Xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam những tháng đầu năm đạt trên 4 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nỗi lo lớn nhất là thiếu nguyên liệu và container vận chuyển. Nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu đã đẩy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu lên cao nhất từ trước đến nay Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay nhiều công ty trong ngành gỗ đã nhận đơn hàng xuất khẩu sang EU tới hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng trong quý IV/2022. Chi phí ăn mòn lợi nhuận Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, do nguồn cung gỗ từ Mỹ và EU hạn chế và giá gỗ tại 2 thị trường này tăng mạnh nên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuẩt của doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Bà Dương Thị Minh Tuệ – Giám đốc kinh doanh Công ty Gỗ Minh Dương (Bình Dương) – cho biết: Hiện nay đơn hàng của doanh nghiệp chúng tôi đã kín đến hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị “ăn” vào lợi nhuận”. Đại diện một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Quy Nhơn hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà doanh nghiệp này mua chỉ là 172-175 USD/m3. Tương tự, một doanh nghiệp khác tại Quy Nhơn cũng chia sẻ, có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh. Các nước cung cấp nguyên liệu gỗ cho Việt Nam ở châu Âu đang trong mùa mưa, nên lượng gỗ khai thác đang giảm mạnh. Tây Ban Nha tăng mạnh lượng nhập gỗ sồi, tần bì tròn để xẻ sấy, cung cấp cho các thị trường châu Á. Pháp đang hạn chế việc khai thác để bảo tồn các khu rừng, dẫn đến nguồn cung gỗ tại Pháp sẽ giảm dần trong thời gian tới nhất là đối với gỗ tần bì. Còn tại Mỹ, với gói kích cầu của nước này, nhu cầu nội địa của Mỹ tăng cao, đặc biệt trong việc xây dựng nhà gia tăng, khiến giá gỗ nguyên liệu tại Mỹ cũng tăng theo. Giá gỗ xây dựng tại Mỹ đã tăng 4 lần kể từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, sang đầu năm 2022 lại tiếp tục tăng hơn nữa. Trong thời điểm hiện tại các nhà cung cấp gỗ tại Mỹ mong muốn bạn hàng nội địa nhiều hơn là bán hàng về châu Á bởi họ lo ngại những rủi ro về vận tải cũng như mức giá bán. Rủi ro pháp lý từ nguồn nhập Châu Phi Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của Việt Nam có xu hướng tăng nhập khẩu gỗ từ nguồn cung châu Phi, mặc dù nguồn cung gỗ này có rất nhiều rủi ro về pháp lý. Theo thống kê, sau khi giảm liên tiếp trong năm 2020 và năm 2021, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi đã tăng trở lại trong quý I/2022, ước đạt 300.000 m3, trị giá 110 triệu USD, tăng 16,8% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Có rất nhiều mối nguy hại từ nguồn cung châu Phi, vì các nước cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho Việt Nam đều nằm ở phía cuối bảng xếp hạng về Chỉ số nhận thức tham nhũng, hay kỹ năng quản trị rừng tại các quốc gia này thường rất kém, và những yếu tố này sẽ đưa lại những rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện các cam kết và hiệp định của Việt Nam, cũng như sự phát triển bền vững của ngành gỗ nói riêng. Tình hình này cũng đã đặt ra yêu cầu bức thiết đối với nguồn nguyên liệu gỗ trong nước. Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, tính đến hết tháng 3.2022 tổng diện tích rừng trồng là rừng sản xuất có chứng chỉ FSC của Việt Nam đạt gần 180.000 ha, tương đương khoảng 5% -7% trong tổng số diện tích rừng sản xuất của Việt Nam. Tỉ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ còn thấp, chỉ chiếm 30 – 40% trong tổng lượng gỗ khai thác. Phần còn lại đi chỉ làm vào dăm và viên nén. Năng suất rừng trồng tới nay cũng còn rất hạn chế. Nhiều diện tích mới chỉ đạt 10 – 15 m3/ha/năm, thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Theo: Thanh Niên