Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang lúng túng với câu chuyện nguồn nhân lực khi ngành du lịch có chiều hướng phục hồi, số lượng du khách tăng mạnh. Hơn 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch đã có xu hướng phát triển trở lại sau khi Nhà nước quyết định mở cửa ngành dịch vụ này. Trong dịp lễ giỗ Tổ, nhiều tỉnh, thành có ngành du lịch mạnh chứng kiến sự tăng trưởng đột biến về lượng khách, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cháy phòng. Tuy nhiên, lượng khách tăng nhanh trở lại cũng đặt ra thách thức cho ngành du lịch các địa phương, các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng vì thiếu hụt nguồn nhân lực. Lượng du khách đến Huế trong dịp giỗ Tổ tăng mạnh. Ảnh: Điền Quang. Chỉ giữ lại nhân lực nòng cốt Huế là một trong những địa phương có ngành dịch vụ du lịch phát triển của cả nước. Hàng năm, địa phương này đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan các di tích, thắng cảnh. Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng buộc phải đóng cửa hoặc cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách. Nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, duy trì một lượng nhân sự nòng cốt để chờ đến khi dịch được khống chế, du khách quay trở lại. Theo bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Alba Hotels, trong suốt 2 năm dịch, khách sạn vẫn mở cửa, các dịch vụ vẫn giữ được cơ bản số lượng nhân viên. Tuy nhiên, 30-40% nhân sự buộc phải nghỉ việc vì tình hình du lịch bấp bênh, ảnh hưởng đời sống kinh tế, phải chuyển qua công việc khác. “Chỉ khi khách sạn hoạt động, cơ sở vật chất mới giữ nguyên trạng. Chỉ cần đóng cửa nửa tháng, phòng ốc sẽ xuống cấp. Vì vậy, khi dòng khách quay trở lại vào dịp lễ hội, khách sạn vẫn sẵn sàng để phục vụ tốt cho khách”, bà Mai chia sẻ. Nhiều nhân viên các khách sạn buộc phải nghỉ việc trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Mai. Tuy nhiên theo bà Mai, khách sạn vẫn gặp khó khăn về nhân sự. Cơ bản là giữ 60% nhân sự nhưng vào các dịp khách đến đông, buộc phải có 100% thì mới đáp ứng đủ nhu cầu cho khách. Để giải quyết vấn đề này, khách sạn phải gọi thêm nhân viên thời vụ nhưng rất khó khăn. Đầu tháng 4, khi các khách sạn quay trở lại hoạt động thì xảy ra cuộc cạnh tranh về nhân sự giữa các đơn vị. Theo bà Mai, việc này không chỉ diễn ra ở Huế mà còn những trung tâm du lịch lớn của cả nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Để tạm thời bù đắp số nhân viên thiếu hụt, doanh nghiệp này đã liên hệ các trường du lịch ở Huế để đào tạo, tiếp nhận ngay khi sinh viên ra trường. Không riêng gì Alba Hotel, bà Đinh Thị Xuân Thanh, Tổng giám đốc khách sạn Midtown cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của các khách sạn. Bà cho hay khách sạn chỉ cố gắng giữ lại 20% nhân sự nòng cốt để duy trì hoạt động. Vào dịp giỗ Tổ, lượng khách đặt phòng ở khách sạn này đạt 100%. Để không bị động, đơn vị này đã huy động tất cả các nguồn lực, trong đó có lực lượng sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Huế làm thời vụ, tính lương theo giờ. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. “Để đáp ứng nhu cầu khách tăng đột biến, chúng tôi đã gọi lại những sinh viên trường du lịch, những người từng thực tập tại khách sạn. Ngoài ra, để giảm bớt áp lực về nhân lực, chúng tôi chuẩn bị số lượng chăn, gối sạch… nhiều gấp 3 lần để sẵn sàng thay đổi một cách nhanh chóng”, bà Thanh nói. Thiếu nhân sự chất lượng Tại Nghệ An, hệ thống khách sạn, nhà hàng ở các địa điểm du lịch cũng gặp khó trước tình huống thiếu nguồn nhân lực phục vụ. Ông Võ Huy Tuấn, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Cửa Lò, cho biết thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, khách sạn này có hơn 100 lao động. Tuy nhiên, sau đợt dịch đơn vị chỉ còn khoảng 70% lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc chuyển nghề (chủ yếu bộ phận nhà hàng, buồng phòng). Việc bổ sung nguồn nhân lực mới đã được đào tạo khi ngành du lịch phục hồi là vấn đề khó khăn. “Du lịch Cửa Lò đã có tín hiệu khả quan khi lượng khách tăng vào dịp lễ và cuối tuần. Tuy nhiên, khó khăn của nhiều khách sạn, đơn vị dịch vụ du lịch là nguồn nhân lực, nhất là người có chuyên môn”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng nhìn nhận việc tuyển thêm lao động qua đào tạo sẽ khó đảm bảo nên đơn vị cũng mở rộng tiếp nhận hồ sơ cho nhân viên vừa học vừa làm, “cầm tay chỉ việc” như nhân viên buồng phòng hay chạy bàn. Tuy nhiên, đối với đội ngũ nhân sự nhà bếp là vấn đề khó khăn nhất bởi ngoài chuyên môn bài bản, họ cần có kinh nghiệm. Đơn vị đã đưa ra mức lương, an sinh ưu đãi nhất cho việc tuyển dụng nhân viên lĩnh vực này song vẫn chưa đảm bảo đầy đủ nhân sự. Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường nói rằng sau 2 năm ngành du lịch “đóng băng”, nguồn nhân lực du lịch ở địa phương vừa thiếu vừa yếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn nhiều thời gian để chuẩn bị nhân lực có tay nghề cao để phục vụ du lịch trong điều kiện bình thường mới. “Trước mùa du lịch 2022, ngành du lịch Nghệ An đã có kế hoạch, phương án làm cầu nối cho các doanh nghiệp; cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề tuyển dụng các sinh viên học ngành du lịch nhằm tăng thêm nguồn nhân lực cho du lịch trong những tháng cao điểm”, ông nói. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Nghệ An, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 9 – 11/4), toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 150.000 lượt khách tham quan du lịch, trong đó, lượng khách lưu trú ước đạt khoảng 120.000 lượt. Nhờ có lượng khách đông nên công suất phòng nghỉ đạt từ 55-60%, riêng các khách sạn 3-5 sao ven biển Cửa Lò công suất phòng nghỉ đạt từ 80-90%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 120 tỷ đồng. Giải pháp nào cho nguồn nhân sự du lịch? Trao đổi với Zing, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế, cho rằng khi du lịch quay lại, vấn đề hàng đầu là nguồn nhân lực, bởi ngành này có đặc trưng là nhân lực phục vụ chiếm hơn một nửa chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp du lịch xoay xở tuyển nhân viên thời vụ để phục vụ du khách. Ảnh: Hoàng Mai. Theo ông Thắng, đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chất lượng phục vụ sẽ giảm và khách có nguy cơ không quay trở lại. Để giải quyết bài toán nhân sự du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế cho rằng các doanh nghiệp cần có chính sách tốt để kêu gọi những nhân viên đã nghỉ quay lại, đầu tư thêm kinh phí để đào tạo nhân lực mới và liên kết các trường du lịch cho sinh viên đến làm ở các cơ sở. Tuy nhiên, thị trường khách phải ổn định. Không dừng ở nguồn nhân sự, ông Thắng cho biết một điều quan trọng nữa ảnh hưởng lớn đến chất lượng du lịch là cơ sở vật chất. Sau 2 năm nghỉ dịch, các khách sạn cần phải kiểm tra, bảo dưỡng để phục vụ khách. “Lượng khách bùng phát sau Tết Âm lịch, các lễ hội là thử thách cho ngành du lịch Thừa Thiên – Huế. Đây là con dao 2 lưỡi vì khách đến đông mà nguồn nhân lực thiếu hụt sẽ dẫn đến chất lượng phục vụ sẽ giảm”, ông Thắng nhận định. Theo: Zing news