Sự hiếu khách, luôn mong học hỏi, phát triển hiện đại đất nước của Lê Văn Duyệt tương phản với hầu hết những quan lại, nhân viên dưới quyền ông ở Gia Định trong ghi chép của trung úy hải quân Mỹ John White. Kênh Tàu Hủ (TP.HCM) được vua Gia Long hạ lệnh cho Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét vào năm 1819ẢNH: EMILE GSELL Trong hồi ký của John White viết về vị Tổng trấn Lê Văn Duyệt và Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý, ta thấy rõ đặc tính, tư cách và tầm nhìn của hai người hoàn toàn khác nhau một trời một vực. Về chức vụ, Lê Văn Duyệt là tổng trấn và là quan võ, trong khi Huỳnh Công Lý là phó tổng trấn và là quan văn. Lê Văn Duyệt rất chính trực, cai trị nghiêm minh đôi lúc có phần độc đoán thì Huỳnh Công Lý rất tham ô, lươn lẹo và hèn nhát. Lê Văn Duyệt hiểu rõ tình hình trong và ngoài nước (ông biết rõ diễn biến tình hình của Napoleon và chính trị ở Âu châu đương thời, hàng hải, khoa học kỹ thuật hiện đại… và thường đàm đạo với những người nước ngoài về những vấn đề này), mong muốn phát triển và khuyến khích thương mại, thường than phiền về sự yếu kém, suy nghĩ thấp và thiển cận nhưng vẫn tự mãn của người Việt. Còn Huỳnh Công Lý thì hoàn toàn ngược lại. Không lạ gì mà sau này Lê Văn Duyệt đã xử nghiêm Huỳnh Công Lý, dù lúc đó phó tổng trấn là cha vợ của vua Minh Mạng. Thông đồng với các nhà buôn Theo hồi ký, John White kể khi đi qua cửa vào dinh phó tổng trấn, trong dinh, trên bục gỗ quý, giống gỗ hoàng dương bóng loáng như gương là vị phó tổng trấn. “Trên bệ cao này, vị phó tổng trấn ngồi chân xếp hai bên kiểu người Á, và vuốt râu trắng lưa thưa; ông là một người già ốm, da nhăn, điệu bộ rất thận trọng, mặc dù có nở nụ cười không đáng tin cậy, không cho ta thấy một điều gì công chính và thành thật”. Trong thời gian ở Sài Gòn, đoàn ông John White mướn một nhà, do một góa phụ người Việt, vợ một thương gia Bồ ở Macao làm chủ. Nhà ở dọc bờ một con kênh trong Chợ Lớn nơi có nhiều người nước ngoài trú khi họ đến Sài Gòn vì nơi đây có nhiều hàng hóa, kho chứa hàng và nhà buôn. Ông đã đi thăm những kho chứa hàng của người Hoa dọc theo kênh để xem những gì có thể mua được. Đối diện với nhà mướn này bên kia kênh là nhà của vị Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý. Trong những lần thương lượng với các nhà buôn để mua đường, ông đã gặp rất nhiều khó khăn về sự thiếu thành thật. Các nhà buôn hôm nay đồng ý giá này nhưng không lâu sau đó thấy có cơ hội lại đưa giá cao hơn nhiều, hứa sẽ có mẫu hàng nhưng không có, luôn luôn tìm cách bóp chẹt… Ông đã gặp phó tổng trấn xin giúp để nhanh chóng làm việc, nhưng sau nhiều lần tiếp xúc thì ông mới biết chính vị phó tổng trấn đã thông đồng và cùng làm chung với các nhà buôn để bắt chẹt, lừa dối và tống tiền gây giá cao so với giá ở chợ, cùng các quan chức với các thủ tục quan liêu làm tiền bằng mọi cách. Khi đoàn đến gặp phó tổng trấn về thủ tục trả thuế tàu đậu tính theo tiền Việt, đoàn muốn trả tiền thuế bằng đô la Tây Ban Nha theo giá thị trường ở chợ, nhưng vị phó tổng trấn bắt phải trả theo giá chính thức mà xê xích 1 đô la là 18 tiền chính thức so với 19 tiền ở chợ. Đoàn thương lượng tìm cách trả thẳng bằng tiền Việt, cuối cùng vị phó tổng trấn cũng miễn cưỡng đồng ý. Đoàn ông White ra chợ đổi tiền và xâu các đồng tiền vào thành bó trong các bao mang đến ngân khố trả mới biết họ tìm cách làm khó khăn, đóng cửa, đếm gian, kéo dài thì giờ và ngay cả ăn cắp… Về nhà trọ mướn thì tối đến bị ném đá liên tục mà hướng là từ phía nhà của vị phó tổng trấn phía bên kia kênh. Đòi uống rượu trước khi làm việc Tàu Franklin và Marmion đậu tại cảng và phải trả thuế tính theo trọng tải, được ước lượng qua chiều ngang gần mũi tàu. Tàu Franklin được tính ngang gần mũi tàu 17.6 covids (1 covid khoảng 40 cm) hay 176 tất (đơn vị thời đó) với giá 160 quan (1 quan là 10 tiền, 1 tiền là 60 đồng, các đồng làm bằng kẽm (zinc) có lỗ ở giữa để tiện cho việc xâu lại thành bó. Ngoài ra, còn có “bạc đính” tức thỏi bạc lớn bằng ngón tay út và “bạc nén” lớn nặng 375 gr có giá trị 16 tiền (piastre mexicaine), mỗi tiền mexicaine là 7 quan. John White than chi phí tặng phẩm cho quan lại vua chúa, quà cáp cho đủ loại nhân viên từ thuế vụ đến lãnh binh. Vào 9 giờ sáng, trước khi đo để trả thuế, nhân viên thuế đòi phải có rượu uống trước. Sau khi thâu thuế, nhân viên thuế vụ đòi hỏi được đãi ăn, nhậu. Đến 12 giờ trưa, sau khi đã say sưa họ ra về, để lại cho thủy thủ đoàn lau rửa dọn dẹp, mà khó rửa nhất là các bãi nước trầu đỏ ghê tởm mà họ phun từ miệng xuống đầy sàn tàu. Những người đầu tiên muốn tiếp xúc và buôn bán hàng hóa với ông là những thương gia phụ nữ, ông gặp họ khi ông đến nhà của một người Tagal (gốc Phi Luật Tân, đảo Luzon) nói tiếng Tây ban Nha tên là Pasqual định cư ở Sài Gòn khi lấy một người Việt. John White cho biết đa số các thương gia môi giới hàng là phụ nữ và họ giỏi hơn đàn ông. Nguyễn Đức Hiệp (Trích từ Sài Gòn – Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945, NXB Văn hóa – Văn nghệ)