Làm gì khi bị đánh cắp thông tin cá nhân vay nợ tín dụng?


 

Làm gì khi bị đánh cắp thông tin cá nhân vay nợ tín dụng?

 

Nhiều người không vay tiền nhưng bị gọi thu hồi nợ từ các công ty tài chính. Nguyên nhân bởi những nạn nhân này đã bị kẻ gian “ăn cắp” thông tin cá nhân rồi đăng ký để vay tiền qua ứng dụng.

Mới đây, chị N.T (TP Vinh, Nghệ An) nhận được thư phúc đáp của một công ty tài chính sau khi nhiều lần phản ánh việc mình không vay tiền nhưng liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu thanh toán khoản nợ. Theo đó, công ty nêu trên xác nhận chị T bị kẻ gian sử dụng thông tin cá nhân để làm giả hồ sơ vay tiền.
Chị T cho biết: “Từ năm 2021, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi mời vay vốn từ nhân viên của các công ty tài chính và tôi đã từ chối vì không có nhu cầu vay tiền. Sau đó, tôi nhận được thông báo thanh toán khoản nợ quá hạn từ một công ty tài chính. Tìm hiểu thì được biết có một hồ sơ vay tiền mang tên mình, hình ảnh trong hồ sơ là những bức ảnh trên Facebook cá nhân. Do chưa hề vay tiền tại công ty này, tôi từ chối thanh toán khoản vay thì liên tục nhận được các cuộc gọi và tin nhắn thu hồi nợ. Sau đó, tôi trình báo sự việc lên cơ quan chức năng thì gần một năm trời, tôi mới nhận được phúc đáp của công ty tài chính khẳng định thông tin của mình bị làm giả”.
Qua các vụ việc, có thể thấy tình trạng lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để làm giả hồ sơ vay tiền từ các ứng dụng, tổ chức tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng nhiều, với những thủ đoạn rất tinh vi. Không ít đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống của các công ty dịch vụ nhằm đánh cắp thông tin khách hàng, hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty viễn thông… gọi điện cho khách hàng nhằm có được thông tin, bản chụp giấy tờ cá nhân.
Khi có được các thông tin này, chỉ với những thao tác đơn giản qua những ứng dụng vay tiền, các đối tượng sẽ đăng ký các khoản vay với các công ty tài chính. Thậm chí, không ít đối tượng còn dùng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký giả mạo tài khoản ngân hàng nhằm nhận tiền giải ngân các khoản vay rồi chiếm đoạt.

Khi trở thành nạn nhân của các đối tượng này, người dân sẽ liên tục bị yêu cầu thanh toán các khoản nợ. Không ít người suy sụp tinh thần sau khi biết mình là nạn nhân và nhận được các cuộc gọi, tin nhắn thu hồi nợ. Việc chứng minh mình bị ăn cắp thông tin cá nhân cũng sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc và kéo theo nhiều hệ lụy.

Chính vì thế, để tránh tình trạng bị kẻ gian đánh cắp thông tin và thực hiện các hàng vi vay nợ, mỗi một cá nhân đều phải cảnh giác để tránh trường hợp bị đánh cắp thông tin CMND/CCCD và trở thành nạn nhân mang những khoản nợ bản thân không biết đến.
Ngoài ra, nếu là người bị hại, ngoài việc trực tiếp liên hệ các công ty tài chính, các nạn nhân có thể trình báo để đến Công an các cấp thuộc tỉnh thành cư trú.
Hành vi lấy cắp thông tin cá nhân của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo có thể sẽ bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự.
Tính đến tháng 3/2021, có gần 16 công ty tài chính đang hoạt động trên thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, nhưng 80% thị phần nắm trong tay 3 doanh nghiệp là FE Credit, Home Credit và HD Saison. Theo báo cáo của Fiingroup về thị trường cho vay tiêu dùng trong nước cũng ghi nhận tỷ trọng tín dụng tiêu dùng hiện đã chiếm 20,5% tổng dư nợ nền kinh tế và tăng trưởng khoảng 20%/năm tại Việt Nam. Ngân Hàng Nhà Nước cũng đẩy mạnh tài chính toàn diện với nhiều chính sách, tạo điều kiện, phát triển cho vay tiêu dùng cùng sự tham gia của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

 

Làm gì khi bị đánh cắp thông tin cá nhân vay nợ tín dụng? ảnh 1

Theo: saigondautu.com.vn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: