Đã 3 năm nay kể từ ngày đôi mắt của bà Lan không còn nhìn thấy ánh sáng, ông Năng vẫn miệt mài trên những nẻo đường để bán từng tờ vé số chăm lo cho cuộc sống. Không có với nhau mụn con nào, những ngày cuối đời của ông bà chỉ đơn giản là được sống cùng nhau. Chúng tôi tìm đến nhà ông bà Năng vào một buổi trưa tháng 7 trời dịu nắng. Phía cuối con hẻm nhỏ nằm ở một quận ngoại ô Sài Gòn, ngôi nhà nằm im lìm như đang say giấc ngủ trưa. Không gian trầm lắng, đâu đó ngân vang vài tiếng kinh cầu của người đàn bà mù lòa và tiếng thở dài của người đàn ông tật nguyền. Ngôi nhà của ông bà nằm sâu trong một xóm đạo nghèo ở quận Thủ Đức. Đã 3 năm nay, kể từ ngày đôi mắt bà Lan không còn nhìn thấy ánh sáng, ngôi nhà bỗng chìm vào một nỗi buồn đến vô tận. Chúng tôi bước vào nhà, ông Năng nở nụ cười niềm nở xóa tan không gian buồn tẻ, dường như nơi này đã lâu không có khách đến thăm. Tình yêu của cô gái Sài Gòn và anh lính giải phóng Ông Nguyễn Văn Năng (68 tuổi, Long An) và bà Phạm Thị Lan (66 tuổi, TP.HCM) cưới nhau từ năm 1973, trải qua rất nhiều trắc trở, những tưởng đến cuối đời sẽ được hưởng những ngày tháng an nhàn, bình dị thế nhưng sóng gió cuộc đời chưa bao giờ thôi, khiến họ phải vất vả. Uống một ngụm trà rồi ông Năng bồi hồi kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu ông bà gặp nhau. “Tui đi lính ở chiến trường miền Đông (năm 1972) thì không may bị đạp phải mìn và mất đi đôi chân. Không thể tiếp tục chiến đấu nữa nên tui trở về quê để sinh sống. Giữa năm 1973, tui vào Biên Hòa đi bán báo dạo vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình” – ông Năng kể. Ông Năng bị mất hai chân khi tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khoảng thời gian đó bà Lan cũng vào Biên Hòa để đi làm thuê nên vô tình hai người nhau. Bà tâm sự: “Lúc đó tôi gặp ổng đang ngồi trên xe lăn đi bán báo dạo. Thấy ổng tàn tật mà có ý chí nên tôi cảm mến chứ chưa có tình cảm gì nhiều. Sau này ổng theo đuổi, rồi tôi thương, tôi nghĩ ổng tàn tật nhưng chịu khó làm ăn, còn hơn khối ông lành lặn mà chỉ biết cờ bạc rượu chè”. Khi ông Năng và bà Lan quyết định tiến đến hôn nhân, gia đình bà Lan đã ra sức ngăn cản vì cho rằng ông Năng sẽ không đủ sức đem lại cho bà một cuộc sống no đủ. Thế rồi tình yêu, duyên nợ cũng giúp ông bà vượt lên rào cản gia đình để đến với nhau. Bà Lan tâm sự: “Tôi nói với ba mẹ rằng: con sẽ tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, sướng con hưởng còn khổ thì con chịu. Rồi tôi theo ổng đi lên Tây Ninh lập nghiệp”. Họ đến với nhau không có được một lễ cưới đàng hoàng. Những năm tháng đi kinh tế mới ở Tây Ninh khó khăn chồng chất khó khăn, bà Lan dù là phụ nữ nhưng chân tay khỏe mạnh nên hầu như chăm lo tất cả mọi gánh nặng cho gia đình. Thấy vợ vất vả, ông Năng quyết định trở về Sài Gòn để mưu sinh. Năm 1977, ông bà quay trở về Sài Gòn để sinh sống. Ông bán vé số, bà đi làm đủ mọi việc từ mua ve chai, bán rau… tích góp dần dần rồi hai vợ chồng cũng dựng được một căn nhà nhỏ ở quận Thủ Đức để che nắng che mưa. Sống với nhau hơn 40 năm, hai ông bà không có với nhau mụn con nào, chạy chữa khắp các bệnh viện ở Sài Gòn, nhưng rồi ông bà cũng chấp nhận số phận. Họ không có với nhau người con nào dù đã chạy chữa nhiều nơi. “Tôi sẽ là ánh sáng đưa bà đi đến cuối cuộc đời!” Sóng gió một lần nữa lại đến với gia đình ông bà. Năm 2013, bà Lan trải qua một cơn bạo bệnh khiến đôi mắt bị mù lòa. Ông Năng đưa bà đi điều trị ở các bệnh viện nhưng đều không có khả năng hồi phục. Bà Lan bị mù hai mắt và ảnh hưởng thính giác nên khi nói chuyện, ông Năng phải nói thật gần thì bà mới nghe thấy. “Bỗng dưng cuộc sống xung quanh trở nên tối đen, tôi không còn nhìn thấy được gì, không còn biết mình đang ở đâu, làm gì. Tôi thật sự hoang mang và sợ hãi. Tôi chỉ còn biết khóc” – bà Lan nghẹn ngào nói. Với bà Lan, những năm tháng ấy thật sự ám ảnh và đáng sợ. Đó là những buổi sáng khi ông Năng phải ra đường mưu sinh để lại mình bà với căn nhà trống trải và một màn đen vô tận, đó là những ngày tháng chìm trong nước mắt của tủi khổ. Nhưng rồi chính niềm động viên của người chồng đã giúp bà Lan vơi đi những đau đớn. Chính sự quan tâm chăm sóc của chồng đã giúp bà Lan vượt qua những ngày tháng đau khổ. Hàng ngày ông Năng vẫn dậy từ sớm để ra đường bán vé số, đến khoảng 10h ông ra chợ mua ít thức ăn rồi về nhà nấu cơm. Ông tâm sự: “Mỗi ngày tui chỉ bán khoảng 50 tờ, kiếm được 60.000 đồng, đủ chi tiêu trong ngày. Tui chỉ bán một buổi sáng thôi vì không thể bỏ bà ở nhà một mình được”. Ông Năng vẫn đều đặn đi bán vé số hàng ngày để có tiền chi tiêu cho gia đình. Những ngày sức khỏe mệt mỏi ông Năng không thể đi bán được thì vợ chồng lại chia nhau chén cơm với bát nước mắm hay tô mỳ tôm, nhưng chẳng ai than phiền điều gì, với họ giờ đây cũng chẳng cần điều gì quá xa xỉ. “Vợ chồng tui chưa từng cầm chén đi xin một chén cơm hay ngửa tay xin tiền của ai. Vợ chồng tui tàn tật nhưng có tự trọng, có gì thì ăn nấy dù sao thì tui với bả cũng gần đất xa trời rồi”. Mọi công việc trong nhà từ lau dọn đến nấu nướng đều do ông năng quán xuyến. Khi tôi vô tình nhắc đến niềm ước ao có một người con thì đôi mắt ông Năng bỗng đỏ cay, ông lấy tay gạt đi dòng nước mắt đang tuôn trên gương mặt khắc khổ gió sương của mình rồi nghẹn ngào: “Ước chứ, ước nhiều lắm mà có được đâu. Thôi thì số phận mình vậy thì chấp nhận thôi…”. Ông Năng bật khóc khi nghĩ đến những sóng gió mà cuộc đời đã đem đến cho gia đình ông. Nếu ai đó hỏi điều kỳ diệu gì đó đã kéo bà ở lại bên ông những ngày tháng tuổi thanh xuân và rồi níu ông ở lại bên bà những chuỗi ngày cuối đời bệnh tật thì thật sự chính ông bà cũng không thể tìm ra câu trả lời. Thôi thì cả một đời bà đã là đôi chân cho ông thì hãy để ông được làm ánh sáng soi đường cho bà bước qua những tháng ngày nhọc nhằn cuối đời. Dẫu có sóng gió, bà hãy yên tâm vì luôn có ông bên cạnh! Theo Toàn Nguyễn / Trí Thức Trẻ