vân Anh xin phép bố mẹ làm điều tương tự.

“Vợ chồng tôi đã ở cùng ông bà nội quanh năm. Nhà ngoại thì đông con cháu, trong năm tôi cũng về thăm nhiều nên ông bà không quan trọng Tết tôi phải có mặt ở nhà. Từ đó, cứ dịp Tết đến, xong công việc là gia đình nhỏ của tôi đi du lịch. Tính tôi vốn không thích bếp núc, không quan trọng ăn uống mà mê đi chơi, khám phá hơn. Bởi vậy, tôi cảm thấy thoải mái, được là chính mình hơn khi có cơ hội đi khắp nơi, thay đổi không khí”, chị kể.

Hiện, gia đình chị Vân Anh ở Phú Yên, chuẩn bị bay về Hà Nội vào chiều mùng 6. Trước đó, họ có nhiều ngày ở Quy Nhơn.

“Đến Quy Nhơn vào 29/12 âm lịch, thấy băng rôn, pano, standee treo khắp nơi là ‘thành phố hạnh phúc’, tôi thấy ấm áp, nhớ tới Bhutan – đất nước từng ghé thăm trong dịp Tết. Nếu như ở Hà Nội, chiều và tối 30 Tết thường vắng tanh, thì ở đây, gần sát giao thừa vẫn đông vui, nhộn nhịp khi quán xá, cửa hàng, chợ ẩm thực, khu vui chơi, cà phê đều mở cửa”, chị chia sẻ.

“Cuộc sống này, chỉ mong có thật nhiều trải nghiệm và luôn vui vẻ. Nửa đời trước, Tết với tôi ngày nào cũng là cỗ bàn, cơm nước, rửa bát, nhà sơ sơ mỗi bữa ít nhất từ 8-12 người. Giờ nửa đời cuối, Tết chỉ đi, đi và đi, những người thân cùng xê dịch”, chị nói thêm.

Theo quan điểm của chị Vân Anh, những người ở xa bố mẹ cả năm thì Tết nên về nhà. Với những gia đình đông con cháu hoặc ở cùng ông bà, bố mẹ cả năm, không nhất thiết Tết luôn phải có mặt.

“Người trẻ quan niệm Tết là dịp nghỉ ngơi, an dưỡng, có thời gian rảnh rỗi dài ngày để cùng gia đình nhỏ đi chơi. Tôi nghĩ không có lựa chọn đúng, sai ở đây, chỉ là phù hợp với từng gia đình. Cứ làm điều mà mình thấy hạnh phúc”, chị nói.

Không phải cứ ở nhà mới là Tết

Gia đình Nguyễn Vũ Trang Nhung (22 tuổi, Hà Nội) cũng có thói quen du lịch cùng nhau trong dịp Tết Nguyên đán. Cứ đến chiều mùng 1 hoặc sáng mùng 2, cả nhà sẽ “xách vali lên và đi”.

Trang Nhung cho biết hoạt động này diễn ra thường niên, một phần do sở thích xê dịch của gia đình. Vài năm trở lại đây, gia đình cô chuyển sang đi tour du lịch nước ngoài sau khi đã khám phá nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Một số quốc gia có thể kể đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Du lich xuyen Tet anh 4
Gia đình Trang Nhung đón Tết ở Tokyo (Nhật Bản) năm 2016.

“Xuất ngoại dịp đầu xuân đem lại cho tôi cảm giác về năm mới tràn đầy hứng khởi và niềm vui. Hơn nữa, bố mẹ chỉ được nghỉ ngơi thoải mái vào dịp Tết, phù hợp cho những chuyến du lịch nước ngoài kéo dài 4-5 ngày”, cô chia sẻ với Zing.

Tuy nhiên, đại dịch đã làm cản trở kế hoạch xuất ngoại dịp đầu xuân của gia đình Trang Nhung suốt 2 năm qua. Thay vào đó, họ quyết định nghỉ dưỡng trong nước.

Mỗi Tết, gia đình tổ chức 2 chuyến du lịch, lần lượt đi cùng nhà nội, ngoại. Hiện Trang Nhung ở Mù Cang Chải (Yên Bái) cùng người thân.

Đối với cô, những chuyến đi dịp Tết Nguyên đán mang lại nhiều ý nghĩa, giúp gắn kết gia đình “theo cách rất hiện đại”.

“Hoạt động du lịch cùng gia đình hội tụ đầy đủ yếu tố giúp tôi và các thành viên gia đình có một cái Tết trọn vẹn. Chúng tôi vừa được trải nghiệm những điều mới mẻ cùng nhau, vừa nghỉ ngơi sau một năm làm việc, học tập vất vả. Theo tôi, không phải cứ quây quần ở nhà, cùng nhau ăn bánh chưng thì mới là Tết”, cô chia sẻ.

Trong cái Tết thứ 12 xa nhà, anh Nguyễn Thanh Tuấn (Trà Vinh) và bạn thân rủ nhau đi xuyên Việt bằng xe máy. Hai người rời TP.HCM từ ngày 27/1 (24/12 âm lịch) và cắm trại ở mỗi điểm đến thay vì nghỉ khách sạn, ăn uống nhà hàng.

“Dự định ban đầu của chúng tôi là chạy xe từ TP.HCM tới Hà Nội nhưng thời tiết mùa này biển còn động, gió và mưa nhiều nên chỉ đi đến Đà Nẵng xong vòng lại. Chúng tôi sẽ đi trong 12 ngày, hết mùng 6 về đi làm trở lại. Tổng quãng đường dự kiến cả đi và về là 2.022 km, đúng với con số của năm”, anh Tuấn nói với Zing.

Do công việc trước đây phải trực Tết, anh Tuấn nhiều năm không về nhà vào dịp này. Bố mẹ anh hiểu và thông cảm nên chỉ cần trước ngày 20/12 âm lịch, con trai về quê tảo mộ ông bà, phụ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ cần thiết là họ thấy vui.

Ngoài ra, anh Tuấn ngại Tết một phần vì những bữa tiệc tùng, nhậu nhẹt từ sáng tới tối. Là con út trong nhà, lại không biết uống rượu, bia, anh muốn “trốn” để không bị ép.

Năm nay, anh Tuấn đổi công việc, có thời gian nghỉ ngơi dài ngày vào dịp Tết. Trước 23 tháng Chạp, anh đã về nhà phụ ba mẹ dọn dẹp, mua sắm Tết đầy đủ rồi mới đi “phượt”.

Trên đường đi, anh Tuấn và bạn cắm trại ở nhiều nơi như hồ Tà Đùng (Đắk Nông), hồ Lắk (Đắk Lắk), đập Tân Sơn (Gia Lai), thác Bà Hoàng Mô Ních (Quảng Nam), bãi Nước Ngọt (Ninh Thuận). Đêm giao thừa, hai người kịp tới bãi rêu Nam Ô (Đà Nẵng) hạ trại. Hôm sau, họ được ngắm bình minh, rêu xanh non tượng trưng cho lộc đầu năm.

“Từ 24 tháng Chạp tới mùng 2 Tết hầu như không có khách du lịch, trên đường cũng như các địa điểm du lịch rất ít người. Đặc biệt, 29 Tết tới mùng 3 ngoài đường ít bán cơm, chỉ bán đồ cúng như trái cây, hoa, gà sống, nên để tìm được nơi ăn uống rất khó. Chúng tôi cắm trại tự do, tự lo việc nấu ăn nữa nên cũng có chút khó khăn”, anh kể.

Với anh Tuấn, đây là chuyến đi ý nghĩa và tự do của tuổi trẻ.

“Có thể năm sau, tôi sẽ về quê ăn Tết vì dù sao Tết ở nhà vẫn ý nghĩa hơn”, anh nói.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: