‘Quét sạch’ chiêu trò làm giá, bảo vệ nhà đầu tư


Sau nhiều phiên bị tác động vì các vụ án thao túng giá cổ phiếu như nhóm Louis Holdings, FLC, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại.

Thị trường chứng khoán đã bị “cú sốc” sau hai vụ án thao túng giá ở Tập đoàn FLC và nhóm doanh nghiệp “họ” Louis từ cuối tháng 3 đến nay.

Giao dịch tay trái tay phải, lập room “lùa gà”

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC – cùng một số đồng phạm tại Công ty chứng khoán BOS bị bắt để điều tra về tội danh thao túng giá chứng khoán thì đến tối 20.4, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings và ông Đỗ Đức Nam – Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt cùng một số nhân vật chủ chốt của hai công ty để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán.

'Quét sạch' chiêu trò làm giá, bảo vệ nhà đầu tư - ảnh 1
Ông Đỗ Thành Nhân – cực Chủ tịch Louis Holdings bị bắt vì thao túng giá chứng khoán

Hậu quả từ các chiêu trò làm giá của những cá nhân trên khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng nề. Chẳng hạn, từ ngày 1.12.2021 – 10.1.2022, nhóm ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng nhiều tài khoản để mua bán cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 đồng lên 24.050 đồng/cổ phiếu ngày 10.1, trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu (tăng 64%). Sau đó, ngày 10.1, ông Trịnh Văn Quyết đặt lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá trung bình 22.586 đồng/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch, với số tiền hơn 1.689 tỉ đồng làm cho giá cổ phiếu FLC giảm sàn 8 phiên giao dịch liên tiếp. Cơ quan điều tra bước đầu xác định hành vi của ông Quyết gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư mua 60,1 triệu cổ phiếu FLC.

Nhưng đặc biệt hơn, ngoài việc thông đồng sử dụng nhiều tài khoản để mua bán, đẩy giá cổ phiếu, ông Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch Louis Holdings đã lập room lôi kéo các nhân viên công ty và những nhà đầu tư bên ngoài. Ông Nhân liên tục hô hào, đưa các thông tin có lợi về những hoạt động của các công ty liên quan và thậm chí khẳng định giá cổ phiếu BII, TGG, AMT phải được 3x, 4x, 5x… Bản thân ông Đỗ Thành Nhân và các công ty liên quan đều lần lượt bán sạch các cổ phiếu đã mua vào. Chẳng hạn, mã TGG đầu năm 2021 chỉ xoay quanh giá 1.000 đồng thì từ giữa tháng 1.2021 bất ngờ bắt đầu chuỗi ngày tăng trần liên tục và đạt đỉnh sát 75.000 đồng vào ngày 22.9.2021. Như vậy chỉ trong vòng 9 tháng, giá TGG đã tăng 75 lần – là mức tăng kỷ lục trên thị trường. Tương tự, cổ phiếu BII của Công ty CP Louis Land chỉ duy trì ở mức 4.000 đồng vào đầu năm 2021 thì nhảy vọt lên 31.000 đồng vào giữa tháng 9.2021, tương ứng mức tăng gấp 8 lần. Sau khi tăng mạnh thì cả TGG hay BII đều lao dốc từ 50 – 70% chỉ trong vòng quý 4/2021. Các nhà đầu tư mắc kẹt với hàng chục triệu cổ phiếu chất sàn mỗi ngày, không thể cắt lỗ. Việc tăng sốc và giảm sâu của nhóm cổ phiếu “họ” Louis đã được nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn có bàn tay đội lái làm giá trong năm 2021. Bản thân ông Đỗ Thành Nhân nhiều lần khẳng định không tham gia làm giá cổ phiếu…

Làm sạch thị trường để phát triển bền vững

So với cuối tháng 3, tính đến hết phiên 21.4, VN-Index giảm gần 10% và nhiều cổ phiếu còn bốc hơi 20 – 30% khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Tuy nhiên chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng rủi ro trên thị trường chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở mọi thị trường khác nhau. Việc khởi tố hai vụ án thao túng giá cổ phiếu mới diễn ra khiến thị trường chao đảo nhưng thể hiện quyết tâm rõ ràng của Chính phủ là kiên quyết xử lý triệt để các sai phạm. Điều này sẽ giúp thị trường có bước trở mình quan trọng, nhất là mang lại niềm tin và sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn trong thời gian tới.

n

'Quét sạch' chiêu trò làm giá, bảo vệ nhà đầu tư - ảnh 2
Nhà đầu tư cần bình tĩnh, chọn lựa cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động mạnh

TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh: Nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ nên mất bình tĩnh và bán tháo cổ phiếu. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử của thị trường năm 1998 hay 2008 thì sau đó giá cổ phiếu đều tăng trưởng trở lại, những nhà đầu tư bình tĩnh, lựa chọn được danh mục cổ phiếu tốt thì đều lấy lại được tiền. Nhưng qua việc thị trường đi xuống, bản thân nhà đầu tư cũng rút kinh nghiệm cần phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư cơ bản, cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu mà không phải nhắm mắt chạy theo các nhận định không căn cứ, các mã chứng khoán lướt sóng tăng ảo….

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc điều hành khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu thuộc VinaCapital – cho rằng một số sự kiện và thông tin không tích cực xoay quanh các vụ việc liên quan đến xử lý hành vi thao túng trong giao dịch cổ phiếu và phát hành trái phiếu không đúng mục đích đã tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhân mới tham gia vào thị trường. Nhưng việc thanh tra này là cần thiết để gạn lọc và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong dài hạn, hướng đến thu hút dòng vốn ngoại và triển vọng nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời, sự điều chỉnh mạnh của VN-Index cũng tạo ra cơ hội hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyên nghiệp có tầm nhìn dài hạn giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có ban lãnh đạo tốt, tình hình tài chính lành mạnh và triển vọng tăng trưởng rõ ràng. Cụ thể, định giá P/E năm 2022 của VN-Index ở mức 12,2 lần sau khi thị trường điều chỉnh mạnh là rất hấp dẫn so với mức P/E trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Các doanh nghiệp đang được dự báo sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình 22 – 25% trong năm 2022. Những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và tâm lý vững vàng sẽ xem những giai đoạn biến động của thị trường như cơ hội mua cổ phiếu tốt với giá rẻ cho mục tiêu tích lũy tài sản. “Tôi nhận thấy rằng nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn và nếu không trang bị đủ kiến thức thì dễ bị tình trạng mua đỉnh bán đáy và thường là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường biến động mạnh như hiện nay. Các nhà đầu tư nên gạt bỏ tâm lý “chơi” chứng khoán để hướng đến “đầu tư” chứng khoán với mục tiêu dài hạn và tận dụng tối đa nguồn lực của các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp trên thị trường để giảm thiểu rủi ro”, bà Nguyễn Hoài Thu cho hay.

Sáng 22.4, thị trường chứng khoán giao dịch trong sắc xanh. Chốt phiên buổi sáng, VN-Index tăng 6,71 điểm lên 1.376,92 điểm. Ngược lại, HNX-Index khá giằng co và vẫn giảm nhẹ 0,69 điểm xuống 365,92 điểm. Nhà đầu tư vẫn giao dịch dè dặt sau khi thị trường liên tục đi xuống.

Theo: Thanh Niên


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: