Gửi gắm Sài Gòn cho mai sau


Gửi gắm Sài Gòn cho mai sau

Tình yêu dành cho Sài Gòn qua những trang sách chưa bao giờ dừng lại. Và trên kệ sách của những người yêu quý Sài Gòn vừa thêm một quyển nóng hổi: Sài Gòn không phải ngày hôm qua.

Không chỉ có những hoài niệm với Sài Gòn, tác giả – nhà báo Phúc Tiến nối dài bước chân điền dã từ quê nhà đến các nước Á – Âu qua rất nhiều chuyến công tác, để từ đó Sài Gòn trong tập sách của ông được thể hiện ở nhiều chiều kích.

Gửi gắm Sài Gòn cho mai sau

Cuốn sách như là cẩm nang dành cho giới trẻ
Ảnh: L.ĐIỀN

Đó có thể chỉ là mấy ký tự “Saigon” được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ tại đài thiên văn Greenwich, London – nơi khởi đầu kinh tuyến gốc số 0.

Đó cũng có thể là một bầu tâm sự chứa chan trong lòng ông Ngô Xuân Thanh – một người Sài Gòn “trôi dạt” trở thành ông già bán hàng tạp hóa ở thương xá Scala tận thủ đô Đan Mạch…

Điều thú vị là trong tư thế một người Sài Gòn đi đến nhiều nơi trên thế giới, tâm sự về Sài Gòn thường trực trong lòng Phúc Tiến để mỗi khi gặp trang tư liệu, hay bạn đồng hương, hay câu chuyện tiếp xúc có liên quan… ông đều nhặt nhạnh xếp đặt thành hệ thống. Như những trang viết theo lối đối sánh giữa Sài Gòn và Singapore là một ý tưởng độc đáo, dựa trên nền tư liệu có được.

Tác giả đặt Sài Gòn trong chiều hướng phát triển như khả năng vốn có của một đô thị độc đáo trong khu vực, đồng thời dẫn chiếu lại lịch sử để cho thấy những khắc khoải tiếc nuối về một Sài Gòn hôm nay thật sự chưa phát triển xứng tầm.

Tác giả còn kỳ vọng rất nhiều trong tập sách này, khi gần 300 trang sách là ngồn ngộn những tư liệu. Như một cách không lặp lại những người viết trước, Phúc Tiến đặt tâm thế cho công trình này là một Sài Gòn của hôm nay và mai sau, mà cách gọi tên “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” chỉ là một cách nói.

Những gì từ quá khứ làm nên một Sài Gòn hôm nay thật sự rất thu hút ở quyển sách này. Như câu chuyện về người đàn ông ở đường Sương Nguyệt Anh “chịu chơi” tự quay phim đám tang người học sinh Trần Văn Ơn hồi 9-1-1950, để rồi những thước phim ấy trở thành tư liệu vô giá cho các thế hệ học sinh Sài Gòn mai sau.

Hay như đứng trước con đường sách Nguyễn Văn Bình mới toanh của Sài Gòn hôm nay, Phúc Tiến lần giở lại những tư liệu về các con đường sách từng tồn tại ở Sài Gòn trong quá khứ, để rồi bật ra một ý tưởng:

“Tôi mong thành phố này sẽ có một bản đồ sách báo, ghi dấu các địa chỉ nhà sách, thư viện, nhà xuất bản, tòa báo, nhà in và các địa chỉ lưu dấu lịch sử liên quan đến công nghiệp sách báo của Sài Gòn.

Trong đó, chắc chắn không thể thiếu bảng lưu niệm Petrus Ký viết sách và làm Gia Định báo, lưu niệm Paulus Của biên soạn Đại Nam quốc âm tự vị, lưu niệm tòa báo – nhà in Phạm Ngũ Lão – Lê Lai. Và nhất là lưu niệm ông Khai Trí – bán sách và làm sách, đóng góp văn hóa cho bao thế hệ 
Sài Gòn…”.

Ý tưởng như vậy thật thú vị và hoàn toàn khả thi với những người yêu Sài Gòn chứ, phải không?

Theo Lam Điền/Tuổi trẻ


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: