Siết quản lý vốn tín dụng


Tín dụng ngân hàng trong quý 1-2022 tăng mạnh ở mức 4,03%, cao hơn 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thu xếp vốn cho các lĩnh vực ưu tiên

Việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý 1 cho thấy dòng vốn lưu thông hiệu quả hơn, kinh tế dần hồi phục, “sức khỏe” doanh nghiệp đang được cải thiện. Riêng tại TPHCM, tăng trưởng tín dụng trong quý 1-2022 tăng 3,65% so với cuối năm 2021 và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong tháng 2 cao gần gấp đôi so với cả nước.

Lý giải việc này, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tín dụng phục hồi mạnh mẽ do TPHCM đã kiểm soát được dịch bệnh và mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã trở lại bình thường.

Hiện 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn TPHCM được các cơ quan chức năng ghi nhận đã hoạt động trở lại, là điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tăng cung nguồn vốn. Đặc biệt, một số lĩnh vực ngành nghề dịch vụ như du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, giao thông vận tải… có sức hấp thụ tín dụng tăng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Nhờ sức cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực hạ lãi suất nên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tích cực đẩy mạnh nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để cùng doanh nghiệp chắp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hoặc hợp tác để thiết kế những chương trình tối ưu hóa chi phí và trải nghiệm cho các tour du lịch. Chẳng hạn, Vietcombank đang tài trợ vốn cho các khách hàng đầu tư cơ sở lưu trú với hạn mức vay tối đa bằng 50% tổng mức đầu tư, thời hạn vay 12 năm. HDBank, Sacombank tham gia kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam để phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và khách du lịch quốc tế…

Mới đây, 8 ngân hàng gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, MB, TPBank, VPBank và MSB đã ký hợp đồng cấp tín dụng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước, các ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Hạn chế tín dụng bất động sản

Kinh tế phục hồi nên dự báo thời gian tới nhu cầu vốn tiếp tục tăng cao. Kết thúc quý 1-2022, tăng trưởng tín dụng của không ít ngân hàng thương mại đã tăng hơn 5%, gần cạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao vào thời điểm đầu năm. Do đó, mặc dù lĩnh vực bất động sản đang có nhu cầu vay vốn cao và là mảng mang lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng (vì lãi suất cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh), nhưng một số ngân hàng thương mại đã “khóa van” tín dụng bất động sản nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo một lãnh đạo Sacombank, do bất động sản một số khu vực đã tăng “nóng” nên phải quản lý chặt chất lượng tín dụng. Còn Techcombank là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất toàn ngành, hiện cũng tạm dừng giải ngân cho vay bất động sản, chỉ xem xét giải ngân trong quý 2-2022.

Tuy nhiên, một số ngân hàng cho biết, không dừng hoàn toàn cho vay bất động sản. Theo lãnh đạo HDBank, hiện ngân hàng vẫn cho cá nhân vay mua nhà để ở và cả cho vay phát triển dự án nhà ở, nhưng những dự án được xem xét cho vay phải đảm bảo đủ điều kiện về mặt tài chính, pháp lý, tài sản đảm bảo và đáp ứng đủ tiêu chí vay của HDBank. Trong khi, OCB vẫn cho vay mua bất động sản vì dư nợ tín dụng bất động sản của OCB vẫn dưới ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng cả nền kinh tế. Trong đó, có 65% dư nợ tín dụng bất động sản là vay mua nhà, sửa nhà. Trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, do lãi suất cho vay rẻ nên tín dụng cho vay mua, sửa nhà tăng khoảng 15%-16% so với trước đó và tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tăng 7%-8%. Dĩ nhiên sẽ có nhập nhằng giữa vay mua nhà, sửa nhà với đầu cơ bất động sản, nhưng tỷ trọng không đáng ngại.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc giá đất tăng dựng đứng thời gian qua khó tránh khỏi một lượng không nhỏ vốn tín dụng chảy vào phân khúc này. Thế nhưng, trong năm 2021, một trong những đơn vị mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, là các ngân hàng thương mại. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay “sân sau”, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ… thì rủi ro sẽ khó lường.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước: Tạo điều kiện cho vay bất động sản phục vụ nhu cầu thực

Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế “tín dụng đen”; đồng thời kiểm soát chặt tín dụng bất động sản vào những khách hàng lớn, dự án lớn, nhất là các dự án bất động sản đầu cơ, có hệ số rủi ro cao. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực, chính đáng.

Theo saigondaututaichinh


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: