Hóc Môn, Củ Chi không phải ‘mâm cỗ mới’ để tận dụng sốt giá


Cần hơn 11 tỉ USD làm hạ tầng phát triển Hóc Môn, Củ Chi

Lợi thế của vùng đất Củ Chi và Hóc Môn, theo Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã, là địa hình cao ráo, có hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng. Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi được ông Nhã ví như “của để dành” của TP do quỹ đất phát triển đô thị còn nhiều, nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Hóc Môn, Củ Chi không phải 'mâm cỗ mới' để tận dụng sốt giá - ảnh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng huyện Hóc Môn và Củ Chi là 2 địa bàn được nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP. Đây là nơi xây dựng đường vành đai 3 và 4. Các dự án giao thông này cùng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ giúp hai địa phương kết nối với các tỉnh và Campuchia. Trong tương lai, 2 huyện này cũng sẽ hình thành các tuyến đường sắt đô thị.

“TP đang có 2 dự án để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị và các đường vành đai. Trong chiến lược phát triển, đến năm 2030, định hướng tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt 17%. Mật độ đường giao thông bình quân là 3,1 km/km2”, ông Lâm cho biết. Trong số hơn 12,4 tỉ USD mà 2 huyện mời gọi đầu tư vào 55 dự án, có đến 11,2 tỉ USD làm hạ tầng. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí từ ngân sách không đủ, nên TP.HCM phải đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.

Tại hội nghị, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Nhật Bản), thông tin Tập đoàn Aeon dự kiến phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương. Aeon Việt Nam đã ký thỏa thuận đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Aeon Mall Hóc Môn trị giá 250 triệu USD.

Tương tự, ông Jun Sung Ho, Tổng giám đốc Lotte Properties, kỳ vọng tìm kiếm các dự án phát triển hỗn hợp tại 2 địa phương này để đầu tư vào các khu đô thị trọng điểm như mô hình Lotte Eco Smart City tại Thủ Thiêm. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, cũng cho biết trong vài tháng tới, doanh nghiệp (DN) này sẽ khởi công khu nhà ở xã hội quy mô từ 25.000 – 30.000 chỗ ở cho người thu nhập thấp, dự án bảo đảm cho người mua được hỗ trợ vay vốn ngân hàng. Ông Tâm nói: “Năm 2021, khu công nghiệp (KCN) của DN đầu tư tại Củ Chi thu hút hơn 20% nhà đầu tư nước ngoài. Riêng KCN Phú Trung – Củ Chi, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 90%. Chúng tôi là nhà đầu tư (NĐT) lớn nhất ở Củ Chi và mong muốn tiếp tục được mở rộng đầu tư xây đại học hiện đại tại địa phương trong tương lai”.

n

Gỡ nút thắt hạ tầng

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là hội nghị về xúc tiến đầu tư lớn nhất trên cả nước từ sau khi mở cửa kinh tế theo trạng thái bình thường mới, thu hút hơn 550 đại biểu tham gia. Chủ tịch nước nhận định, Hóc Môn, Củ Chi không chỉ là vùng đất lịch sử mà còn có nhiều lợi thế chiến lược trong vùng đệm, kết nối với nhiều tỉnh thành lân cận, là nơi hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội dựa trên kinh nghiệm đúc kết trong phát triển các khu đô thị trước. Thế nên, cần “gỡ nút thắt” về hạ tầng tại Củ Chi và Hóc Môn hiện đang còn kém hơn so với mặt bằng chung của thành phố, nhất là đường sá, giao thông, nguồn nhân lực để nắm bắt cơ hội, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón các NĐT.

Chủ tịch nước chỉ đạo, đầu tiên thu hút đầu tư vào địa phương không chỉ là kinh tế nông nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, du lịch sinh thái… mà còn quan tâm đầu tư xử lý rác, nhà ở xã hội. Thứ hai, cấp phép đầu tư phải phù hợp quy hoạch đã phê duyệt, cái nào lỗi thời phải tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà chuyên môn để điều chỉnh bổ sung minh bạch phù hợp luật pháp và cấp thẩm quyền phê duyệt. Thứ ba, phát triển Hóc Môn, Củ Chi được định hướng là phiên bản phát triển đô thị hài hòa bền vững của vùng Nam bộ, không thể tiếp tục gặp sai lầm, phải bền vững lâu dài. Thứ tư, nguyên tắc xuyên suốt các dự án tại Hóc Môn, Củ Chi phải đặt người dân vào vị trí làm chủ, trung tâm. Đó là đô thị sinh thái thông minh bền vững. Củ Chi, Hóc Môn không phải là “mâm cỗ mới” dành cho các NĐT bất động sản tận dụng cơ hội từ những cơn sốt giá nhà tại TP.HCM. Chúng ta mong muốn thu hút được nhiều người giàu, giỏi, tạo công ăn việc làm cho địa phương nhưng chúng ta cũng mong muốn người dân nơi đây hưởng được những tiện ích phát triển, khuyến khích các dự án KCN chuyển đổi số, không gây ô nhiễm…

Chủ tịch nước khẳng định, nếu được quy hoạch tốt, Củ Chi không khác khu trung tâm Q.1. TP.HCM cần tháo gỡ thu hút đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng. Cần có cơ chế để phát triển đường vành đai 3 nhanh hơn, đẩy nhanh làm tuyến cao tốc Mộc Bài. Đặc biệt, với các NĐT, DN có mặt tại hội nghị, phải thực hiện đúng cam kết, giấy phép đầu tư tại VN. Sau những ký kết hôm nay, phải sớm triển khai theo kế hoạch, đúng pháp luật. TP phải theo dõi, Quốc hội phải theo dõi, phải nêu ra trước Quốc hội đơn vị nào ký mà không thực hiện là bội tín. Ngoài ra, các NĐT phải ký cam kết nghiêm túc về vấn đề môi trường tại VN…

Tại hội nghị, các cơ quan quản lý đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trao 39 biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỉ USD.

Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng ba cho H.Củ Chi

Sáng 12.4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cho H.Củ Chi (TP.HCM) vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo TP.HCM, các mẹ VN anh hùng…

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã ân cần thăm hỏi, tặng quà các mẹ VN anh hùng.

Khánh Trần

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: