Phố Bùi Viện có còn sức hút với khách Tây?


Ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, do thay đổi diễn ra từ đại dịch, khu phố Bùi Viện (TP.HCM) vẫn vắng vẻ khách Tây.

pho tay bui vien anh 1

“Ôi sao nó khác thế này…” là câu cảm thán đầy bất ngờ của anh Mike Scribner (27 tuổi, quốc tịch Mỹ) khi quay lại khu Bùi Viện sau hơn 2 năm. Người đàn ông ngoại quốc này không còn nhận ra nơi sôi động mà bản thân thường lui tới những năm ở TP.HCM.

Suốt khoảng thời gian đầu về Mỹ, nhiều đêm anh Scribner nhớ về những ngày tháng cùng bạn bè tung hoành khắp những con đường Đề Thám, Bùi Viện, Đỗ Quang Đẩu,… Họ thường hẹn nhau tham gia các buổi bar hopping (đi nhiều quán bar trong một tối – PV). Thông qua đó, Scribner làm quen được nhiều người bạn ở khắp nơi trên thế giới.

Dịp quay lại TP.HCM này, anh tính dành 3 ngày để vui chơi trọn vẹn ở phố Tây Bùi Viện. Nhưng khi trải qua một đêm tại đây, Scribner thay đổi kế hoạch và đặt vé đi Phú Quốc sớm hơn dự kiến.

Trong bối cảnh TP.HCM chính thức mở cửa du lịch, không ít cơ sở kinh doanh ở khu vực phố Tây chưa kịp “chuyển mình”. Người dân tại đây vẫn giữ nguyên việc buôn bán thực phẩm, rau củ quả,… điều mà họ làm suốt gần 2 năm qua khi Bùi Viện phải “nằm im” chờ hết dịch. Tìm lại các quán bar, hộp đêm ở phố Tây lừng lẫy một thời giờ là điều khó khăn cho du khách.

Nuối tiếc phố Tây

“Cái thú của solo-traveller (người du lịch bụi một mình – PV) là cơ hội kết bạn, nếu hợp cạ còn có thể cùng nhau tham gia những chuyến hành trình tiếp theo. Tuy nhiên, Bùi Viện bây giờ không còn những kết nối như vậy nữa”, Scribner nói về một trong những lý do khiến anh thấy nhàm chán.

Nhiều hộp đêm Scribner từng tới trước đây đã bị đóng cửa hoặc treo bảng “cho thuê mặt bằng”. Một số địa điểm vui chơi khác dù còn hoạt động nhưng khá cầm chừng, không còn mang không khí sôi động và náo nhiệt.

pho tay bui vien anh 2
Vị khách Tây ngồi tại quán bar ở Bùi Viện. Ảnh: Chí Hùng.

Dù tiếc nuối, anh Scribner vẫn thấy may mắn khi người dân tại đây đã trụ qua “bờ vực” khủng hoảng vì Covid-19.

“Có thể là 1 tháng, 6 tháng hay một năm nữa thì Bùi Viện mới trở lại được như xưa. Nhưng tôi tin tưởng vào khả năng thích nghi, thay đổi để phát triển của con người”, anh chàng 27 tuổi nhấn mạnh.

“Bùi Viện chỉ dành cho khách du lịch tay mơ mà thôi”, chị Katherine Crotty (35 tuổi, quốc tịch Phần Lan) thốt lên khi được hỏi về phố Tây.

Sống tại Việt Nam hơn 7 năm, chị Crotty đếm trên đầu ngón tay tầm 3 đến 5 lần đến Bùi Viện theo những cuộc vui của bạn bè. “Ai đến TP.HCM ban đầu cũng được chỉ đi thử phố Tây. Nhưng chỉ cần ở đây hơn một năm, bạn sẽ nhận ra thành phố này còn nhiều điểm đến thú vị hơn”, chị nói tiếp.

Dù vậy, hễ có bạn bè ở Phần Lan xin gợi ý từ mình khi đi du lịch, chị Crotty vẫn giới thiệu Bùi Viện.

“Nói đi cũng phải nói lại, chỉ trong vài tuyến đường ở phố Tây bạn có thể dễ dàng trải nghiệm ẩm thực địa phương cũng như chọn cho mình một số quán cà phê, quán bar với tầm giá dễ chịu”, Crotty kết luận.

Theo ghi nhận của Zing, trên tuyến phố lớn Phạm Ngũ Lão, 4/5 những cơ sở tư vấn tour du lịch trong nước đã đóng cửa.

Bắt gặp ánh mắt tò mò của phóng viên, ông Sơn (63 tuổi, hành nghề chạy xe ôm) cho biết một số chủ doanh nghiệp tại đây hiện có nhu cầu sang lại mặt bằng vì ế ẩm.

“Ngày thường họ chủ yếu bán tour cho khách nước ngoài, giờ còn ai đi đâu. Tôi thấy họ để không cửa hàng hơn cả năm rồi”, ông nói.

Sức cạnh tranh từ những nơi thay thế

Bùi Viện có sự pha trộn giữa phố thị sầm uất và nét văn hóa đậm chất Việt. Điểm đặc thù của các dịch vụ ở đây là giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của đối tượng khách du lịch bụi. Thế nhưng, việc “phong tỏa” trong 2 năm đại khu vực này thay đổi theo hướng kém sôi động hơn trước.

Khi “ngã tư quốc tế” hạ nhiệt, những người trẻ và du khách nước ngoài tìm đến các địa điểm mới như tuyến đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh), phường Thảo Điền (TP Thủ Đức).

“Do không bị sức ép tiền mặt bằng nên giá đồ uống có cồn của chúng tôi khá mềm. Trung bình, một ly bia hay cocktail đều dưới 100.000 đồng. Bởi sẽ chẳng ai trả 200-300.000 đồng để đi một quán ở Bình Thạnh với mức giá quận 1”, anh Trung (25 tuổi, bartender quán E. tại khu Phạm Viết Chánh) vừa cười vừa nói.

pho tay bui vien anh 6
Càng về khuya, khu vực đường Phạm Viết Chánh càng đông đúc và nhộn nhịp. Ảnh: Birdy.

Theo ghi nhận, gần khu vực này có nhiều chung cư cũ được người nước ngoài thuê lại. Họ sống gần nhau và tạo nên một hệ sinh thái tương đồng.

Chia sẻ với Zing, anh Trung cho biết quán bar của mình có lượng khách ổn định kể cả những ngày trong tuần.

Vào cuối tuần và dịp lễ, đôi khi nhiều cặp đôi, nhóm bạn phải gọi điện đặt bàn trước mới có chỗ ngồi. Còn không, họ phải đứng chờ rất lâu.

“5 năm trước, cứ đi chơi là tôi và anh em lại rủ nhau ra Bùi Viện. Chỉ cần ngồi nhìn phố xá, người người tấp nập qua lại cũng đủ vui rồi. Nhưng giờ thì nhiều loại hình giải trí mới nổi lại, lựa chọn thay đổi nên thói quen này cũng không còn như trước”, anh Trung hoài niệm.

Do tính chất công việc, Khánh Linh (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình) có nhiều bạn bè là người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM. Sau giờ làm, họ thường chọn khu vực Phạm Viết Chánh để đi ăn tối và uống rượu. Chị cho biết những địa điểm yêu thích của mình là quán Nông trại khoai, 3 monkeys và Birdy bar.

“Gần đây, nhiều người nước ngoài khi đến TP.HCM ưu tiên quận Bình Thạnh để an cư lập nghiệp. Khu vực này đa dạng các loại hình giải trí, ẩm thực từ Á sang Âu”, chị nói.

Ngoài khu phố này, Linh và bạn cũng thường đến Thảo Điền để tham gia các hoạt động ngoài trời như chợ phiên cuối tuần, chèo thuyền sub, leo núi nhân tạo.

Theo: Zing news


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: